Vẫn là ông nhà báo già N.H (nhân vật xin được giấu tên) trầm ngâm bên cuốn sổ cũ. Ông N.H kể lại cho chúng tôi nghe về câu chuyện của những tay giang hồ khét tiếng một thuở ở miền Nam. Khi kể về Bạch Hải Đường, giọng ông đều đều nhưng không kém phần thương cảm. Ông nhà báo già chia sẻ: “Thời chế độ cũ, xã hội loạn lạc là cơ hội cho bọn trộm cướp, đâm chém tung hoành. Nhưng Bạch Hải Đường là một tên cướp có phần nào đó đáng thương”.
Tuổi trẻ nhọc nhằn
Xuất hiện trong sách báo, phim ảnh, kịch, hay các vở cải lương, nhưng hoàn toàn không phải là hư cấu, Bạch Hải Đường là một nhân vật có thật. Bản thân hắn có lẽ cũng không biết được tại sao hắn lại có cái tên … Bạch Hải Đường.
Năm 1950, ngôi nhà lụp xụp của thị xã Long Xuyên đón đứa con trai đầu lòng của ông Nguyễn Văn Của và bà Lê Thị Huê chào đời. Thời ấy, cuộc sống nghèo khó, ông Của và bà Huê chỉ là những người lao động lam lũ. Ông quần quật bốc vác, bà cặm cụi bên giỏ bánh mì. Vốn dĩ, cuộc sống của họ đơn giản, hạnh phúc, lương thiện bằng chính mồ hôi nước mắt của mình.
Đứa bé tên Nguyễn Ngọc Truyện, khôi ngô và sáng sủa. Đứa bé sinh ra từ một mái nhà lương thiện, bằng hy vọng của mẹ cha, không hề có hận thù. Cuộc sống của Truyện cũng như của cả gia đình trôi đi trong êm đềm, hạnh phúc. Truyện được đi học, được cha mẹ yêu thương và đùm bọc như đa phần đứa trẻ khác.
Bốn đứa em gái ra đời sau Truyện làm cho gánh nặng trên vai ông Của, bà Huê thêm nặng nề. Bạch Hải Đường từ khi còn là Nguyễn Ngọc Truyện cũng đã tỏ ra là một đứa trẻ khó bảo. Lầm lì, ít nói, Truyện bỏ học khi mới đọc thông, viết thạo. Rồi hoàn cảnh xô đẩy, hắn bỏ nhà đi theo đám lưu manh tụ tập, chơi bời.
Nhưng cho đến khi lớn lên tuổi thanh niên, khác với các tướng cướp lừng danh cùng thời như Đại Cathay hay Điền Khắc Kim, Truyện vẫn chưa một lần ra tù vào tội. Lúc nhỏ thì đi nhặt nhạnh phế liệu ở bãi rác, lớn lên theo cha đi bốc vác khắp bến xe, bến tàu. Truyện dù ít học nhưng là đứa trẻ tự lập, ham chơi nhưng cũng còn biết thương mẹ cha.
16 tuổi, vắt vẻo đu xe đò tuyến Long Xuyên – Sài Gòn, Truyện đã là một thanh niên cường tráng. Chính những ngày này, Nguyễn Ngọc Truyện (tức Bạch Hải Đường) sau này mới chứng kiến được hết mặt trái của xã hội. Im lặng, cúi đầu trước cái xấu, nhiều lần, Truyện phải nhảy xuống xe, khom mình “chung” tiền cho đám bảo kê, côn đồ, dao búa để nhận được sự yên ổn. Lòng tự ái và tính bốc đồng khiến Truyện tự nghĩ rằng mình phải làm gì đó.
Ba năm làm phụ xe, cũng là ba năm Truyện theo học võ thuật và trở thành một cao thủ võ Thiếu Lâm. Sau này, tất cả các lực lượng tham gia bắt Bạch Hải Đường đều phải hết sức kinh ngạc về trình độ võ thuật và sức khỏe phi thường của hắn. Nhưng những ngày làm phụ xe, Truyện phải im lặng, chịu đựng. Hắn vẫn là một người lương thiện, sống bằng chính sức lao động, không phụ thuộc ai.
Trên những chuyến xe rong ruổi miền Tây - Sài Gòn, Bạch Hải Đường đã chứng kiến
nhiều trái ngang của xã hội thời ấy, và cũng khát vọng giàu sang.
19 tuổi, Truyện cưới người vợ đầu tiên, tên Hồ Thị Lãnh. Trốn quân dịch bằng cách theo vợ về Cần Thơ để sống, Truyện có thêm hai đứa con trai. Truyện làm nghề chạy xe lôi chở khách và chở hàng thuê để kiếm tiền nuôi vợ con.
Vợ yếu, con đau, nghề xe lôi bọt bèo chẳng đủ cho Truyện mua thuốc cho vợ con chứ chưa nói đến chuyện dư dả. Bản lĩnh trường đời với Truyện không phải ít, chứng kiến thêm những trái ngang, lòng hắn càng nhói đau, nhục nhã trước cảnh khốn khó, đớn hèn. Truyện không cam lòng.
Truyện vẫn ước mơ con cái sẽ không phải vất vả, nhục nhã như mình. Đưa vợ con quay về Long Xuyên và kiếm kế sinh nhai, đời Truyện vẫn không thoát được những trưa nắng gắt, đẫm mồ hôi vì còng lưng đạp xe chiếc xe lôi.
Bạn bè Truyện tại Long Xuyên như Năng, Sơn, Tâm, Trung, Triệu... cũng nghề nghiệp bấp bênh, cuộc sống cùng cực. Những buổi chiều say sưa bên chai rượu, họ ngồi lại và than thở số phận, mơ về những chiếc xe máy, ti vi cho mình, sách vở cho con, máy nghe nhạc và áo quần cho vợ. Không ai cấm người nghèo ước mơ, dù đó là ảo tưởng, nhưng với Truyện và bạn bè mình, nỗi nhục nghèo khó đã thấm thía đến mức không thể chấp nhận được.
Thành danh nhờ nghề… ăn trộm
Trong bản tự khai còn lưu lại ở cơ quan công an sau này, Bạch Hải Đường kể rằng: Chuyến ăn trộm đầu tiên của hắn là vào khoảng năm 1971 khi con đầu lòng ốm đau không có tiền thuốc men. Chiếc xe máy đầu tiên thành công đã đánh dấu cuộc “ra quân” của băng nhóm Truyện, Năng, Tâm… cũng đã là bước ngoặt đánh dấu sự xuất hiện của tướng cướp Bạch Hải Đường, tên cướp làm toàn bộ hệ thống bảo an chế độ cũ phải điên đảo và hoàn toàn bó tay.
Truyện khai: Đầu năm 1971, Bạch Hải Đường và một đàn em tên Tâm đột nhập vào một ngôi nhà Mỹ kiều tại Long Xuyên... 8 lần, lấy được 5 tivi, 5 máy thu thanh, 3 radio, 3 máy ảnh, 4 thùng rượu, 2 thùng thuốc lá Mỹ…, bán lại được khoảng 300.000 đồng (tiền chế độ cũ). Tháng 4-1971, Bạch Hải Đường và Năng lấy được 7 chiếc xe máy của người dân ngoài đường, bán được mỗi chiếc từ 20.000 – 25.000 đồng. Tháng 5-1971, hắn và Năng lấy được 20 xe máy...
Những tài sản mà Bạch Hải Đường lấy được, theo nhà báo N.H, là rất có giá trị vào thời điểm đó. Ông N.H kể: "Thời tôi còn trẻ, những năm đầu 1970, số lượng người đi xe máy ở Sài Gòn còn ít chứ đừng nói đến Long Xuyên. Thế mà, chỉ trong 1 tháng, Bạch Hải Đường đã “táy máy” hàng chục chiếc xe máy thì thật là …không tưởng”.
Đường phố trung tâm Sài Gòn trước năm 1975.
Nhưng những vụ đột nhập vào dinh thự của các quan chức Mỹ và sĩ quan chế độ cũ mới làm nên tên tuổi lừng danh của tay tướng cướp họ Bạch. Thậm chí, sau khi thực hiện những vụ trộm táo bạo, đang lúc cháy túi, hắn còn đột nhập vào nhà nạn nhân thêm lần nữa.
Khu nhà của ông chủ Chuẩn là nơi các bác sĩ nước ngoài trú ngụ. Một đêm nọ, Nguyễn Ngọc Truyện leo lên vách tường nhà chùa rồi leo qua nóc nhà đục mái chui xuống ngay phòng của một bác sĩ người Australia đang ngủ. Bạch đã “dọn dẹp” quần áo, đồng hồ đeo tay, một cái rương lớn, quạt máy, máy cassette... ra khỏi phòng và chuyển cho Năng. Ông Tây vẫn ngon giấc. Chỉ một tuần sau, Bạch Hải Đường “viếng thăm” lần nữa, nhưng là căn phòng của một bác sĩ người Mỹ. Lấy quần áo, cassette , đôla..., hắn bỏ lại khẩu súng ngắn, không thèm lấy.
(Trên thực tế, cuộc đời của Bạch Hải Đường chỉ một lần phải sử dụng đến súng. Điều ấy chứng tỏ được bản lĩnh ghê gớm của hắn trong các vụ đột nhập. Nhưng lần sử dụng súng ấy cũng đánh dấu chấm hết cho cuộc đời của tên tội phạm khét tiếng).
Mặc dù được canh gác vô cùng chặt chẽ, nhưng ở bất cứ căn nhà nào, Bạch Hải Đường đã muốn vào ăn trộm là phải được. Những căn nhà được hắn “ghé thăm” thường xuyên, những người đến ở phải cuốn gói đi chỗ khác.
Chính trong căn nhà của cậu ruột hắn ở đường Gia Long, thị xã Long Xuyên do mấy kỹ sư người Mỹ thuê lại, một đêm khi những người Mỹ đang ngủ say, Bạch vào nhà gom góp đồ đạc rồi chuyển ra ngoài cho đồng bọn. Hắn kể trong bản khai: đêm đó là lần đầu tiên trong đời hắn được ở trong phòng máy lạnh. “Dọn” nhà xong, hắn còn ngồi lại để thưởng thức thứ cuộc sống “vương giả” với cái máy lạnh một lát. Sau đó, đói quá, xuống nhà bếp tìm cái ăn rồi tranh thủ dọn luôn nồi niêu, chén bát. Vài tháng sau, có hai người Nhật đến thuê nhà trên để ở, Bạch lại đột nhập cuỗm đi một số tài sản lớn. Sau hai vụ trộm, ông Bảy, cậu ruột Bạch Hải Đường, méo mặt vì không khách nào dám thuê nhà nữa.
Một lần Bạch và Năng, Triệu cùng đến căn cứ hải quân ở gần kho xăng Quản Trung Hòa, cắt hàng rào thép gai chui vào. Sau khi vào một căn nhà trong căn cứ lấy được rất nhiều quần áo, cassette, đồng hồ, máy may, tiền... Toàn bộ đồ đạc lần này phải chất đầy... hai xe lôi để đưa về.
Một bãi xe tại miền Nam thời trước năm 1975.
Những giai thoại đã tô điểm thêm cho tên tuổi tên tướng cướp miền Tây. Theo một giai thoại, nghe lời thách thức của đám giang hồ Cần Thơ thách ai vào nhà một sĩ quan phi công, và để lại dấu tích bằng việc lấy ra một chiếc mũ. Bạch Hải Đường đón xe về Cần Thơ, đêm đó, hắn cắt kẽm gai chui vào nhà. Thấy một chiếc trực thăng đậu trên trên tầng thượng, hắn lấy chiếc mũ phi công, một đôi bao tay, một bao đồ đạc và một xấp giấy tờ. Vài ngày sau, hắn nhờ người mang trả lại xấp giấy tờ. Với giai thoại đó, Bạch được xưng tụng như “đại ca” của các tướng cướp xứ miền Tây.
Cũng có vài lần bị phát hiện, nhưng Bạch may mắn thoát chết. Một lần vào nhà một bác sĩ, sau khi ra ngoài, hắn lại vào tìm chìa khóa nhà để mở két sắt thì một người đàn ông Mỹ phát hiện. Người đàn ông Mỹ dùng súng bắn một phát nhưng không trúng. Bạch cố vác bao đồ bỏ chạy, nhưng kế hoạch mở két sắt đã bất thành.
Một lần khác qua nhà bạn ở Rạch Giá, Kiên Giang, Bạch cũng đã vào nhà người nước ngoài hai lần. Một lần vào nhà của người Mỹ, một lần là nhà người Hoa để... trộm xong nhà người Hoa thì bị phát hiện, tri hô, Bạch chạy bán sống bán chết, chạy thẳng về Long Xuyên. Người nhà này tri hô, hắn bỏ chạy bán sống bán chết.
Nhưng dù thế, Bạch Hải Đường trở thành một cái tên đáng sợ với bất cứ ai vì hắn có thể vào bất cứ nơi nào hắn muốn. Chỉ bằng những vụ trộm trong hai năm ấy, Bạch Hải Đường dù chẳng bao giờ phải dùng vũ lực với ai, không bắn, không chém, nhưng cũng đã được xếp ngang hàng với các tên tuổi như Đại “Cathay”, “con ngựa điên” Tín Mã Nàm, hay “tướng cướp cô đơn” Điền Khắc Kim.
Chỉ trong 2 năm, với gần 50 lần đột nhập vào nhà của cảnh sát, bác sĩ, sĩ quan pháo binh, thiết giáp, nhà của phi công, dân biểu hạ viện, căn cứ quân sự, kho xăng... những nơi mà điều kiện về an ninh vô cùng nghiêm ngặt, Bạch Hải Đường đã làm đau đầu hệ thống cảnh sát, chính quyền thời điểm đó.
Thế rồi, những giai thoại lại được thêu dệt về hành tung bí ẩn của tên trộm lừng danh. Họ gọi hắn là “tướng cướp Bạch Hải Đường”, một cái tên “mĩ miều” mà chính hắn cũng không biết vì sao mình lại được gọi. Có người còn coi hắn như một tay giang hồ hào hiệp, cướp của người giàu chia cho người nghèo, chuyên đột nhập vào nhà người Mỹ và các sĩ quan cảnh sát, quân đội cao cấp chế độ cũ. Kỳ thực hắn chỉ là một tên trộm rất khôn ngoan. Từ thời đó, những cuốn sách, kịch bản điện ảnh, sân khấu cải lương về Bạch Hải Đường khiến hắn càng thêm nổi tiếng.
(Còn tiếp)
Bưu Điện Việt Nam