Theo Báo cáo Thịnh vượng 2015 (Wealth Report) vừa công bố, hãng nghiên cứu Knight Frank cho biết số người siêu giàu trên thế giới đã tăng lên hơn 172.000 người, với tổng tài sản gần 22.000 tỷ USD năm ngoái. Theo định nghĩa của Knight Frank, giới siêu giàu gồm những cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Đến năm 2024, số thành viên nhóm này được dự báo tăng lên 230.000 người.
Năm 2014, Việt Nam có 116 người siêu giàu, tăng 6 người so với năm ngoái. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, lên 300 người. Theo sau là Indonesia với 132% và Bờ Biển Ngà (119%).
Trên thế giới, London (Anh) tiếp tục là thành phố có số người siêu giàu nhiều nhất hành tinh với hơn 4.300 người, theo sau là New York (Mỹ). Knight Frank nhận xét thành phố này sẽ tiếp tục ở vị trí top đầu trong 10 năm tới. Tuy nhiên, Singapore đang dần đuổi kịp với tốc độ tăng triệu phú 54% giai đoạn này, so với chỉ 21% của London.
Việt Nam được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất
thế giới với 159%, lên 300 người, trong một thập kỷ tới. (Ảnh minh họa).
Số người có tài sản từ 100 triệu USD trở lên cũng tăng gần 1.200 lên 38.280 người. Năm ngoái, thêm 53 người trong danh sách trở thành tỷ phú, nâng số lượng tỷ phú cả thế giới lên hơn 1.800 người, tăng 82% so với 10 năm trước.
Châu Á đã vượt Bắc Mỹ thành khu vực có tốc độ tăng người siêu giàu lớn nhì thế giới. Năm ngoái, hơn 1.400 cá nhân khu vực này đã vượt mốc tài sản 30 triệu USD. Người siêu giàu châu Á hiện nắm trong tay 5.900 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng tài sản lớn nhất thuộc về giới triệu phú châu Âu, với 6.400 tỷ USD.
Knight Frank cũng ước tính trung bình, các thành phố châu Á sẽ có mức tăng 91% về số người siêu giàu trong thập kỷ tới. Tốc độ tăng mạnh nhất sẽ thuộc các thành phố như TP HCM (Việt Nam), Jakarta (Indonesia), Mumbai hay Delhi (Ấn Độ).
Số người siêu giàu năm ngoái vẫn tăng, bất chấp tình hình kinh tế yếu hơn dự đoán, do căng thẳng chính trị, giá dầu lao dốc và chương trình rút kích thích của Mỹ. Nhà phân tích Ouliana Vlasova tại WealthInsight nhận xét: "Hoạt động tại các nền kinh tế phát triển năm ngoái đã ảnh hưởng tích cực lên tài sản của giới siêu giàu. Tốc độ tăng trưởng người giàu có thể còn mạnh nữa nếu kinh tế thế giới hồi phục mạnh hơn trong nửa cuối năm trước".
Trong khi đó, triển vọng năm nay được đánh giá là khó đoán. Dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2015 từ 3,8% xuống 3,5%, tốc độ này vẫn còn mạnh hơn năm ngoái. Các nền kinh tế mới nổi được dự báo tăng 4,3%, cao hơn so với 2,4% tại các nước phát triển.
Chênh lệch giàu nghèo của Việt Nam trên báo Mỹ
Theo thông tin, cách showroom mới của Rolls-Royce 2 tòa nhà, bà Hà (gần 80 tuổi) và Hiền (53 tuổi) đang bán khoai tây và đu đủ cho người đi đường.
Họ phải dậy từ 4h sáng để tới chợ đầu mối, sau đó đạp xe xuống phố để bán rong. Bà Hà hiện sống cùng 8 người họ hàng và kiếm được 2,5 USD (50.000 đồng) một ngày. Trong khi đó, bà Hiền kiếm được khoảng 5 USD. Cả hai cho biết họ chẳng mấy quan tâm đến những chiếc siêu xe lẫn trong dòng xe máy trên đường phố.
Khoảng cách thu nhập gia tăng đang là vấn đề trên toàn cầu. Nhưng tại Việt Nam, tương phản này đặc biệt rõ. Giao thông Hà Nội tràn ngập những chiếc xe máy được buộc cả tá hàng hóa. Xe tải, ôtô, xe máy đi cạnh chiếc xe đẩy của người bán rong và những chiếc xe đạp chất đầy hàng. Trong khung cảnh đó, sự xuất hiện của những chiếc Rolls-Royce có vẻ gây ấn tượng với người nước ngoài hơn là người Việt.
Sự xuất hiện của những chiếc xe sang đang được coi là dấu hiệu cho tăng trưởng kinh tế tại đây. Việt Nam thực sự đã tiến rất xa trong vài chục năm qua.
Số người giàu tăng nhanh dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội nhiều năm qua
là vấn đề không chỉ người trong nước quan tâm mà còn là nội dung nghiên cứu
của nhiều định chế quốc tế.
Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) hiện là nơi giới thượng lưu lui tới mua sắm các mặt hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Cartier và Burberry. Năm ngoái, McDonald’s cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM (Việt Nam), hợp tác với Henry Nguyễn - Tổng giám đốc IDG Ventures. Ông cho biết mục tiêu là mở hơn 100 cửa hàng McDonald’s tại Việt Nam trong một thập kỷ.
Forbes Việt Nam ra mắt đầu năm 2014 và là nơi cho thấy sự giàu có của tầng lớp thượng lưu. Ấn bản đầu tiên của tạp chí này nói về ông Phạm Nhật Vượng – tỷ phú USD đầu tiên và thường được gọi là "Donald Trump của Việt Nam". Tài sản của ông vào khoảng 1,7 tỷ USD, chủ yếu từ cổ phần trong Vingroup – chủ sở hữu nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà cao cấp và công viên mô phỏng nổi tiếng nhất Việt Nam.
Đặng Lê Nguyên Vũ - nhà sáng lập thương hiệu Cà phê Trung Nguyên lớn lên trong một gia đình bình thường tại Tây Nguyên, từng tự rang cà phê và kỳ cạch giao hàng bằng xe đạp. Ngày nay, Việt Nam đã là đối thủ của Brazil trong sản xuất cà phê. Và Trung Nguyên trở thành thương hiệu đồ uống hàng đầu, mở nhiều cửa hàng trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước khác.
Giới thượng lưu Việt Nam có lối sống khá sang trọng. Nhưng để nhận biết sự chuyển dịch, phương tiện giao thông có lẽ là thước đo tốt hơn cả. Thập niên 90, xe đạp vẫn còn là phương tiện di chuyển chính. Những chiếc xích lô cũng rất dễ dàng bắt gặp. Sau đó, kinh tế phát triển đã khiến xe máy và ôtô dần trở nên phổ biến.
Đầu năm 2011, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá là nước có "thu nhập trung bình". Và rất nhiều gia đình cũng đang tìm mua những chiếc Toyota Corolla hay Chevrolet Cruze. Số liệu cho thấy lượng xe hơi bán tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 2 năm, từ 9.500 chiếc năm 2012 lên 21.700 chiếc năm 2014. Số liệu này sẽ cao hơn nhiều nếu thuế nhập khẩu không quá cao và thuế cho những chiếc lắp ráp tại Việt Nam không lên tới 60%, ông Gaurav Gupta - Giám đốc GM Việt Nam cho biết.
Số xe hơi xa xỉ bán ra cũng tăng với tốc độ tương tự, lên 4.700 chiếc năm 2014. Vài năm trước, Mercedes và BMW còn thống trị thị trường xe sang tại đây. Nhưng còn giờ, đó là Rolls-Royce, Porsche, Audi, Lexus, Infiniti và có thể là cả Lamborghini. Con số này sẽ còn ấn tượng hơn nữa nếu xét đế việc một chiếc xe giá 60.000 USD tại Mỹ có giá gần 180.000 USD tại Việt Nam, Gupta cho biết.
Trong showroom mới của Rolls-Royce cạnh sảnh một khách sạn 5 sao, một chiếc Wraith - dòng tầm trung của hãng, có giá 979.000 USD. Những chiếc đắt nhất phải có giá cao hơn tới hàng trăm nghìn USD. Người mua thường yêu cầu thêm chi tiết, như biển tên với chữ ký dát vàng, ông Phạm Bửu Hội - Giám đốc Marketing của Roll-Royce Motor Cars Hà Nội cho biết. Tổng chi phí vì vậy có thể lên tới 2,5 triệu USD. Còn khi được hỏi về phương tiện di chuyển hàng ngày, ông cười lớn và cho biết: "Tôi đi xe máy, cũng như mọi người thôi".
Theo Nguoiduatin.vn