Đó là cảnh báo của anh Lê Nam Trung (33 tuổi, công tác trong lĩnh vực xây dựng) gửi tới vợ mình nói riêng và chị em phụ nữ nói chung.
Qua trải nghiệm của bản thân và từ góc nhìn của một người đàn ông đã có gia đình, anh cho rằng vấn đề của rất nhiều người vợ là không biết quan tâm đúng lúc, đúng chỗ, đúng cái cần quan tâm đến chồng. Trái lại, chị em cứ ngỡ hỏi chồng ăn gì, ở đâu, bao giờ về... và cứ nghĩ là đang dành sự quan tâm đến người chung sống với mình. Nhưng thực ra điều đó lại khiến các ông chồng vô cùng khó chịu. Họ mong nhận được sự quan tâm theo một cách khác...
Một người đàn ông liên tục công tác xa nhà như anh có phải trả giá gì về cuộc sống gia đình không?
Sống thì suy cho cùng mọi thứ mình xoay vần cũng phải phù hợp với cá tính, tính cách của mình. Nói là sẽ phải thích nghi với hoàn cảnh, nhưng người ta sẽ xoay vần mọi thứ theo hướng hoàn cảnh phù hợp với mình. Giống như đi câu cá, người ta chọn chỗ câu được cá chứ không thể thích nghi mãi với chỗ không thể câu được cá.
Vì vậy, tôi nghĩ, chuyện trả giá về cuộc sống gia đình vì công việc thì tôi không nghĩ là có chuyện đó. Cuộc sống gia đình, cái gì phù hợp thì giữ lại, không phù hợp thì thôi. Có điều, cũng có những chuyện khó chịu, không chỉ tôi mà nhiều anh em khác ca thán về vợ. Mà việc này không liên quan đến việc đàn ông làm trong môi trường đi công tác xa nhiều. Đó là việc quan tâm của vợ đối với mình.
Anh cho rằng việc quan tâm của vợ đối với các ông chồng làm đa số đàn ông khó chịu? Nhưng rất nhiều người trông đợi việc đó, vì đó là cuộc sống hôn nhân....
Cô nghe tôi nói kỹ đã! Việc quan tâm của các bà vợ nếu là sự quan tâm để chia sẻ nhiều điều thì không sao. Nhưng khó chịu nhất là sự quan tâm không có chiều sâu, máy móc.
Đàn ông ít khi nói chuyện với vợ về những vấn đề trong cuộc sống mình gặp phải (Ảnh minh họa).
Tôi nói một câu chuyện phổ biến như thế này: Tất cả các ông chồng dù đi làm xa hay đi làm gần, tóm lại là không có mặt bên cạnh vợ là đều phải chịu cảnh nhắn tin, gọi điện với cả tỷ lần mấy vấn đề: Ăn cơm chưa? Làm gì? Ở đâu? Mấy giờ về?...
Trên đời này, phàm là đàn ông lấy vợ sẽ phải chịu những câu hỏi “ngớ ngẩn” như vậy mỗi ngày. Những thứ đó là sinh hoạt hàng ngày, là thứ mà tất cả mọi người giải quyết được thì các bà nhất định hỏi như một cái máy. Nhiều thứ khác các bà lại không hỏi được và không biết được. Đó là lí do tại sao đàn ông ít khi nói chuyện với vợ về những vấn đề trong cuộc sống mình gặp phải.
Có ý nào ngụy biện trong cách anh nhìn nhận không?
Bản thân tôi, nhiều khi tôi rất cáu với vợ vì những câu hỏi và sự quan tâm kiểu đó. Tôi biết nói thế nào bây giờ? Những lúc tôi làm việc, rất vội, rất gấp và đòi hỏi công việc tập trung cao thì vợ gọi hỏi độc một câu: Đang làm gì đấy? Tôi có cảm giác như tôi là tội phạm trong cuộc hôn nhân của mình. Tất nhiên, nhiều lần thì tôi sẽ phải yêu cầu vợ cách ứng xử khác đi.
Nhưng vợ anh có thay đổi?
Tôi chưa thấy vợ thay đổi mà đang hậm hực đấu tranh để tôi phải chấp nhận cách suy nghĩ và hành xử của vợ. Nhưng tôi chắc chắn không làm theo điều đó. Bởi chỉ khi ta có một mảnh ruộng và một cái nhà ở quê, chúng ta mới kiểm soát được nhau: Lúc nào làm, lúc nào ăn, lúc nào nghỉ, làm cái gì?...
Tôi có nói về công việc đang làm cũng không có thời gian và điều kiện để nói và cô ấy cũng không hiểu. Cô ấy hậm hực thì khổ cho cô ấy. Tôi làm việc, tôi gặp gỡ, quan hệ là việc tất yếu. Phụ nữ đừng có lúc nào cũng phát hỏa về suy nghĩ: Không để mắt tới chồng thì sẽ mất chồng. Để mắt quá tới chồng là hình thức đánh mất chồng nhanh nhất. Có câu: Không muốn nghe lời nói dối thì đừng có hỏi quá nhiều, quá sâu về một việc. Bởi nếu người ta làm sai cái gì, phản xạ tự vệ của người ta là nói dối. Chính vì thế, hãy để người ta im lặng.
"Khi chúng tôi có nhiều áp lực, mà ngày nào cũng phải nghe vợ lải nhải những thứ không cần thiết
chúng tôi sẽ cáu, sẽ có thái độ không thiện chí với vợ" (Ảnh minh họa).
Cả đàn ông, đàn bà nếu đã cố tình và có tính lăng nhăng thì có kiểm soát đủ kiểu họ vẫn lăng nhăng. Càng hỏi, càng tìm hiểu, người tìm hiểu sẽ là người đau lòng nhất. Vì bản chất vấn đề có lẽ không nghiêm trọng, nhưng khi bạn mất công tìm hiểu, bạn hay kỳ vọng vẽ vấn đề theo suy đoán của bạn. Và tất nhiên, bạn sẽ không tin những lời thanh minh giải thích. Bạn vật vã bản thân mình và sẽ rơi và tình trạng kết tội.
Khi bạn kết tội, người ta nhận tội bạn cũng đau khổ; đối phương giải thích bạn cũng đau khổ. “Phần thưởng” cho những tìm tòi, điều tra cặn kẽ vấn đề của bạn là thế. Ai cũng có những góc riêng, đừng bới mọi thứ lên.
Câu chuyện của chúng ta là: Ăn cơm chưa? Làm gì? Ở đâu? Khi nào về?...
Đúng thế! Thế phụ nữ cần gì phải hỏi những câu hỏi đó? Là việc kiểm soát chồng. Nhưng con người ta giữ nhau về mặt tâm hồn, tình cảm và sự thấu hiểu nhau chứ không phải việc mà các bà vợ hỏi chồng những thứ vô nghĩa kia.
Tôi sẽ không thay đổi bản thân vì những thứ không hợp lý của vợ. Cái này, nếu có thể, tôi mong chị em phụ nữ, trong đó có vợ tôi hiểu rằng: Công việc của cánh đàn ông đã rất vất vả rồi. Có nhiều chuyện để nói giữa hai vợ chồng và chúng tôi cần chia sẻ nhiều chứ không phải chuyện: Ăn cơm chưa? Làm gì? Ở đâu? Khi nào về?
Khi chúng tôi có nhiều áp lực, mà ngày nào cũng phải nghe vợ lải nhải những thứ không cần thiết, chúng tôi sẽ cáu, sẽ có thái độ không thiện chí với vợ. Và như thế thành bi kịch gia đình. Mong chị em hiểu.
Thay mặt chị em, tôi chia sẻ với anh! Tôi mong anh có nhiều niềm vui để làm việc tốt!
Theo Mask Online