"Săn mồi" ngay khi vừa chết hụt
Việc Bạch Văn Chanh về Hà Nam chiêu mộ đàn em sau cuộc đấu súng ngày 9/1/1992 là câu chuyện "vô tiền khoáng hậu" trong giới giang hồ đất Bắc. Trên thực tế cho đến nay, việc hiểu tường tận tâm lý tội phạm trong con người tên tướng cướp khét tiếng có xuất thân rất... bình thường này là điều không mấy dễ dàng.
Như trong các bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến chi tiết về tâm sự của một người "biết" Chanh rất rõ. Người này từng nhắc đến những tình tiết cuộc đời của Chanh khi còn là một người bình thường và đến khi đã trở thành tướng cướp, Chanh đã làm gì thì phải làm theo cách hơn hẳn, vượt trội người khác.
Điều này ứng vào những hoạt động phạm tội của Bạch Văn Chanh thấy quả nhiên có nhiều phần đúng. Bạch Văn Chanh có lẽ cũng là tên tướng cướp hiếm hoi có số phận rất ly kỳ, khiến ai biết đến cũng muốn "giải mã" y ở những góc độ khác nhau.
Vùng đất Kim Bảng - nơi Bạch Văn Chanh từng gây ra vụ cướp bằng súng AK.
Như chúng tôi đã đề cập, ngay khi có mặt ở Hà Nam, sau cuộc chạy trốn khỏi Hữu Lũng, Lạng Sơn, tướng cướp Bạch Văn Chanh đã tập hợp dưới trướng mình các tên đàn em gồm: Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Định, Lê Văn Trường và Lê Văn Quyên.
Sau bao năm, bản chất thật của tên tướng cướp này phơi bày hoàn toàn khiến Bạch Văn Chanh không thể dừng việc cướp bóc. Như đã biết, Bạch Văn Chanh sinh ra, lớn lên ở Thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà (sau đổi thành Hà Nam).
Trở lại đây sau nhiều năm đi xa, nhưng Chanh vẫn đủ thông thuộc để bắt đầu hành trình "săn mồi" trên chính mảnh đất quê hương. Lần khẳng định bản lĩnh của một tướng cướp với bộ sậu mới này chỉ có Bạch Văn Chanh và Lê Văn Quyên tham gia.
Để chuẩn bị cho việc "ăn hàng" không xảy ra sơ suất, số vũ khí trong đó có khẩu súng AK tuồn về từ Lạng Sơn được Chanh mang ra sử dụng. Nhằm lên dây cót, lấy tinh thần cho đàn em, mọi thao tác, cách sử dụng súng quân dụng được tướng cướp "dốc lòng" truyền thụ cho tay chân.
Sau thời gian ngắn "ổn định đội ngũ", Chanh và Lê Văn Quyên bắt đầu hành trình "ăn đêm". Lúc đó, nhiều người đi trên những cung đường như Thị xã Phủ Lý, Thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên... không hiểu vì sao có hai người đàn ông cứ kè kè một vật gì đó trong chiếc túi sau lưng, dáng vẻ lúc rất vội vã, lúc lại bình thản như không.
Hai kẻ "lạ lùng" không ai khác chính là tướng cướp Bạch Văn Chanh và đàn em Lê Văn Quyên, còn vật giấu sau lưng là khẩu súng AK cồng kềnh không thể lẫn vào đâu được.
Tối 21/1/1992, khi đang lang thang rình rập trên đường quốc lộ, Bạch Văn Chanh và Lê Văn Quyên phát hiện anh Nguyễn Đức H đang điều khiển chiếc xe máy DD đỏ đi từ phía Phủ Lý về huyện Kim Bảng, hai tên liền nháy mắt, bám theo "con mồi".
Những năm 90 của thế kỷ trước, ở những tỉnh miền núi, dòng xe Minsk được coi là biểu tượng sức mạnh cho xe 2 bánh vì khả năng vượt mọi địa hình của nó. Bên cạnh đó, nếu xét về một trong những biểu tượng cho sự giàu sang và tiền bạc rủng rỉnh, chính là việc sở hữu một chiếc DD đỏ.
Chọn "mặt hàng" có điều kiện kinh tế là điểm đặc biệt nổi trội trong suốt quá trình gây án của Bạch Văn Chanh. Hầu như y ra tay là thu về một mối lợi lớn, cùng lượng tài sản có giá trị. Phi vụ này cũng không là ngoại lệ.
Dòng xe DD - đỏ "miếng mồi ngon" mà Bạch Văn Chanh nhắm.
Đổi “chiến thuật” để ẩn mình
Tuy nhiên, khác với cách gây án ở Lạng Sơn là có thể ngang nhiên chặn đường cướp của, do địa hình dễ tẩu thoát, ở Hà Nam, tên tướng cướp phải tìm cách đeo bám con mồi, chờ cơ hội thuận lợi mới xuống tay.
Trong hành trình đeo bám anh Nguyễn Đức H, có nhiều lần Lê Văn Quyên vì "húng chó" định ra tay luôn, đều bị bậc thầy lão luyện Bạch Văn Chanh cản lại. Bản thân anh H trên hành trình về nhà cũng không ngờ rằng, mình đã lọt vào tầm ngắm của tên tướng cướp hung bạo.
Được biết, đêm 21/1/1992 anh Nguyễn Đức H đang trong hành trình từ Thị xã Phủ Lý về huyện Kim Bảng, ngoài chiếc xe DD đỏ đang đi, anh H còn mang trên người một số tài sản rất có giá trị.
Cuộc đeo bám dai dẳng diễn ra, chúng theo nạn nhân hàng chục km kể từ khi phát hiện ra "con mồi". Khi vừa vào địa phận huyện Kim Bảng, Chanh và Quyên tìm cách vượt lên trên, tìm vị trí hợp lý để chặn xe của anh H. Trong lúc anh H đang tiến tới, bất thình lình hai bóng đen xuất hiện với khẩu súng AK chĩa thẳng vào ngực.
Anh H hoảng hốt phanh xe lại và nhanh chóng nhận ra mình đã gặp cướp. Là người từng trải, anh H nhận thức ngay, nếu chống cự sẽ mất mạng. Dưới họng súng đen ngòm cùng bộ mặt lạnh lùng của tên tướng cướp, đủ để anh H hiểu, phải cắn răng nín nhịn để "của đi thay người".
Trong vụ này, ngoài chiếc DD đỏ, Chanh và Quyên còn lấy đi toàn bộ tài sản có giá trị của anh H. Nội dung vụ án ngay lập tức được báo lên Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam.
Đối với dư luận trong địa bàn Hà Nam lúc này, việc có kẻ ngang nhiên vác súng AK chặn đường cướp của là điều bất ngờ khủng khiếp. Vụ án ngay lập tức được truyền miệng và kéo theo không ít những lời đồn thổi. ở Hà Nam, cho đến nay những "giai thoại" về Bạch Văn Chanh vẫn còn được nhiều người nhắc đến. Xin lưu ý là tướng cướp Bạch Văn Chanh gây án liên tỉnh, ngoài Lạng Sơn, còn có Bắc Giang, Hà Nam.
Trong giai đoạn lộng hành nhất, Chanh lúc ở Lạng Sơn, Hà Nam, khi sang Bắc Giang và không ngừng cướp bóc khiến cho cơ quan công an càng quyết tâm tiêu diệt băng cướp do y cầm đầu. Khác với những nơi khác, những lần Bạch Văn Chanh gây án ở Hà Nam cũng như quá trình "tử thủ" của y trước khi bị bắt vẫn khiến nhiều người tò mò tìm hiểu.
Có một điều dễ thấy là giai đoạn này thông tin liên lạc, truyền thông, chưa phát triển như bây giờ, do đó những việc làm của Chanh và đồng bọn ở Hà Nam phải rất lâu sau mới được "khớp nối", để cơ quan công an "đọc vị" do cùng một kẻ gây ra.
Mới đây, trao đổi với PV, đại tá Phạm Mạnh Thường - trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hà Nam hiện nay, vẫn không thể quên những năm tháng đồng đội mình ráo riết truy lùng hung thủ của vụ cướp táo tợn gây rúng động vùng quê yên ả lúc bấy giờ.
Thời điểm năm 1992, đại tá Phạm Mạnh Thường mới mang quân hàm thượng úy, công tác tại phòng Hình sự Công an tỉnh. Những đồng đội của ông tham gia điều tra các vụ án do Bạch Văn Chanh gây ra ở Hà Nam giờ người còn đang công tác, người cũng đã về hưu.
Trong quá trình tìm hiểu về Bạch Văn Chanh ở Hà Nam, vị đại tá Trưởng phòng PC45 đã cung cấp và "bật mí" cho phóng viên rất nhiều thông tin thú vị. Chính ông, khi đưa ra những lời nhận xét về kẻ từng một thời gây điên đảo ở nhiều tỉnh, thành cũng không khỏi trăn trở về quá trình biến thành tên tướng cướp hung bạo của một con người.
Trong thời gian tìm hiểu những tư liệu về quá trình gây án của Bạch Văn Chanh, chúng tôi cũng đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Bởi những điều tưởng như không thể diễn ra thì y lại làm cho nó xảy ra. Trong lần bất ngờ có lẽ lên tới cực độ này, là sau cuộc đấu súng ngày 9/1/1992 ở Lạng Sơn, đúng 12 ngày sau, vào ngày 21/1/1992, y vác AK đi cướp ở Hà Nam. Nhưng sửng sốt hơn cả là chỉ sau cuộc đấu súng hơn 1 tháng, Bạch Văn Chanh dám cả gan "phi" từ Hà Nam trở lại... Lạng Sơn và tiếp tục gây án.
(Còn nữa)
Người Đưa Tin