PV: Nhìn lại năm 2013, Thứ trưởng có những đánh giá gì về thị trường bất động sản?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Năm vừa qua, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp, hướng tới nhu cầu của số đông người dân trong xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Hiện cả nước hiện có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 34.837 căn, tổng mức đầu tư khoảng 20.567 tỷ đồng; có 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng căn hộ ban đầu là 31.999 căn hộ, điều chỉnh thành 40.500 căn hộ (tăng 8.501 căn).
Giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, hầu hết các dự án đã giảm từ 10%-30%, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006, do đó có lợi cho người mua.
Lượng giao dịch thành công trên thị trường tăng dần trong những tháng cuối năm (lượng giao dịch quý III, IV gấp hơn so với quý I, II), nhất là đối với phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, đã hoàn thiện, có giá bán hợp lý.
Hàng loạt dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi thành nhà ở xã hội đã kéo theo cuộc cạnh tranh mới về giá nhà ở theo hướng có lợi cho người dân. Giá nhà ở giảm đáng kể so với thời kỳ sốt nóng cách đây hơn 3 năm, hầu hết các dự án giảm giá 20% - 30%, một số dự án giảm đến 50%. Thị trường bất động sản cũng đã có giao dịch trở lại, đặc biệt ở phân khúc căn hộ bình dân. Nhờ đó, tồn kho bất động sản có xu hướng giảm dần.
Tính trên phạm vi toàn quốc, đến ngày 15/12/2013 tổng giá trị tồn kho khoảng 94.458 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý I/2013, tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ. Các căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho.
Nhìn chung, tình hình thị trường bất động sản vào những tháng cuối năm 2013 đã ấm dần lên, thể hiện qua lượng giao dịch tăng nhiều so với những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung, thuế trước bạ cũng tăng, nhiều dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán, niềm tin của khách hàng vào thị trường đang dần được hồi phục.
Có được kết quả này nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, kết hợp với kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu.
PV: Sau nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản đã triển khai, xin Thứ trưởng cho biết, hiệu quả thực tế của các giải pháp đó hiện như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đề cập các cơ chế, chính sách, giải pháp, như rà soát lại các dự án thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Nhược điểm lớn hiện nay của thị trường là sự mất cân đối cung - cầu. Trong một thời gian dài do sự phát triển quá nóng của thị trường BĐS khiến dư thừa những căn hộ có giá cao, có diện tích rộng trong khi những căn hộ có diện tích vừa phải, nhỏ, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân có số lượng rất ít.
Gói 30.000 tỷ đồng bước đầu phần nào đang có tác dụng gỡ khó cho thị trường BĐS
Do đó, tái cấu trúc lại cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS hiện nay là giải pháp cơ bản mà Bộ Xây dựng đã và đang chỉ đạo các địa phương và chủ đầu tư dự án thực hiện. Trong đó thực hiện phương án một số dự án nhà ở thương mại có quy mô căn hộ lớn không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân thì vừa điều chỉnh sang vừa và nhỏ, vừa điều chỉnh sang nhà xã hội.
Để tạo cú hích cho thị trường đang rất trầm lắng, nhất là tạo cầu thực, tăng khả năng thanh toán cho người dân có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu 30.000 tỷ để kết hợp giải quyết khó khăn của người dân về nhà ở phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ là một chương trình dài hạn, hướng tới số đông người dân có thu nhập trung bình, thấp và có nhu cầu thực về nhà ở. Nếu nhìn vào nhu cầu về nhà ở xã hội, so sánh với gói 30.000 tỷ thì không nhiều. Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ. Cụ thể, trong điều kiện hiện tại, khoảng 30% sẽ được cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực.
Mặt khác, dùng phần lớn nguồn lực gói 30.000 tỷ đồng để cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp 5% hoặc thấp hơn nếu có điều chỉnh. Có thể thấy, vốn cho vay doanh nghiệp và người dân sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp, hay đang tiềm ẩn của người dân, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, góp phần giải quyết tồn kho BĐS, vật liệu xây dựng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tạo sự tăng trưởng kinh tế.
Chúng ta không thể hy vọng gói 30.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân mà là để tạo cú hích ban đầu, còn lâu dài, phải kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân…
Đối với việc triển khai gói 30 nghìn tỷ, tính đến ngày 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay 13 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng, đã giải ngân cho 7 đoanh nghiệp 304 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng cam kết cho vay 1.764 khách hàng cá nhân với số tiền là 632 tỷ đồng (trong đó, đã giải ngân cho 1.750 khách hàng với dư nợ 428,5 tỷ đồng).
Có thể thấy tỷ lệ giải giân vẫn còn chưa cao, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân. Nguyên nhân là do chính sách mới cần có thời gian để triển khai, đi vào cuộc sống; nguồn cung nhà ở xã hội chưa nhiều, các dự án còn trong quá trình chuẩn bị và hoàn thiện thủ tục. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai nhanh dự án cũng như chỉ đạo chính quyền cấp phường xã xác nhận cho người dân; Các ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay gói 30.000tỷ còn quá thận trọng và đưa ra nhiều thủ tục.
PV: Vậy Bộ Xây dựng có giải pháp gì để kích thích đẩy nhanh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện, công chứng hợp đồng; đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm;
Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt các dự án NƠXH, cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án NƠTM theo đề xuất của chủ đầu tư để góp phần tăng nguồn cung về NƠXH, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để huy động nguồn vốn vay nước ngoài, vốn ưu đãi của các tổ chức quốc tế nhằm bổ sung nguồn vốn phát triển NƠXH.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và có quy trình thống nhất để các ngân hàng thương mại nhà nước được giao nhiệm vụ, đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân cho cả dự án và người dân.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, năm 2014, Bộ Xây dựng sẽ có giải pháp gì để gỡ khó cho thị trường BĐS, nhất là giá nhà ở phù hợp với sức mua của người dân có nhu cầu thực?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm có nhiều dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, thực hiện rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai, các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chưa triển khai và tiến hành phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội, phù hợp với kế hoạch phát triển nhà của địa phương.
Bởi vì trước những diễn biến phức tạp của thị trường, vai trò của Nhà nước cũng như các chủ thể tham gia thị trường cần phải được tăng cường, hoàn thiện để giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, vừa góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Để tháo gỡ được cơ bản các khó khăn của thị trường, thúc đẩy thị trường phát triển, đồng thời tăng khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, trước hết cần tập trung hoàn thiện hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển đô thị và nhà ở theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với phát triển đô thị và thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, theo quy hoạch, kế hoạch, cân đối cung cầu, để khắc phục tình trạng phát triển bất động sản một cách tự phát, phong trào, lệch pha cung - cầu như những năm vừa qua.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần phải gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đảm bảo các sản phẩm bất động sản, nhà ở có chất lượng đến với người dân, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, nhất là các đối tượng người nghèo, thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở.
Các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hỗ trợ nhà ở cho vùng thường xuyên bão lũ, người già cô đơn cần được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo Nghị định số 188/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của các đối tượng là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang...
PV: Nhân dịp đầu năm mới, Thứ trưởng có dự báo gì về thị trường BĐS năm 2014?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Phân tích sự biến đổi của thị trường bất động sản năm 2013, nhất là sự ấm dần lên của thị trường trong những tháng cuối năm, tôi cho rằng năm 2014, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục. Điều quan trọng là thị trường sẽ không còn các đợt sốt “nóng-lạnh” bất thường.
Cơ cấu hàng hóa sẽ thiên về các căn hộ có quy mô nhỏ và trung bình, lôi kéo được sự quan tâm trở lại của người mua có nhu cầu thật. Sẽ ổn định về mặt giá cả, tăng dần về số lượng giao dịch nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ, trung bình sẽ là yếu tố chủ đạo dẫn dắt và có tác động lan tỏa sang các phân khúc khác.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
M.vov.vn