Khóc lóc, gào thét, đập phá, đòi giải thích, đòi trừng phạt…, đó là điều mà những người vợ hay làm (và được cho là có quyền làm) khi chồng phản bội. Ấy thế mà nhiều người vợ chẳng những không nhận được một lời xin lỗi hay ánh mắt cảm thông, mà còn phải thay chồng trả giá.
Khổ nhục khi là vợ “yêu râu xanh”
Khi chồng vội vội vàng vàng nhét quần áo vào cái túi với vẻ mặt hớt hải, Hồng tin rằng anh được bạn đang ở thành phố gọi đi làm gấp như lời anh nói. Chị còn dúi cho chồng vài trăm nghìn đồng còn lại trong túi để tiêu trong những ngày đầu bán sức chốn thị thành.
Tối đó, khi bố mẹ chồng gọi ra hỏi “chồng mày đâu” trước ánh mắt chờ đợi và phẫn nộ của mấy vị khách cùng xóm, Hồng chột dạ nghĩ hay anh chơi lô đề thiếu nợ nên bỏ trốn, và chị cứ tình thật thuật lại. Nhưng không ngờ sự việc kinh khủng ngoài sức tưởng tượng của chị. Mấy vị khách buộc tội chồng Hồng đã hãm hiếp cháu gái họ - cô Lam.
Theo nạn nhân kể lại, chồng chị đã rình lúc cô gái 19 tuổi này đi làm cỏ mía để xông tới bịt miệng, nhét giẻ, chiếm đoạt cô ngay trong ruộng mía, rồi bỏ chạy nhân lúc nạn nhân còn chưa kịp ngồi dậy. Chuyện đã rồi không dám kêu lên sợ người ta chỉ trỏ, cô chỉ biết chờ lúc không có ai, lén lút về nhà khóc với mẹ. Vì thế nên tối đó mấy “đại biểu” của gia đình cô mới đến nhà Hồng. Vì sợ tai tiếng, nhà họ sẽ không báo công an, nhưng yêu cầu phải được xin lỗi và bồi thường đích đáng. Nếu không, họ sẽ đưa sự việc ra pháp luật, vì họ nắm nhiều bằng chứng trong tay.
Khi khách đã về, Hồng đau đớn sụp xuống trước mặt cha mẹ chồng: “Con khổ quá bố mẹ ơi, anh ấy trốn mất rồi, làm sao bây giờ?”. Ông bố nghiêm mặt: “Chúng tôi già rồi, con cái đã lớn thì làm gì phải tự chịu trách nhiệm, chúng tôi không giúp được”. Bà mẹ bảo: “Của chồng công vợ, tội chồng thì vợ cũng phải gánh. Chị là vợ mà không biết bảo ban nó, giờ làm thế nào cho yên chuyện thì làm. Nó mà đi tù thì chị cũng chả ra cái gì đâu”. Rồi ông bà về phòng đi ngủ.
Sợ hãi, Hồng thay quần áo rồi sang nhà Lam. Cô gái không ra mặt, nhưng bố mẹ cô và vài ông chú, bà bác trong họ như đã ngồi đợi sẵn, nhìn Hồng với ánh mắt giận dữ và thù hận. Chị sợ hãi quỳ xuống, cúi gằm mặt mà xin tạ tội và đền bù thay cho chồng. Gia đình họ chửi mắng một hồi lâu, rồi bắt chị viết giấy nợ 60 triệu đồng, hạn trong ba tháng phải trả. Hồng ký mà cháy cả ruột gan, không biết lấy đâu ra số tiền đó. Và đúng như chị nghĩ, bố mẹ chồng quay mặt, bảo nếu cần thì họ sẽ viết giấy từ con, chứ không có khả năng trả nợ thay. Miếng đất họ đang sống, ông cụ quyết giữ để truyền cho cháu đích tôn chứ không bán cho thằng bố hư hỏng được. Bà cụ lôi trong người ra một chỉ vàng đưa cho con dâu: “Tôi chỉ có chừng ấy thôi, chị cố mà lo cho đủ, đừng để con chị phải tủi nhục vì có bố đi tù”.
Thế là Hồng bán hết của hồi môn, vay hết tiền dưỡng già của bố mẹ đẻ, ngoài ra còn vay nặng lãi mới đủ trả. Chị tự an ủi, dẫu sao chồng mình cũng được bình an và sự nhục nhã này chỉ hai gia đình biết với nhau.
Nỗi khổ của chị Thúy thì không kín đáo như vậy. Khi chồng bị đuổi đánh vì dám “bờm xơm” vợ người ta nhưng đã nhanh chân nổ xe máy chạy thoát, Thúy thậm chí còn bị gã hàng xóm đang nổi giận kia tát vào mặt vì cái tội dung túng cho chồng: “Mày vô phúc, không đẻ được con trai nên xúi chồng sang làm bậy ở nhà tao phải không?”. Anh ta vào nhà Thúy, đập vỡ từ bát đĩa đến ti vi, chém nát cả bàn ghế, trước ánh mắt tò mò và những lời xì xào giễu cợt của hàng xóm. Tệ hơn, suốt một năm sau đó, chị còn chịu đựng sự xỉa xói của bố mẹ đẻ vì không chịu bỏ “thằng chồng khốn nạn, làm nhục gia phong”.
Bị nhà chồng đánh vì để chồng… ngoại tình
Khi kết quả xét nghiệm cuối cùng đã khẳng định anh Hưng bị nhiễm HIV, chị Huệ vợ anh quỵ xuống ngất xỉu. Nhưng người phụ nữ 34 tuổi này nhanh chóng tỉnh lại “nhờ” những cái tát của mẹ chồng. Bà rú lên căm phẫn: “Mày còn giả bộ ngất xỉu nữa hả? Nó có phải máu mủ của mày đâu mà mày xót. Mày, chính mày giết con bà. Mày chết đi!”, vừa nói, bà già tuổi gần 70 vừa đánh xé con dâu. Lòng đau đến mức tê dại, Huệ không cảm thấy cơn đau thể xác. Chị để mặc cho mẹ chồng hành hung và kết tội chị đã không biết chăm lo, quản lý chồng, đẩy chồng đến con đường chết.
Vậy mà trước đó 3 năm, khi Huệ khóc mếu nói với mẹ chồng rằng anh toàn chơi gái trong thời gian làm phụ hồ trên phố, bà còn gạt phắt đi: “Vớ vẩn, mày đừng có nghe chúng nó nói bậy mà ngờ oan cho chồng”. Đến khi chuyện hai năm rõ mười, bà lại bảo: “Thì chị bỏ con bỏ cái, theo nó lên Hà Nội làm osin hay đồng nát gì đó luôn đi, để mà canh chồng. Nó đi kiếm tiền cực nhọc, xa vợ xa con, cũng phải giải trí một chút mới có sức mà làm chứ. Với đàn ông thì chuyện đấy cũng như đói ăn, khát uống để giữ sức khỏe thôi”. Thế là Huệ cứng họng. Chồng chị biết vậy càng chẳng kiêng dè gì nữa, nhiều khi đi mấy tháng trời về chẳng đưa cho vợ được đồng nào, vì có bao nhiêu đã nướng vào gái gú cả rồi. Thiếu thốn, Huệ kêu với mẹ chồng thì bà nổi đóa, bảo mày định coi con tao là con bò sữa cho mày vắt đấy hả, vắt không được nữa thì kêu hả.
Thế mà nay, bà lại trách Huệ là ngu đần, bất lực, vợ gì mà không thiết gì đến chồng, không biết gìn giữ cho chồng, không chịu bảo ban nó, để nó lao vào bọn gái bậy bạ đến nỗi mất mạng: “Nó chán mày, ghét mày nên mày thù nó, mặc kệ cho nó chết phải không? Mày độc ác vừa chứ, dù sao nó cũng là bố của con mày mà”. Không ai trách những lời nói quá đáng của bà cụ, ai cũng thông cảm cho người mẹ già đang sắp mất đứa con trai. Nhưng chẳng ai trong gia đình chồng nghĩ rằng nỗi đau của người vợ sắp mất chồng như Huệ cũng cần được thông cảm, đó là chưa kể có thể loại virus chết người kia cũng đã hiện diện trong cơ thể chị rồi.
Ngay cả ở thành phố, rất nhiều người vợ vẫn được coi là có tội khi chồng họ ngoại tình.
Chị Phương là thạc sĩ, giám đốc một công ty ăn nên làm ra, ngoài xã hội không ai bắt nạt được chị. Ấy thế mà chị cũng đành im khi mẹ chồng “phán” vụ chồng chị có bồ: “Tại chị không biết giữ chồng. Chị cứ mải làm ăn, không biết yêu chiều nịnh nọt nó, không lo làm đẹp, để nó buồn nó chán. Đàn ông bao giờ chả thế. Nghĩ cũng tội cho thằng bé, hơn bốn chục tuổi đầu mà nhiều hôm bữa tối cũng phải mẹ nấu cho ăn, áo cũng có khi phải tự là”.
Phương không cãi, bởi cái luận điểm “chồng có bồ, tại vợ” đó đâu phải mỗi mẹ chồng chị nói, mà vốn cũng được “giảng” đầy trên các báo. Chị cũng biết là giữ được chồng khó lắm, phải luôn ân cần, dịu dàng, kể cả những lúc anh nhậu nhẹt triền miên và về nhà lúc 2 giờ sáng; phải có cơm ngon canh ngọt sẵn sàng mỗi lúc chồng đi chơi về cho dù chị là bà chủ và việc công ty đang nước sôi lửa bỏng; phải giữ cho mình luôn xinh đẹp rạng rỡ và dù mệt bã người thì khi lên giường vẫn phải là người tình nồng cháy. Phương không đủ sức làm được như thế, nên chồng chị có quyền tìm nguồn an ủi bên ngoài. Dĩ nhiên là chị cũng đủ lý lẽ để biện minh, nào là thời nam nữ bình đẳng, vợ cũng đi làm, cũng cống hiến thì chuyện cơm ngon canh ngọt nếu chồng không chia sẻ được cũng nên thông cảm; nào là chị bận tối mắt với việc nước lẫn việc nhà, thời gian đâu mà sửa sang nhan sắc hay sức đâu mà nóng nỏng trên giường, nào là chị không được chồng giúp đỡ, nếu cũng buồn chán mà ngoại tình thì sao?… Thế nhưng chị biết, cái lý sự đàn bà đó cũng chỉ có đàn bà (trừ mẹ chồng) tán thưởng mà thôi, còn chồng chị thì đằng nào cũng đã phụ chị rồi.
Thế nên những người vợ như Phương dù có ôm hận mà tự hỏi “tại sao chỉ có đàn bà phải giữ chồng, sao đàn ông không cần lo giữ vợ” rồi cuối cùng cũng chỉ ước “giá đây đổi phận làm trai được” mà thôi, trừ khi họ dám tin rằng mình sẽ vẫn sống tốt mà không có người đàn ông đó.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
Tuổi Trẻ Thủ Đô