Mực “tươi” giá siêu rẻ
Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ lớn tại Hà Nội như: chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Long Biên, Ngọc Lâm,… các loại hải sản được bày bán rất nhiều, nhất là các loại mực tươi.
Với giá giao động từ 150 nghìn đồng/kg đến 260 nghìn đồng/kg tùy loại lớn nhỏ, mực tươi được nhiều bà nội chợ chọn mua để chế biến các món ăn cho gia đình.
Theo một người bán hàng tại chợ Ngọc Lâm (Long Biên, HN) mực tươi thường được các bà nội chợ mua về hấp, luộc hoặc xào. Thời tiết nắng nóng, lượng khách hàng tìm đến các loại hải sản: tôm, cá, mực cũng nhiều hơn.
Đặc biệt tại một chợ xuất hiện loại mực tươi “siêu rẻ” với giá chỉ 100 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg. Loại mực này nhỏ, màu trắng nhờ nhờ, được các tiểu thương làm đông thành từng tảng.
Vì siêu rẻ nên loại mực này được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Chị Mai (Long Biên, HN) cho biết: “Tôi định mua mực về xào nên không cần mua mực to, thấy người bán bảo nếu xào thì dùng loại mực nhỏ này xào sẽ ngon hơn. Giá cả lại rẻ chỉ bằng 1 nửa loại mực kích cỡ trung bình nên tôi mua cả cân về chế biến cho cả nhà ăn”.
Tại chợ Ngọc Lâm (Long Biên, HN), khu bán thủy hải sản dễ dàng mua được loại mực siêu rẻ này tại các sạp chuyên bán đồ hải sản. Dù người bán luôn miệng quảng cáo các loại hải sản bán tại đây đều là đồ tươi sống, nhưng nhìn những con mực ươn, ruồi bắt đầu bâu đầy, người bán phải liên tục dùng một chiếc que dài có luộc vải trên đầu để đuổi ruồi muỗi là biết độ “tươi ngon” của các loai mực này ở mức độ nào.
Mực ươn, thối sau khi được ngâm tẩm oxy già trở nên tươi ngon bắt mắt.
Bác Hạnh (Long Biên, HN) cho biết: “Tôi cũng hay mua hải sản về ăn, nhất là mực tươi , dạo trước hầu như tuần nào cũng có 2 lần “lân la” đến các sạp hải sản để mua mực về luộc ăn. Nhưng cách đây không lâu, tôi mua mực về ăn, khi đem mực ra rửa thì thấy mực có mùi rất khó chịu như mùi của hóa chất, sau khi ăn xong cả nhà đều bị đau bụng. Rồi nghe nói người bán họ thường dùng ô xi già, rồi các loại hóa chất để làm trắng, bảo quản mực, từ đó tôi không dám mua mực ngoài chợ nữa”.
Mặc dù đã được cảnh báo chiêu trò của thương lái phù phép mực ươn, mực thối thành mực tươi tuy nhiên nhiều bà nội trợ vẫn bị lừa, bị móc túi bởi công nghiệp "tắm" trắng cho mực quá tinh xảo.
Thành viên Linh Giang chia sẻ trên Hội làm cha mẹ: "Tôi mua mực tươi tại một chợ sau đó về bóc hết lớp da tím rồi rửa thì chậu nước rửa mực nó sủi bọt như xà phòng. Sau đó, sợ quá tôi cho muối hạt vào bóp thì càng bóp càng ra nhiều bọt, liệu có phải mực có bị ngâm hóa chất không?".
Theo tìm hiểu, số mực trên được chị Linh Giang mua ở chợ Vĩnh yên (Vĩnh Phúc). Mặc dù có đề phòng, chọn mua mực của người quen biết, lúc mua chọn mực tươi, dầy nhưng không ngời về nhà lại gặp trường hợp như trên.
Thối, ươn “phù phép” thành “tươi roi rói”
Theo tiết lộ của một “cựu” tiểu thương chuyên bán hải sản, mực tươi bán ngoài chợ hay bị nhập nhèm giữa mực trong nước và mực Trung Quốc. Vì mực Trung Quốc giá rẻ chỉ bằng 1 nửa so với mực trong nước nên nhiều tiểu thương vì lợi nhuận đã nhập về để bán. Mực nhập từ Trung Quốc về các chợ đều theo đường tiểu ngạch, sau khi “cập cảng” hầu hết đã bị ươn, thối. Qua bàn tay phù phép của người bán lại “tươi như hoa”.
“Mực tại các chợ sở dĩ có màu bắt mắt, giữ được độ tươi là do người bán sử dụng hóa chất, hóa chất đó có thể là ô xi già để biến mực thối thành tươi, là đạm u rê hay bột đắng để giữ hải sản “tươi mới” được lâu…”, người này cho biết.
Tại chợ Đồng Xuân, có thể dễ dàng hỏi mua một gói "bột đắng" nhỏ với giá 5.000-10.000 đồng ở những sạp bán hóa chất.
Theo "mách nhỏ" của người bán hàng, muốn tôm, cá mực hay thịt các loại tươi lâu, màu đẹp hơn, chỉ cần trộn một ít bột đắng vào là có thể giữ đến mấy ngày không sao. "Hàng tôi bán sỉ đi các tỉnh rất nhiều, ở thành phố chỉ bán lẻ theo nhu cầu thôi", người bán hàng cho biết.
Theo một chuyên gia hóa học, những gói gọi nôm na bột đắng này là Cloramphenicol, một hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì có thể gây bệnh nguy hiểm cho sức khỏe như ung thư...
Chloramphenicol là kháng sinh dạng bột màu trắng vàng, vị đắng, có độc tính, được sử dụng để trị bệnh nấm cho tôm cá, hoặc ướp bảo quản thủy sản. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là không nên sử dụng lâu dài, do nó gây ô nhiễm môi trường. Nếu thường xuyên dùng thực phẩm nhiễm chất này sẽ làm vật nuôi và cả con người kháng thuốc.
Tháng 9/2001, Bộ Thủy sản đã cấm sử dụng kháng sinh này trong nuôi trồng thủy sản khi có cảnh báo từ EU đối với nhiều lô hàng Việt Nam nhiễm Cloramphenicol.
Ngày 15/4 vừa qua, Đội Cảnh sát môi trường - Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã bất ngờ tiến hành kiểm tra khu vực buôn bán thủy sản tại chợ Long Biên. Tại Kho G2, cơ quan chức năng bắt quả tang Vũ Mạnh Cầm (22 tuổi, ở Hưng Yên) là nhân viên đang đổ hàng chục cân mực ôi, bốc mùi vào các thùng phuy cỡ lớn có chứa hóa chất công nghiệp để bảo quản.
Tại kho, lực lượng chức năng phát hiện có 750kg mực ống đã bốc mùi đang được lưu trữ, trong đó 150kg đang được ngâm tẩm hóa chất bảo quản. Vũ Mạnh Cầm cho hay, hiện đang làm thuê cho bà Ngô Thị Nụ (46 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng).
Cầm cho biết, để “phù phép” mực hỏng thành mực tươi, hòa 300ml oxy già loại công nghiệp vào thùng phuy nước rồi đổ mực vào ngâm khoảng 30 phút, dùng gậy sắt đảo đều cho tới khi mực trắng, hết mùi thối thì đem ra chợ Long Biên bán.
Theo cơ quan điều tra, mực ống đông lạnh thường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường biển Hải Phòng hoặc Quảng Ninh về Hà Nội và có thể đưa sâu vào tận miền Nam tiêu thụ.
Mực mặc dù đã rã đông nhũn, nhớt, bốc mùi thối… nhưng sau khi bị “phù phép” lại giòn, trắng và sạch mùi trở lại. Lý do hàng được nhập lậu vì bên Trung Quốc giá chỉ rẻ bằng một nửa so với thủy sản nuôi trong nước.
nguoiduatin.vn