Vợ ki bo khét tiếng
Mỗi lần ai đến nhà chơi là vợ lại nói bóng nói gió về chuyện quà cáp. Nếu như ai đó đến tay không là vợ khó chịu ra mặt, bực bội với tôi. Tôi giữ chức trưởng phòng kinh doanh ở một công ty lớn, thế nên, vợ mặc định rằng, những người tới nhà tôi chơi phải mang quà cáp nhất là những người dưới quyền, là nhân viên của tôi.
Có lần, tôi tổ chức liên hoan ăn uống ở nhà, mời anh chị em tới nhà. Thú thực, cái chức trưởng phòng cũng chẳng quá to tát, có thêm chút quyền hành thôi chứ không hẳn oai phong như vợ nghĩ. Nhưng mà vợ bảo, nếu có bạn bè tới nhà thì nhất định phải mang quà, ai không mang là thất lễ, là không tôn trọng cấp trên. Vợ còn xúi tôi, những người không mang quà phải ghi nhớ, sau này còn biết mà ‘điều trị’. Nghe những lời vợ nói, tôi rờn rợn trong người. Thật sự tôi không dám nghĩ, vợ mình lại là người đàn bà tham lam tiền bạc như vậy…
Đã tham tiền, vợ tôi còn mắc bệnh ki bo. Chỉ muốn lấy của của người khác nhưng lại không muốn cho ai một xu nào. Người ta đến nhà thăm con đầy tháng, biếu xén quà cáp, cho tiền con tôi nhưng khi người ta sinh, vợ tôi nhất định không tới, lấy hết lý do này đến lý do nọ để không đến. Nói thì vợ bảo, quan trọng gì vì mình chỉ sinh đứa con này nữa là thôi, cũng không mong ngóng có lần thứ ba nữa. Thất vọng vì vợ quá, tôi nói nhiều vợ không nghe, tôi chán luôn, không còn muốn bàn luận gì thêm nữa…
Đã tham tiền, vợ tôi còn mắc bệnh ki bo. Chỉ muốn lấy của của người khác
nhưng lại không muốn cho ai một xu nào. (ảnh minh họa)
Giỗ chạp, ở đây người ta có truyền thống chia đồ lộc cho các nhà hàng xóm. Nhà họ có giỗ, họ chia cho nhà tôi nhưng đến nhà tôi có giỗ thì nhất định không. Vợ không chịu chi một đồng nào hết, vợ bảo, ‘kệ nhà người ta, người ta thích thì làm vậy, mình không thích thì thôi…’. Thế là nhiều lần, họ cũng không còn muốn mang sang nhà tôi nữa, vì họ nghĩ nhà tôi ăn bo bo, không nghĩ đến xóm làng. Lâu dần, tình cảm hàng xóm láng giềng mất hết, chẳng còn ai muốn chơi với nhà tôi nữa. Tôi cảm thấy phiền lòng vì vợ nhưng mà cứ nhắc mãi không được thì cũng đành. Tôi đâu có thời gian mà quan tâm tới những chuyện lặt vặt thế này. Bạn bè tôi nhiều lần ‘dính chưởng’ của vợ nên chán ngán, ngay cả tôi, họ cũng chẳng muốn thân thiết nữa. Đồng nghiệp đến một lần, thấy thái độ của vợ tôi vì không quà cáp, nói bóng nói gió, họ sợ luôn, lần sau xin thôi, chịu không dám nhận lời mời…
Gia đình tôi không giàu có nhưng cũng gọi là có của cải. Sinh nhật con, muốn mua chút bánh kẹo cho hàng xóm đưa trẻ con sáng chung vui nhưng vợ nhất định không chịu. Con được một tuổi thì cho con vui tí, hàng xóm sang con càng mừng, thế mà vợ nhất định không làm. Vợ còn bảo, mua rồi lại mất vài trăm. Cái vài trăm cũng là tiền thật, cần trân trọng nhưng sinh nhật con lại tiếc vài trăm với trẻ nhỏ thì thật không thể hiểu nổi.
Vợ không coi trọng bố mẹ đẻ chính mình
Cái chuyện vợ ki bo đã khiến tôi chán lắm rồi, nhưng tưởng là vợ ki bo với nhà mình, với bạn bè mình, ai ngờ ki bo với cả bố mẹ đẻ của mình. Từ ngày lấy nhau, có thi thoảng tôi còn muốn chủ động mua quà về gửi biếu bố mẹ, nhưng mà vợ chưa từng đả động đến. Chẳng biết vợ có giấu giếm biếu bố mẹ cái gì mà không nói cho tôi biết không nhưng thiết nghĩ, vợ có thể công khai nói với tôi là muốn mua cái này cái kia cho bố mẹ. Như thế và minh bạch mà lại được lợi nếu như vợ muốn biếu thêm cho bố mẹ đẻ của mình.
Cái chuyện vợ ki bo đã khiến tôi chán lắm rồi, nhưng tưởng là vợ ki bo
với nhà mình, với bạn bè mình, ai ngờ ki bo với cả bố mẹ đẻ
của mình. (ảnh minh họa)
Tôi ngạc nhiên nên nhiều lần chủ động đề xuất chuyện này. Tôi bảo vợ mua đồ xịn thì vợ bảo ‘mua đồ vừa tiền thôi không tốn kém. Bố mẹ ở quê cũng chẳng cần thiết phải xịn’. Ừ thì đúng, các cụ không cần dùng đồ xịn nhưng đồ ăn thì nên mua đồ ngon, đồ xịn chứ, vậy mà vợ còn tính toán vài chục bạc vì món đắt, món rẻ.
Tôi vào cửa hàng mua áo biếu bố mẹ, chọn những bộ đẹp, chất liệu tốt, vợ kéo tôi ra ngoài hàng vỉa hè, bảo mua biếu bố mẹ ít đồ dùng ngoài này thôi, dùng vài bữa bố mẹ lại bỏ đi phí. Mua đồ xịn bố mẹ cũng không biết là đồ xịn. Nói thì nói vậy, tôi đâu quan trọng chuyện đó, đâu cần bố mẹ biết tôi mua đồ xịn đâu. Chỉ cần là các cụ dùng an toàn, thấy thích là được rồi.
Thấy thất vọng về vợ, tôi lại thương chính bố mẹ vợ của mình. Nhiều lần tôi chủ động mua quà biếu bố mẹ vợ. Nhưng khi vợ phát hiện, em cau có mặt mày, bực bội với tôi, mắng tôi là không biết tiết kiệm. Tôi thật sự không biết nên làm thế nào để cải tạo vợ mình nữa.
Chuyện vợ ki bo với nhà tôi thì tôi đã thấm rồi, nhưng mà tôi bỏ qua, không chấp. Đến bây giờ thì quả thật không thể khoanh tay đứng nhìn.
Tôi đi làm, tiền tôi kiếm ra nhiều nhưng từ ngày phát hiện ra tính xấu của vợ
tôi đã lập quỹ đen. (ảnh minh họa)
Ngày trước, mỗi lần tôi nói biếu bố mẹ tôi cái gì là vợ không cho phép. Vợ bảo, cứ phải là ngày gì mới được biếu, tức là nhân dịp lễ tết hay gì đó thì mới biếu xén, chứ biếu liên tục thành thói quen xấu, sau này không có tiền biếu thì các cụ lại phàn nàn. Cái này xem như cũng có lý nhưng mà như thế có vẻ cũng tính toán. Lúc bố mẹ cần thì mình biếu, còn khi nào có dịp biếu ít đi cũng được có sao. Vợ nói vậy khác gì là trách nhiệm của vợ chứ không phải là tấm lòng của người con.
Tôi đi làm, tiền tôi kiếm ra nhiều nhưng từ ngày phát hiện ra tính xấu của vợ, tôi đã lập quỹ đen. Nhất định tôi không cho vợ giữ tiền nữa, kẻo vợ sẽ lộng hành. Tôi chẳng ki bo với vợ nhưng phải có kế hoạch cho tương lai, chứ sau này nói dại, vợ chồng có xảy ra chuyện gì thì đúng là, vợ tôi cuỗm hết tiền đi luôn, lúc ấy tôi chỉ có công cốc mà thôi. Tiết kiệm là đức tính tốt nhưng mà tiết kiệm kiểu ki bo như vợ thì đúng là đáng buồn…
Theo Khám Phá