Đại gia Việt ầm ầm ôm trăm tỷ đổi máy bay
Thông tin từ nhà chức trách hàng không cho biết cho đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có duy nhất ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sở hữu máy bay riêng. Do vậy, bầu Đức vẫn giữ vững danh hiệu “đệ mất chơi máy bay” của Việt Nam.
Bầu Đức “nổi đình nổi đám” khi trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng, khi sắm chiếc King Air 350 có với giá khoảng 7 triệu USD vào năm 2008. Chiếc King Air là loại máy bay động cơ cánh quạt, có vận tốc tối đa 540 km/h, chỉ bay được ở tầm thấp và tầm bay 3.000 km.
Vào những ngày đầu năm Ất Mùi, bầu Đức tiếp tục “hâm nóng” giới đại gia khi tiết lộ ý định mua chiếc máy bay Legacy 600, có giá hơn 20 triệu USD (gần 600 tỷ VNĐ).
Legacy 600 là loại siêu máy bay kích thước trung bình chở được 13 hành khách, có nội thất tiện nghi và riêng tư với ba khu vực cabin riêng.
Với tầm bay 6.019km với 8 hành khách hoặc 6.297km với 4 hành khách, Legacy 600 là một trong bảy loại máy bay phản lực riêng chở từ 8-19 khách được một số khách hàng lựa chọn vì tiện nghi và tính cơ động cao.
Với đại đa số người dân Việt, mua máy bay ở thời điểm hiện tại là một điều … không tưởng. Nhưng với bầu Đức, việc bỏ ra vài triệu USD mua máy bay không khác gì người bình thường mua … xe máy.
Bầu Đức hiện là đại gia duy nhất sở hữu máy bay riêng.
Nổi đình nổi đám không kém bầu Đức về khoản sắm máy bay riêng là ông Trần Đình Long (bầu Long), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Ông từng chi ra 5 triệu USD để sở hữu chiếc máy bay riêng trực thăng riêng.
Mỗi tháng ông chủ Tập đoàn Hòa Phát đã phải bỏ ra 300 triệu đồng chi phí thuê phi công, khoảng vài trăm triệu đồng để thuê bến bãi và còn rất nhiều khoản chi phí khác như chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa… Tổng cộng lại mỗi tháng ông Long sẽ mất khoảng 2 tỷ đồng để phục vụ cho chiếc máy bay này hoạt động.
Sau một thời gian sử dụng, ông Long đã bán máy bay cho Công ty VinaCopter của Hồng Kông. Kể từ sau khi bán máy bay EC 135P2i, Cục hàng không Việt Nam đã xoá đăng ký quốc tịch của chiếc máy bay này. Từ đó đến nay ông Trần Đình Long không đăng ký sở hữu máy bay riêng.
Sau khi bán chiếc EC 135P2i, ông Trần Đình Long đã dự định chuyển qua máy bay mới loại 12 chỗ cùng chủng loại, hiện đại hơn rất nhiều. Nó có tên VN-D668. Ngoài sự tiện nghi về nội thất, số ghế ngồi nhiều hơn, chiếc trực thăng này có khả năng bay xa hơn giúp ông chủ thép thực hiện chặng Hà Nội - Đà Nẵng mà không cần phải tiếp nhiên liệu. Giá tiền của nó vào khoảng 7 triệu USD.
Tuy nhiên sau nhiều cân nhắc, nhà tài phiệt này lại quyết định dừng kế hoạch. Ông cho rằng việc sở hữu máy bay riêng là quá lãng phí trong bối cảnh công việc làm ăn của mình chủ yếu diễn ra trong nước. Về phía Cục hàng không Việt Nam, họ cũng đã xóa đăng ký của trực thăng EC 135P2.
Trong lĩnh vực hàng không chung, hai chiếc thủy phi cơ đầu tiên vừa thực hiện chuyến bay chuyển sân dài gần 15.000 km từ Mỹ, vượt Thái Bình Dương về Hà Nội, đánh dấu sự ra đời của hãng hàng không thứ 8 và là hãng hàng không tư nhân thứ 6 ở Việt Nam.
Không giống như các hãng hàng không khác, Hải Âu lại chọn cho mình một ngách riêng là cung cấp dịch vụ bay thường lệ và thuê chuyến, với thời gian bay 30 phút giữa Hà Nội và vịnh Hạ Long hoặc bay ngắm cảnh 25 phút và 40 phút trên vịnh Hạ Long. Ngoài ra, hãng cũng cung cấp dịch vụ phục vụ sự kiện của các tổ chức, cá nhân, các chuyến bay chuyên dụng cho khách hàng…
Theo ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Minh, mặc dù giá vé của chặng bay Hà Nội – Hạ Long hơn 5 triệu đồng/vé, bay ngắm cảnh trên vịnh Hạ Long từ 25-40 phút có giá 5-7 triệu đồng/vé nhưng có nhiều tiềm năng. Nhu cầu khách du lịch cao cấp ở Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Sau tuyến Hà Nội – Hạ Long, Hải Âu sẽ mở rộng dịch vụ thủy phi cơ đến các khu vực ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong năm 2015, dịch vụ bay thủy phi cơ sẽ mở rộng ra các nước lân cận.
Những chiếc xế sang hàng chục tỷ đồng vẫn được nhắc đến như là “biểu tượng”
của sự thành đạt và giàu có giới đại gia Việt. (Ảnh minh họa)
Ào ào đi sắm siêu xe
Cho đến nay, những chiếc xế sang hàng chục tỷ đồng vẫn được nhắc đến như là “biểu tượng” của sự thành đạt và giàu có giới đại gia. Đại gia các giới kinh doanh và showbiz là những nhân vật chơi xe hàng đầu Việt Nam. Trong đó, không hiếm người bỏ ra hàng chục tỉ chỉ để sắm một chiếc xe hơi, hay nắm trong tay dàn xe lên tới trăm tỷ đồng.
Theo đó, chiếc xe hơi trị giá 40 tỷ được ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng lên sân khấu liveshow 'Thương hoài ngàn năm 2' diễn ra tại TP HCM và Hà Nội trong tháng 12/2014 đã gây xôn xao dư luận. Đây là vị đại gia giàu có bậc nhất ngành giải trí Việt khi anh thường xuyên sắm xe hơi, tậu nhà riêng hay sử dụng các phụ kiện kim cương tiền tỷ.
Nữ doanh nhân nổi tiếng Lê Hồng Thủy Tiên được nhận định là một trong những người phụ nữ giàu nhất dải đất hình chữ S. Bà là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực các mặt hàng xa xỉ thế giới cùng các khu siêu thị và thương mại lớn.
Bà thường xuyên xuất hiện cùng chiếc Rolls-Royce đen mang biển số đuôi 88. Theo giới sành xe, chiếc ôtô này trị giá khoảng hơn 40 tỷ đồng.
Hay như chiếc Rolls Royce 'Mặt trời phương Đông' 43 tỷ được đồn đoán là của đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản cũng khiến nhiều người phải "mắt tròn mắt dẹt" vì độ "độc" của chiếc siêu xe này.
Rolls-Royce Phantom Oriental Sun hay còn được gọi là "Mặt trời phương Đông" là một phiên bản đặc biệt với số lượng sản xuất chỉ đúng một chiếc trên toàn cầu. Mẫu xe độc đáo này được phát triển dựa trên Rolls-Royce Phantom Series II từng ra mắt trong triển lãm Geneva 2012. Đúng như tên gọi, Rolls-Royce Phantom Oriental Sun được sở hữu những điểm thiết kế mang đậm nét phương Đông ở phần ngoại thất và nội thất của xe. Nổi bật nhất là hình mặt trời nằm trên góc chữ C, tựa đầu tất cả các ghế và đồng hồ báo giờ.
Theo nhà phân phối, tính cá nhân hóa thể hệ trên chiếc xe ở hình Mặt trời in trên góc chữ C, trên tựa đầu các hàng ghế. Hình 6 chữ M màu vàng đan vào nhau là cách điệu của mặt trời lúc buổi sáng. Hãng này cũng cho biết, chữ M còn thể hiện lối chơi chữ tiếng Việt như "May Mắn", "Mạnh Mẽ", "Mộc Mạc" và "Money" trong tiếng Anh.
Sáu chữ M còn là cung "lộc" theo quan niệm phương Đông. Điều này thể hiện sự mong muốn thịnh vượng, phát đạt trong quá trình kinh doanh.
Theo giới sành điệu, thì trong năm 2015 này, danh sách các xe sang có giá hàng chục tỷ chuẩn bị vào Việt Nam vẫn khá nhiều, và nhiều đại gia đã và đang ôm tiền xếp hàng đợi mua.
Đơn cử là bộ sưu tập Trống đồng Đông Sơn dành cho mẫu xe siêu sang Phantom với 6 phiên bản bao gồm Lửa thiêng, Thủy triều, Thần núi, Ngân vũ, Phù sa và Mẹ Âu Cơ. Điểm chung trên cả 6 phiên bản này sẽ bao gồm những họa tiết đặc biệt vẽ theo hình ảnh xuất hiện trên trống đồng truyền thống.
Ngoại thất, xe có phần thân trên sơn màu đồng đặc trưng, màu sơn thân dưới thay đổi ứng với từng phiên bản. Biểu tượng Spirit of Ecstasy mạ vàng, đường coach-line kép cùng họa tiết Trống đồng ngay sau chắn bùn trước.
Ở nội thất, họa tiết trống đồng thêu tay trên 4 tựa đầu ghế, hộp găng tay và mặt đồng hồ trung tâm. Thêm vào đó là họa tiết chim hạc vẽ tay trên tựa tay ghế và mặt trong cánh cửa. Hình người nhảy múa trên lưng ghế và bên phải bảng tap-lô.
Chiếc đầu tiên về Việt Nam là Phantom Lửa thiêng, dự kiến vào quý II/2015. Khi về Việt Nam mức giá dự kiến của chiếc xe này khoảng 2 triệu USD.
Ngoài ra còn phải kể đến những siêu xe đình đám đang được nhiều đại gia Việt "ôm" tiền đợi mua như: Mercedes-Maybach S600 giá 9,67 tỷ đồng đã có thuế; cặp "siêu bò" Huracan LP610-4 giá 16 tỷ VNĐ sau thuế và Aventador LP700-4 giá 26 tỷ VNĐ, Mercedes-AMG GT S giá 8,26 tỷ đồng.
Theo Nguoiduatin.vn