1. Bố mẹ mất bình tĩnh và quá tức giận
Việc bố mẹ mất bình tĩnh và tức giận khi con phạm lỗi sẽ gây ấn tượng cực xấu cho trẻ. Bởi khi đó bố mẹ sẽ phạm những lỗi cơ bản trong dạy con. Trẻ sẽ không học được cách kiểm soát tức giận và dễ bị cảm xúc tiêu cực bùng nổ.
Ngoài ra để xả nỗi bực dọc của mình, nhiều cha mẹ đã thốt lên những câu làm tổn thương con như: “con thật là đồ vô tích sự’ hay ‘con đúng là đứa trẻ hư’… Trẻ không cảm nhận được tình thương yêu của cha mẹ, chúng hoặc co mình lại hoặc nổi loạn, càng ngày càng khó bảo hơn.
Mọi hình phạt mà bạn áp dụng lúc tức giận sẽ là sai lầm trong việc dạy con. Bởi trẻ không cảm giác hối hận vì lỗi lầm của mình mà chỉ cảm giác oán trách.
Bạn nên bình tĩnh, cố gắng hít thở sâu để kiềm chế tức giận và phân tích tình huống cẩn thận trước khi đưa ra bất cứ một lời nói hay hành động nào với trẻ.
2. Mẹ nói "có", bố bảo "không"
Việc không thống nhất trong phương pháp và thái độ dạy con sẽ khiến cho trẻ hoang mang. Lúc phạt con đòi hỏi bố mẹ phải thống nhất quan điểm. Sai lầm mà nhiều người mắc phải khi phạt trẻ là cảnh bố mẹ đang ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’.
Trẻ rất nhạy cảm trong việc nắm điểm yếu thương con của bố mẹ. Vì vậy khi có người bênh vực mình lúc mình phạm lỗi sẽ khiến cho trẻ không còn sợ hình phạt mà bố hay mẹ đưa ra. Bởi trẻ nhận thức được rằng lúc nào cũng sẽ có "cứu trợ từ người còn lại".
Chính vì vậy, việc giữ những khung hình phạt hợp lý có sự ‘ăn khớp’ giữa cha – mẹ sẽ giúp trẻ ‘tâm phục khẩu phục’, không mắc lại lỗi cũ và ngoan hơn.
3. Xúc phạm trẻ trước đám đông
Khi trẻ phạm lỗi về hành vi, bạn hãy nhẹ nhàng và phân tích cho bé hiểu. Bố mẹ không có quyền được bêu riếu hay xúc phạm trẻ, nhất là khi có mặt những người khác. Bởi trẻ rất nhạy cảm và có lòng tự trọng cao. Việc chì chiết, đay nghiến trẻ khiến trẻ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Thậm chí nhiều bé mang tâm lý tự ti, trầm cảm dẫn đến học hành sa sút vì những câu nói tưởng chừng nhất thời của cha mẹ.
Vì vậy, trước bất kỳ việc ‘tày trời’ nào mà con gây ra, hãy biết tôn trọng con. Đừng vì phút nóng nảy nhất thời mà sẵn sàng mắng nhiếc con trước đám đông, đặc biệt, là mắng con trước mặt bạn bè chúng.
4. Không báo trước hình phạt
Hình phạt nên báo trước và phổ biến cho trẻ nhớ. Việc áp dụng các biện pháp phạt cũng nên linh hoạt tùy hoàn cảnh. Khi đưa ra hình phạt cho trẻ, bố mẹ cần giải thích cụ thể, rõ ràng nguyên nhân con bị phạt và nếu con tiếp tục lặp lỗi thì sẽ có hậu quả gì. Có như vậy mới khiến trẻ ngoan ngoãn tuân theo hình phạt của cha mẹ.
Nếu phạt trẻ không báo trước sẽ khiến trẻ cảm giác như mình đang bị "xử ép". Trẻ sẽ có thái độ hậm hực và không phục khi bị phạt. Và rất có thể lần sau trẻ lại tiếp tục mắc lỗi.
Phununews.vn