Giá rẻ so với các loại trái cây khác
Chuối là loại trái cây giá cả phải chăng và rất phổ biến mùa này. Tại chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội), có thể mua chuối ở bất cứ sạp hoa quả hay hàng bán hoa quả dong nào. Hiện giá phổ biến từ 15.000 đồng/nải bé khoảng 12 – 15 quả. Nải to từ khoảng 20 quả giá từ 25.000 đồng/nải – 30.000 đồng/nải. Các loại chuối khác như chuối tây (chuối gòong) cũng chỉ 15.000 đồng/nải bé, 20.000 đồng – 25.000 đồng/nải to.
Chị Lê Phương Lan, trú tại Thành Công, Đống Đa, Hà Nội vừa mua một nải chuối tiêu với giá 25.000 đồng. Chị Lan cho hay, so với các loại trái cây khác thì giá chuối khá rẻ: “Gia đình tôi có 5 người, nếu mua chuối dùng làm hoa quả tráng miệng thì chỉ cần hơn chục nghìn là có thể đủ cho cả ngày. Đối với những loại trái cây khác thì không thể có giá này”.
Trong thời buổi làm ăn khó khăn thì chọn mua những loại thực phẩm vừa ngon lành lại vừa phải tiết kiệm đã thành một trong những mục tiêu của các bà nội trợ. Cùng suy nghĩ với chị Lan, chị Dung, trú tại Ba Đình, Hà Nội cho hay: “Chuối vào mùa Đông này ăn rất ngọt, chắc và ngon, không bị nhạt, đớ hay chua như vào mùa hè. Ngon, bổ, rẻ nên tôi cũng hay mua”.
Tuy nhiên, trước rất nhiều thông tin cho rằng chuối khi bị sử dụng một số loại thuốc giấm chín khiến loại trái cây này mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều người tiêu dùng cảm thấy lo lắng và cảnh giác với loại quả nội này.
Giá một nải chuối chỉ từ 15.000 đồng - 30.000 đồng. Ảnh: Bảo Anh
Chị Mai, người chuyên bán chuối tại chợ Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Hầu như ai mua cũng hỏi là chuối này có dùng thuốc không? Do lo lắng chuối dùng thuốc thúc chín nên chở cả một xe chuối đi bán, những nải chuối có một, hai quả chín, nải chín không đều bao giờ cũng bán chạy như tôm tươi”.
Tương tự, tại các cửa hàng trái cây an toàn, loại chuối được bán phổ biến là chuối xanh không dùng thuốc. Chủ một cửa hàng trái cây sạch tại phố Vạn Bảo (Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Người mua không thích các loại chuối dùng thuốc giấm chín nên chúng tôi chỉ bán các loại chuối chín tự nhiên, hoàn toàn không dùng một chút thuốc giấm nào. Chính vì không dùng thuốc nên trước khi chín, chuối thường bị héo, xấu mã và nải chín không đều”.
Thuốc giấm chín không độc hại
Khảo sát tại một số vùng trồng chuối ở Nam Định và Hà Nam cho thấy, hiện tại người trồng hoặc người thu mua buôn thường dùng các loại thuốc dạng lỏng để giấm chín chuối, các ống thuốc này giá rất rẻ, chỉ khoảng vài nghìn đồng một ống.
Loại thuốc giấm chín được sử dụng phổ biến hiện nay. Ảnh: Bảo Anh
Ông Trần Văn Lâm, một người chuyên trồng chuối tại tỉnh Hà Nam cho hay, chuối muốn chín đều và đẹp mã thì phải dùng thuốc giấm chín. Thông thường, người đi mua buôn đến mua chuối xanh ngay tại vườn trồng mang về dùng thuốc giấm, sau đó đổ cho các mối bán lẻ.
Công dụng hữu hiệu của loại thuốc và những thông tin về các loại hóa chất lạ được sử dụng để giấm chín, bảo quản trái cây bấy lâu nay khiến người tiêu dùng nghi ngờ và tâm lý lo lắng về độ an toàn của chuối khi được giấm qua loại thuốc trên và đề phòng với loại trái cây nội rất bổ dưỡng này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thuốc giấm chín mà dân gian hay gọi là thuốc thúc chín, thực chất đó là hoạt chất điều hòa sinh trưởng và không hề có tác hại đối với người sử dụng như lâu nay mọi người vẫn nghĩ. Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các loại thuốc thúc chín tố được nhập lậu hiện nay chủ yếu là Ethephon, không độc và không gây ung thư.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, thực tế, tại những vùng chuyên canh, trồng trái cây với quy mô lớn rất khó để thu hoạch theo hình thức chờ trái chín đồng loạt nên bà con thường thu hái cả vườn, gồm cả quả to, quả nhỏ rồi ủ chín.
Các loại thuốc thúc chín thuộc nhóm điều hòa sinh trưởng, gốc Ethephon, tên thương mại là Ethrel. Kết quả phân tích trước đây do Cục Bảo vệ Thực vật tiến hành cho thấy, trong thuốc thúc chín tố có thành phần Ethephon 28%. Khi hòa dung dịch vào nước sinh ra Etylen, giống như một hormone thực vật làm trái cây chín.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cũng cung cấp thêm thông tin, trên thế giới, các nước cũng dùng phương pháp hóa chất tương tự để xử lý trái cây chứ không đợi chín hoàn toàn mới thu hoạch.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Khoa Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, thông thường một buồng chuối nếu để tự chín thì sẽ chín không đều vì trong cùng một buồng hay ngay cả cùng một nải, bao giờ cũng có quả non, quả già. Do vậy, để thuận tiện trong quá trình bảo quản, vận chuyển, buôn bán, người trồng hay người buôn bán thường giấm cho chín đều cả nải hoặc cả buồng.
Ngày xưa, để giấm chín chuối, người ta thường dùng hương, kết hợp lá xoan hoặc tro bếp. Tuy nhiên, giờ có thuốc giấm chín kể trên, thực chất là chất điều hòa sinh trưởng, làm cho quả chín nhanh và đều. Đây là loại thuốc rất tốt để làm quả chuối chín đều và đẹp mà không hề độc hại gì đối với người tiêu dùng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho hay, các nước bên châu Mỹ đã sử dụng loại hoạt chất này để giấm chuối chín đều và đẹp từ rất lâu khi xuất khẩu chuối sang châu Âu. Hiện, loại thuốc trên vẫn được dùng rất phổ biến.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng lưu ý, đối với người trực tiếp hòa thuốc vào nước để giấm, cần cẩn thận trong quá trình làm không nên để hít khí đó vào mũi, có thể đeo khẩu trang hoặc làm nhanh rồi ra khu vực khác. Tất nhiên, đối với người tiêu dùng thì chuối giấm chín bằng thuốc này không còn độc hại gì bởi những chất khí không tốt cho sức khỏe con người sinh ra trong quá trình giấm đã hoàn toàn bay hết khi chuối đến tay người tiêu dùng.
Theo Khampha.vn