Sơn Vương sinh năm 1909 tên thật Trương Văn Thoại, tự là Vạn Năng, là nhà văn, tướng cướp, Chủ tịch Ủy ban hành chính Côn Đảo, "Quốc vương" tự phong của "Quốc gia Trung lập Nhân dân Quần đảo An Ninh". Tổng cộng lãnh án 79 năm tù, ở tù 34 năm trong đó có 32 năm khổ sai, ông được cho là người thụ án lâu nhất Việt Nam. Có người gọi ông là “Người tù của thế kỷ 20” khi ông bị cầm tù trong cả hai thời kỳ xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Bản lĩnh giang hồ
Trương Văn Thoại sinh tại làng Bình Nghị (nay thuộc xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), là con trai thứ năm của ông Trương Đình Cung Anh, một điền chủ có học, lại thêm nghề bốc thuốc chữa bệnh, và có lòng hào hiệp, thường hay giúp đỡ giới nghèo cùng đinh. Ở trong làng, điền chủ Trương Đình Cung Anh là một người danh giá, được trọng vọng. Ngày đứa con thứ năm chào đời, ông điền chủ nhìn rất lâu vào vầng trán rộng, nhân trung sâu của đứa bé. Ông đã dự đoán rằng đứa trẻ hẳn sau này sẽ chọc trời khuấy nước nhưng có lẽ suốt đời lận đận. Ông đặt tên cho con là Trương Văn Thoại.
Chuyện kể rằng, ngày tròn một tuổi, trước vô số đồ chơi được bày trước mặt, cậu bé đã nắm rất chắc một quản bút, một thanh gươm. Nét mặt vị điền chủ rạng lên nhưng ông vẫn không ngăn nổi một thoáng rùng mình lo lắng. Đến tuổi cắp sách, Thoại tỏ ra rất thông minh. Cậu đọc rất nhiều sách những nhân vật nổi loạn trong sách kiếm hiệp đã ý thức cho cậu một ước mơ lẽ công bằng.
Tướng cướp Sơn Vương toát lên sự hào hoa lịch lãm của một văn nhân
Những năm đầu thập kỷ 30, đường Hàm Nghi, có một chủ báo nhưng lại đi bán báo của mình trên chiếu trải cạnh lề đường. Đó là ông Nguyễn An Ninh, chủ bút tờ La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông rè). Một nhà các mạng, nhà báo nổi tiếng từng du học ngoại quốc, ông Nguyễn An Ninh còn là thủ lĩnh đảng Thanh niên cao vọng. Cho đến nay, ông Nguyễn An Ninh vẫn là một nhân cách lớn trong làng báo Việt Nam từ ngày còn sơ khai.
Năm 1926, Thoại cùng rất nhiều người đã bị Pháp bắt trên đường về sau khi đi nghe nhà báo Nguyễn An Ninh diễn thuyết. Nguyễn An Ninh đã viết bài tố cáo vụ bắt bớ này trên tờ báo La Cloche Fêlée của ông và gửi thư cho Thống đốc Nam kỳ báo rằng: nếu ai đã nghe ông diễn thuyết mà còn bị giam giữ và chết trong bót Catinat thì Thống đốc phải chịu trách nhiệm.
Thống đốc Cognacq e ngại bị tai tiếng ở thuộc địa nên hạ lệnh thả hết những người còn bị giam giữ. Nhưng, tại bót Catinat, các thanh tra mật thám vẫn muốn triệt hạ Nguyễn An Ninh tới cùng. Chúng cho phạm nhân ăn nhưng không cho uống; ai đòi nước sẽ được uống nước...muối. Ai không chịu nổi thì ký tên vào tờ khai đã lập từ trước để buộc tội Nguyễn An Ninh kích động dân làm loạn – ký xong thì cho về ngay. Số gan lì chịu đựng còn khoảng 60 người, trong đó có Trương Văn Thoại và anh trai. Học hết chương trình Cours Supérieur (lớp Nhất tiểu học, khoảng lớp 5 hiện nay) đủ vốn tiếng Pháp để đọc sách Tây; cậu bé đã bỏ ngang. Trương Văn Thoại đã quyết chí bỏ làng đi theo tiếng gọi giang hồ.
Duyên kỳ ngộ với hào kiệt
Nhiều năm trời Thoại lăn lộn khắp các ngọn núi Thị Vải, núi ông Trịnh, núi Mây Tào vùng Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu theo học một võ sư. Năm 1931, vị lão sư viên tịch, Thoại về Sài Gòn, sống lăn lóc cùng giới thợ thuyền khốn khổ. Anh ở trọ trên căn gác gỗ nay là ở đường Hồ Tùng Mậu, quận 1, dưới sự giúp đỡ của một người bạn cha mình. Ban ngày trải bao bên lề đường, Thoại hành nghề bán sách trên đường Hàm Nghi ngày nay.
Kém ông Nguyễn An Ninh 10 tuổi, nhưng cảm phục ý chí và sự nghiệp của ông, Trương Văn Thoại đã dần dần bước vào nghiệp cầm bút, trở thành một cộng sự đắc lực của tờ La Cloche Fêlée và nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Thoại lấy bút hiệu là Sơn Vương. Một cách chiết tự của chữ Hán, khi chữ Sơn và chữ Vương nằm trong chữ Thoại. Những bài báo của ông thổi vào công luận một dư âm lạ, đầy màu sắc bình dân và nỗi cảm thông sâu sắc tầng lớp bần cùng.
Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh giai đoạn bị cầm tù
Trong một cuốn sách, nhà báo Ngoạ Long kể: "Cậu Thoại từ Gò Công lên thẳng văn phòng Đông Pháp Thời báo và tình nguyện ở lại làm việc, bất cứ việc gì dù có lương hay không, miễn là được tham gia với Đông Pháp Thời báo để "thức tỉnh đồng bào"" .
Nhưng ở trong con người nghệ sĩ ấy, máu giang hồ và tinh thần hào hiệp vẫn lớn hơn đam mê cầm bút. Trong hơn hai năm, từ 1931-1933, Sơn Vương đã đơn thương độc mã, gây ra hàng chục vụ cướp kinh thiên động địa nhằm vào các phú hộ, địa chủ gian ác khắp các vùng từ Đồng Nai đến Sài Gòn, Long An nhưng tung tích vẫn không hề bị lộ. Những vụ cướp khiến giới giang hồ khi ấy âm thầm bái phục, nhưng không ai ngờ được người thực hiện chỉ là tay nhà văn dong dỏng cao hằng ngày vẫn bán sách ở vỉa hè giữa Sài Gòn.
Giữa năm 1933, duyên kỳ ngộ đưa Sơn Vương gặp gỡ và kết nghĩa huynh đệ với một thanh niên tên là Nguyễn Phương Thảo, người sau này nổi danh với cái tên Trung tướng độc nhãn Nguyễn Bình - Tư lệnh các lực lương quân sự Nam Bộ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Phương Thảo thua Sơn Vương 6 tuổi, quê ở Yên Phú, Hưng Yên. 17 tuổi, Thảo đã bỏ nhà vào Nam lập nghiệp. Sơn Vương tỏ ra cảm kích trước ý chí giang hồ của người bạn nhỏ tuổi nên tiếp Thảo khá nhiệt tình. Tương truyền, trung tướng Nguyễn Bình lừng lẫy đã nếm ly rượu đầu tiên trong buổi kỳ ngộ với Sơn Vương. Mới vào Nam, việc làm chưa có, Thảo ngỏ ý nhờ Sơn Vương tìm giúp. Để có vốn cho Thảo mở tiệm giặt là, Sơn Vương quyết định đi cướp, và rủ Thảo cùng đi.
Vụ cướp cuối cùng
René Gaillard vốn xuất thân là một tên cướp khét tiếng của đảo Corse. Cùng với anh ruột là Charlles Gaillard, hắn đã gây ra hàng chục vụ cướp của, giết người. Bị kết án chung thân khổ sai, hai anh em hắn đã nhiều lần vượt ngục ra ngoài để gây tội ác. Trong một vụ cướp, Charlles Gaillard bị bắn chết, với một đống tiền, René Gaillard trốn sang Đông Dương và nghiễm nhiên trở thành Phó giám đốc Hãng cao su Mimot ở Campuchia - giáp với tỉnh Tây Ninh, đồng thời là Quản trị viên công ty Caffort đường Catinat..
Sáng thứ Sáu đầu tháng 7 năm 1933, René Gaillard cùng tài xế và một vệ sĩ phóng xe đến Ngân hàng Đông Dương để lĩnh 50.000 đồng về phát lương. Gaillard không phải tay vừa, hắn đủ ma mãnh để sống và tồn tại ở xứ thuộc địa này, đủ tàn ác để kiếm tiền bằng mồ hôi và xương máu của dân Việt Nam. Nhưng hắn đã chủ quan khi không thèm để ý đến tay bán sách vỉa hè, hằng ngày vẫn ngồi phía đối diện nhà băng.
Năm Đường chỉ là một tay tài xế cho ông chủ Tây. Nhân lúc ông chủ đưa vợ con đi nghỉ mát, hắn nghe theo Sơn Vương đưa một chiếc Clément Bayard với biển số giả để đánh phi vụ này. Xe chở Sơn Vương, Năm Đường và Nguyễn Phương Thảo chạy thẳng về hướng Bà Quẹo, Năm Đường cho xe quay lại, dừng ngay trên cầu, vờ hỏng xe rồi lúi húi sửa chữa.
Xe René Gaillard đã xuất hiện từ xa. Đến nơi, thấy cầu bị chật chội mà xe lại đậu ngay trên đó, quen thói hỗn hào, Gaillard tức tối nhảy xuống xe, la hét chửi bới. Sơn Vương cười nhạt rồi đến bên cạnh trình bày hoàn cảnh hỏng xe bằng tiếng Pháp. Không nghe hết câu, Gaillard quát lớn:
- Muốn sửa thì đẩy qua chỗ khác!
Nhanh như cắt, họng súng của Sơn Vương đã xuất hiện ngay trước mặt hắn. Chủ lẫn tớ trong xe đều giơ tay, sợ hãi. Sơn Vương lẳng lặng giật lấy cặp tiền vứt vào xe cho Nguyễn Phương Thảo giữ, tước khẩu súng của tên vệ sĩ và quay lại nói với Gaillard mấy câu nhã nhặn:
- Phiền ông Giám đốc cho mượn đỡ một kỳ lương, tôi đang có việc cần.
Sơn Vương vừa nói, vừa vứt luôn khẩu súng của mình trên tay vào xe của Gaillard và nhanh chân tót lên xe Năm Đường chạy thẳng. Khẩu súng mà Sơn Vương dùng để cướp chỉ là …súng giả.
Vụ cướp táo tợn được đồn lan khắp Sài Gòn. Dân nghèo được một phen hả dạ, giới lục lâm Sài Gòn thầm khen tác giả của vụ cướp dù chẳng biết là ai. Nhưng với Sơn Vương, đó lại là tai hoạ và là vụ cướp cuối cùng trong cuộc đời ngang dọc.
5.000 đồng bạc Đông Dương cho bất cứ ai tìm ra tung tích thủ phạm. Tên Bazin - tên mật thám khét tiếng tàn ác đang làm việc tại bót Catinat thừa hiểu rằng, loại xe hơi Clément Bayard, cả Sài Gòn chỉ có hơn 10 chiếc. Và khi được gọi đến tên, Năm Đường quá sợ hãi, nhanh chóng ra đầu thú, nộp lại 10.000 đồng được chia sau vụ cướp, đồng thời khai ra tên Sơn Vương.
Ngày 16/8/1933, Sơn Vương bị bắt. Ông lại có dịp gặp lại Gaillard với chiếc roi gân bò trên tay:
- Mày cướp của tao 50.000 đồng, cứ 1.000 đồng tao lấy lại một roi. Mày chịu được mấy roi?
Sơn Vương cười:
- Bao nhiêu tôi cũng chịu, chỉ sợ ông mệt.
Điên tiết, Gaillard xông vào quật liên tiếp lên người Sơn Vương. Được một lúc, Gaillard đã quá mệt, mồ hôi vã ra như tắm. Thấy mình mẩy Sơn Vương đã nát bét, máu tuôn ra như suối, nhưng vẫn không nao núng. Gaillard vứt roi, khen:
- Mày chịu đòn quá giỏi, tao thua. Số roi còn lại, tao cho mày nợ.
Sơn Vương cười trong thân thể đã nát bét vì roi da.
- Không cần, ông cứ lấy cho đủ. Nếu thiếu, tôi sẽ cướp của những thằng nhà giàu khác để trả lại cho ông.
Đến đó, René Gaillard chỉ còn biết phục sát đất. Hắn tỏ ra khâm phục Sơn Vương, "để tỏ lòng kính trọng ông, ngày mở phiên toà tôi sẽ không đến dự". Và hắn đã giữ lời.
Một tháng sau, Sơn Vương bị Toà tiểu hình kết án 5 năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo. Là lần đầu tiên bị cướp, bị tù đày, nhưng đó mới là chương đầu tiên trong cuộc đời rất dài và đầy sóng gió của người tù thế kỷ có thời gian thụ án lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Infonet