Tôi không bao giờ quên câu nói của ba tôi ngày rời bỏ mẹ con tôi: “Tụi con còn nhỏ, không thể nào hiểu được chuyện giữa ba mẹ. Sau này các con sẽ hiểu”. Năm đó tôi 17 tuổi. Qua từng năm tháng, tôi mong tới ngày mình đủ lớn để hiểu rõ mọi chuyện.
Hóa ra mọi thứ đơn giản chứ không phức tạp như ba tôi nói. Đơn giản là vì nó chỉ có một lý do duy nhất: ba bỏ mẹ con tôi là vì ba chê mẹ tôi quá già, quá xấu. Ba thấy xấu hổ khi đi cùng mẹ ra ngoài bởi đôi lần có người nói thấu tai ba rằng cứ tưởng ba đi với chị hai của ba chứ không phải vợ. Chỉ đơn giản vậy thôi mà ba bỏ mẹ tôi để chạy theo người phụ nữ khác. Khi tôi hiểu rõ điều này, lúc đầu tôi rất giận ba, cho rằng ba tham vàng bỏ ngãi, tham sang phụ khó. Ba tôi ngoại tình...
Lớn thêm một chút, tôi nghĩ đó cũng là điều có thể hiểu được vì đàn ông cấu trúc cơ thể không giống đàn bà; giống đực bao giờ cũng có nhu cầu mạnh mẽ hơn giống cái. Tôi nghĩ vậy với đôi chút xem thường người đã sinh ra mình vì khi ông hành động như vậy thì phần “con” đã lấn át phần “người”.
Nghĩ như vậy nên tôi càng thương mẹ nhiều hơn. Tôi đã thề với lòng sẽ bù đắp cho mẹ tất cả những gì ba tôi đã lấy đi của mẹ. Khi nghe tôi nói điều này, mẹ chỉ cười: “Cái số của mẹ nó vậy thì mẹ chịu thôi, tụi con đừng bận tâm. Thật ra thì bây giờ mẹ thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn khi còn chung sống với ba. Thấy ổng hạnh phúc, mẹ cũng mừng”.
Sau này tôi mới biết, khi người phụ nữ năm mươi tuổi thì họ
đã suy sụp rất nhiều. Cả sắc đẹp, sức khỏe, ham muốn tình dục
đều sa sút nghiêm trọng. (ảnh minh họa)
Mẹ tôi nghĩ rằng ba tôi sẽ hạnh phúc khi được sống với một người phụ nữ trẻ đẹp. Khi ba đi ra ngoài với người phụ nữ ấy thì ba sẽ thấy vinh hạnh, tự hào. Còn mẹ, số phận cho mẹ gặp ba quá muộn. Khi mẹ ba mươi tuổi thì sự chênh lệch không quá lớn; nhưng khi mẹ bốn mươi tuổi thì thời gian dường như chạy nhanh hơn đối với người phụ nữ. Tuy mẹ và ba bằng tuổi nhau nhưng trông mẹ già hơn ba rất nhiều. Và khi mẹ năm mươi thì trong mắt ba đó đã là một bà già lụm cụm.
Sau này tôi mới biết, khi người phụ nữ năm mươi tuổi thì họ đã suy sụp rất nhiều. Cả sắc đẹp, sức khỏe, ham muốn tình dục đều sa sút nghiêm trọng. Và thế là người đàn ông của họ không còn thủy chung với họ như thuở ban đầu...
Ba tôi đã dọn ra ở với người phụ nữ khác tính tới nay đã được 10 năm. Trong 10 năm đó, ông chưa một lần quay về nhà. Khi muốn gặp anh em tôi, ông gọi điện hẹn ra quán cà phê hoặc thỉnh thoảng ông tới trường chờ tôi ở cổng. Thời gian đầu, tôi thấy mặt ba tôi toát lên vẻ mãn nguyện. Tôi nghĩ có lẽ ông hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Khoảng 3 năm sau thì nhận xét của tôi đã thay đổi. Tôi thấy vẻ mỏi mệt hiện rõ trên khuôn mặt ba. Năm đó ông mới năm mươi ba tuổi. Có lần ông tâm sự: “Nếu được làm lại từ đầu, có lẽ ba sẽ có một sự lựa chọn khác”. Tôi hỏi ông lựa chọn thế nào thì ông lắc đầu im lặng.
Thêm 3 năm nữa thì tôi thấy ba tôi già xọm dù tôi biết rất nhiều năm mươi sáu tuổi vẫn còn rất phong độ. Ngược lại, mẹ tôi hình như lại trẻ ra. Mẹ siêng năng tập thể dục, mẹ đi chùa, ăn chay mỗi tháng mấy ngày. Tối tối mẹ lên mạng đọc tin tức, xem phim, nghe nhạc tiền chiến... Đôi khi tôi nhìn mẹ mê mải đến nỗi mẹ giật mình: “Có gì lạ mà con nhìn dữ vậy?”. Tôi khen mẹ đẹp và trẻ ra, mẹ cười rạng rỡ. Tôi nghĩ có lẽ mẹ đã tìm được sự an nhiên cho cuộc sống của mình.
Giờ thì tôi đã hiểu một người phụ nữ có thể xây nên mọi thứ những
cũng có những người phụ nữ có thể phá tan mọi thứ. (ảnh minh họa)
Cho đến một ngày cách đây gần một năm, ba lại hẹn tôi ra uống cà phê. Trong cái lạnh hanh hao của tiết trời cuối năm, tôi nghe ba húng hắng ho. Tôi hỏi thì ba bảo tại ba hút thuốc lá nhiều. Ba hỏi tôi: “Quân này, nếu như ba có chuyện gì, ba nhờ con một chuyện được không?”. Tôi chăm chú nhìn ông: “Chuyện gì là chuyện gì hả ba?”. Ba tôi lại ho, mãi lát sau mới nói được: “Giả sử như ba chết đi chẳng hạn...”. Chỉ nói đến đó rồi ba tôi im lặng. Trong đôi mắt mờ đục của ông, tôi nhận thấy rất nhiều u ẩn chất chứa.
Hóa ra nỗi lo lắng của ba tôi là thằng nhóc con của ba và người phụ nữ kia. Đến giờ ba tôi mới thú nhận là chị ta đã bỏ ba để chạy theo một người đàn ông khác. Chuyện này xảy ra lâu rồi nhưng ba không dám nói vì sợ tôi cười chê. “Ba gởi thằng Bảo trong chùa...”- giọng ba tôi sũng nước. Rồi ông gục đầu, đôi vai rung lên bần bật.
10 năm đâu phải là quá dài đối với cuộc đời một con người, thế nhưng nó cũng đủ để đưa một con người từ đỉnh cao xuống vực sâu. Ba tôi giờ mắc bệnh lao phổi. Người ta cho ba nghỉ việc trị bệnh. Ba sợ lây cho thằng Bảo nên mới gởi nó vô chùa. Còn người phụ nữ kia từ ngày ra đi, không một lần trở về.
Giờ thì tôi đã hiểu một người phụ nữ có thể xây nên mọi thứ những cũng có những người phụ nữ có thể phá tan mọi thứ. Tôi không thể ngồi im nhìn ba tôi tàn lụi, thế nhưng trong sâu thẳm lòng tôi vẫn có một tiếng nói rằng hoàn cảnh của ba hôm nay là do chính ba tạo ra thì có thể trách móc được ai?
“Ba không trách cô ấy mà chỉ trách mình. Cái gì cũng có giá của nó. Ba không muốn làm phiền các con, cũng không muốn cho mẹ biết hoàn cảnh hiện nay của mình. Chẳng có ích chi. Chuyện ba làm thì hậu quả ba phải gánh chịu thôi... Chỉ thương thằng Bảo...”. Mỗi lần nhắc tới thằng Bảo, ba tôi lại nghẹn ngào.
Tôi đã đi tìm gặp thằng Bảo. Nó là một thằng nhóc rất đáng yêu, mặt mũi sáng sủa, ngoan ngoãn. Khi gặp nó, tự dưng tình cảm ruột rà bỗng dậy lên trong tôi. Tôi rất muốn được gần gũi, chăm sóc, thương yêu nó... Nhưng tôi không thể đem nó về nhà vì tôi sợ khoét vào vết thương đã lành của mẹ. Biết đâu khi trông thấy nó, những nỗi niềm sâu kín trong lòng mẹ tôi lại trỗi dậy. Và mẹ tôi sẽ buồn khổ khi hình ảnh thằng Bảo sẽ nhắc nhớ chuyện xưa, sẽ không thể nào sống an nhiên như những ngày tháng cũ.
Thế nhưng tôi cũng không đành lòng để nó ở trong chùa. Tôi muốn nó có một mái ấm thật sự giữa những người ruột thịt. Tôi không biết phải mở miệng nói với mẹ tôi thế nào. Tôi mất ăn, mất ngủ bao nhiêu ngày rồi. Và bây giờ thì tôi thấy mọi sự rất phức tạp chứ không đơn giản như mình đã từng nghĩ...
Người Lao Động