Tập đoàn Mường Thanh vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng khách sạn tại huyện đảo Lý Sơn.
Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Đồng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho biết, sau khi đi khảo sát thực tế tại huyện Lý Sơn, Tập đoàn có ý tưởng xây dựng tại huyện đảo này một khách sạn có quy mô khoảng 7 tầng gồm 150 phòng nghỉ chất lượng, trên diện tích khoảng 1ha để phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
Dự kiến, Tập đoàn sẽ đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để xây dựng khách sạn. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn làm một số dự án phát triển du lịch tại đảo Lý Sơn từ nay đến năm 2020.
UBND tỉnh Quảng Ngãi giao huyện Lý Sơn và các ngành chức năng của tỉnh cùng Tập đoàn Mường Thanh lựa chọn địa điểm để triển khai dự án.
Tập đoàn khách sạn Mường Thanh do đại gia Lê Thanh Thản (đại gia "điếu cày")
làm chủ được công nhận là "Chuỗi Khách Sạn Tư Nhân Lớn Nhất Việt Nam".
Tập đoàn khách sạn Mường Thanh do đại gia Lê Thanh Thản làm chủ được công nhận là "Chuỗi Khách Sạn Tư Nhân Lớn Nhất Việt Nam" với một hệ thống gồm 30 khách sạn và dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn 3,4 và 5 sao trải dài trên cả nước.
Với hơn 17 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ khách sạn, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh đang ngày càng phát triển và nâng cao phạm vi cũng như chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu của hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Đại gia "điếu cày" có bao nhiêu tiền?
Thay xe Rolls Royce đời mới nhưng vẫn kè kè chiếc điếu cày, ông Lê Thanh Thản thường được gọi là ông chủ Mường Thanh hoặc đại gia điếu cày.
Không ai đo lường được tài sản của doanh nhân này, công ty ông cũng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng chỉ cần suy xét một chút sẽ thấy đây là đại gia đáng nể.
Ông Thản từng nói, sở dĩ ông dám bán nhà với giá 10 triệu đồng/m2 mà vẫn có lãi vi công ty ông không sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, hoàn toàn là nguồn vốn tự có.
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của Dự án Đại Thanh theo dự toán là 3.500 tỷ đồng, trong đó khoảng 20 block chung cư có vốn đầu tư ước 2.400 tỷ đồng.
Nếu không vay ngân hàng, chủ đầu tư cần tự có khoảng 50% vốn (chi phí để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây xong móng để đủ điều kiện bán hàng).
Như vậy, riêng Dự án Đại Thanh, trong tay ông Thản phải có khoảng 1.200 tỷ đồng.
Đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản.
Đó là chưa kể đến 20 khách sạn Mường Thanh trên cả nước mà ông đang sở hữu. Tại Hà Nội là một loạt dự án tầm cỡ khác như Khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội), Chung cư VP3 Linh Đàm,…
Năm 2014, Tập đoàn Mường Thanh khai trương 6 khách sạn, mở rộng bản đồ kinh doanh tới gần 30 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Năm 2015, theo tính toán của ông Thản, Tập đoàn sẽ khai trương thêm 10 khách sạn nữa, trong đó chiến lược là tại TP. HCM.
Dù 4 sao hay 5 sao, chiến thuật kinh doanh của hệ thống Mường Thanh rất đơn giản: Giá hợp lý và thái độ phục vụ nhiệt tình. Nếu như các khách sạn 4 sao khác tại Hà Nội có giá phòng trên 100 USD/đêm, thì khách sạn của ông chỉ là 40 USD/đêm. Mức giá trên, với không gian yên tĩnh, không khí sạch sẽ, phòng ốc tốt và đi lại thuận tiện, không cần quảng cáo nhiều, khách sạn vẫn luôn đạt công suất tới 95 - 100%.
Không chỉ đầu tư khách sạn tại Việt Nam, đại gia "điếu cày" và các cộng sự còn mở rộng sang Lào. Tại Viêng Chăn, Khách sạn Mường Thanh quy mô 35 tầng đang được xây dựng.
Nhiều người tò mò, tiền đâu mà Mường Thanh có thể làm nhiều khách sạn đến vậy và làm khách sạn có lãi không? Ông bảo: “Tích tiểu thành đại, còn làm gì mà chẳng phải vay. Làm khách sạn có lãi nhưng lãi không dày. Làm khách sạn là để tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, đem lại dịch vụ tốt cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương thu hút đầu tư. Còn nếu tính lời lãi lớn ngay từ đầu thì sẽ không ai đầu tư làm khách sạn”.
Mong muốn của ông và nhiều cộng sự là tạo ra một thương hiệu khách sạn cao cấp của người Việt, được vận hành và quản lý bởi người Việt, tạo ra cơ hội để người Việt có thể ở và hưởng thụ dịch vụ ở các khách sạn 4-5 sao với giá cả hợp lý nhất có thể.
Theo Nguoiduatin.vn