Hai vợ chồng tôi từng có một cuộc sống sung túc và viên mãn. Tôi làm kế toán trưởng cho một tập đoàn nước ngoài còn vợ tôi làm giáo viên một trường tiểu học. Khoản tiền tôi kiếm được gấp gần 10 lần so với đồng lương nhà nước của vợ tôi. Cứ đến tháng lĩnh lương, tôi chỉ giữ lại một khoản nhỏ chi tiêu còn đưa cho vợ giữ.
Vợ tôi là một người chi tiêu khá thoáng. Cô ấy không để dành tiết kiệm nhiều mà mạnh tay phục vụ cho cuộc sống gia đình. Các bữa ăn hàng ngày của gia đình tôi đều có những món ngon và đắt tiền không kém gì nhà hàng. Đồ đạc gia dụng trong gia đình cũng đều mua hàng nhập ngoại. Quần áo của hai vợ chồng cũng chủ yếu là hàng hiệu. Hai cô con gái cả chúng tôi đều được học trường quốc tế. Giống như người ta nhận xét, gia đình tôi thuộc dạng có “đời sống cao”.
Cuộc sống cứ êm đềm trôi cho tới khi kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy thoái. Tập đoàn tôi làm việc kinh doanh không hiệu quả. Tổng giám đốc quyết định rút gần như toàn bộ tập đoàn về nước, chỉ để lại một bộ phận nhỏ hoạt động. Hiển nhiên tập đoàn cắt giảm gần hết nhân lực và trong số đó có tôi. Quyết định của tập đoàn quá đột ngột khiến tôi trở tay không kịp. Tôi chưa tìm được việc mới để thuyên chuyển. Chỉ trong một sớm một chiều, tôi đã trở thành người thất nghiệp.
Tôi thất thểu trở về nhà báo tin cho vợ. Cô ấy vội giục giã: “Mai anh phải đi tìm việc mới ngay đi”. “Vội gì. Làm cả năm, cả đời rồi, có thời gian nghỉ ngơi một chút cũng có sao. Anh cứ túc tắc tìm”, tôi nói. “Anh hay nhỉ. Nếu không đi làm thì làm gì có tiền tiêu. Em không chịu được kham khổ đâu”, cô ấy phồng mang trợn má nói.
Tuy nói với vợ như vậy nhưng tôi cũng gấp rút đi tìm chỗ mới. Tôi nhờ người quen, tận dụng các mối quan hệ cũ để xin việc. Gần một tháng trôi qua mà không thấy ai thông tin gì lại. Khi tôi gọi hỏi thì đều nhận được những câu trả lời tương tự như nhau. "Bây giờ các công ty đều cắt giảm người, chẳng có ai muốn nhận thêm đâu. Như ông làm lương cao quen rồi, giờ chẳng công ty nào có sức trả như thế. Tiến sĩ người ta còn thất nghiệp đầy ra đây, chắc phải chờ thời thôi ông ơi”. Thời gian qua tôi ở nhà, khoản tiền tích cóp từ lâu của hai vợ chồng được lấy ra sử dụng, ngày một vơi dần. Thấy tình hình công việc khó khăn, tôi đã nhắc vợ chi tiêu tiết kiệm nhưng cô ấy kiên quyết nói: “Anh phải tìm cho ra việc mới. Em chi tiêu có cữ rồi, không thay đổi được”. Cô ấy vẫn mua những đồ ăn đắt tiền, vẫn sắm những món đồ hàng hiệu.
Tôi lại muối mặt nhờ mọi người. “Giờ anh không cần lương cao gì. Chỉ cần có việc là tốt rồi”, tôi nói. Tôi cũng trực tiếp gửi hồ sơ đến các công ty qua mạng hoặc đến tận trụ sở để xin việc. Ngày lại ngày trôi qua, chẳng một ai có lời phúc đáp. Tôi sốt ruột một, vợ tôi sốt ruột mười. Những lời nói ngọt ngào lúc trước của cô ấy dần bay biến mất, thay vào đó là những lời thúc giục và tiếp đó là ca thán, chì chiết: “Anh xem có ai đần như anh không. Rúc đầu vào một cái công ty hết thời, giờ nó cho ra đường. Giờ thì lại vô dụng quá, không tìm nổi một công việc. Nếu cứ tình trạng này thì cả lũ ra đường mà ở”. Thậm chí, cô ấy còn đem tôi ra so sánh với những người đàn ông khác. “Anh xem chồng con Yến đấy, cũng làm kế toán như anh mà anh ấy biết chọn công ty tốt mà làm giờ vẫn ăn sung mặc sướng. Như anh bây giờ chẳng bằng thằng xe ôm ngoài kia. Đàn ông đàn ang gì lại ở nhà ăn bám vợ”. Không chịu được sự sỉ nhục của vợ, tôi tát cho cô ấy một cú thật mạnh.
Nghĩ cũng thật chua xót quá. Lúc trước tôi kiếm tiền gần như lo cuộc sống cho cả gia đình, phục vụ cho những sở thích xa xỉ của vợ. Thế mà giờ đây bao nhiêu công lao của tôi đều bị cô ấy phủi sạch hết. Tôi trở thành một kẻ không ra gì giữa thời buổi khó khăn này.
Trong lúc tôi đang miên man suy nghĩ, vợ tôi mở tủ lấy một tờ giấy và lạnh lùng nói: "Anh đã không kiếm ra tiền còn bày đặt đánh tôi nữa. Tôi chịu hết nổi rồi. Tôi làm đơn rồi đây, anh ký đi”. Nhìn tờ đơn ly hôn vợ tôi đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tôi xé tan tờ đơn và lao ra đường.
Thegioitieudung.com.vn