Vụ việc xảy ra tại xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) vào giữa năm 2011 làm người ta nghẹn lòng không chỉ thương đứa trẻ vô tội, mà còn oán hờn cặp vợ chồng ngu dại mê muội thiếu hiểu biết.
Bé sơ sinh “tự biết bò ra sông tự sát”?
Đêm một ngày đầu tháng 4/2011, khi mọi người trong gia đình Nguyễn Thị Đậm (SN 1988) đang say giấc thì chợt bừng tỉnh vì nghe thấy tiếng la thất thanh của bà mẹ vừa mới sinh con chưa đầy 3 tuần: “Con tôi đâu rồi? Ba mẹ ơi, con của con đâu rồi?”. Mọi người trong nhà cùng hoảng hốt chạy vào buồng ngủ của con gái xem có chuyện gì xảy ra thì chỉ nghe tiếng khóc lóc thảm thiết của Đậm: “Ai đã bắt con tôi đi mất rồi?”.
Quan sát khắp căn phòng, tìm kiếm tất cả mọi nơi trong và ngoài nhà nhưng mọi người cũng không thấy đứa bé mới sinh đâu. Biết là cháu bé đã gặp chuyện, mọi người cùng đổ xô đi tìm, đồng thời điện báo chính quyền địa phương và hô hoán bà con lối xóm cùng hỗ trợ tìm kiếm. Trong gần chục tiếng đồng hồ, hàng trăm lượt người đã “quần nát” cả khu vực xung quanh nhà, chốt chặn các nẻo đường ra vào ấp nhưng vẫn chưa phát hiện được điều gì khả nghi.
Khu vực nơi hung thủ vứt đứa con mới sinh
Đến khoảng 10h sáng cùng ngày, một người dân gần đó khi đi ngang qua đoạn sông giáp ranh giữa xã Xà Phiên và xã Thuận Hòa (cùng thuộc huyện Long Mỹ) vô tình nhìn thấy ở khoảng nước trống giữa mặt sông đặc kín lục bình (bèo tây - PV) có một thi thể trẻ em nổi lên lềnh bềnh. Sau giây phút hoảng hồn, người này đã hô hoán mọi người dân xung quanh đến chứng kiến, đồng thời điện báo công an xã đến giải quyết. Lập tức xác cháu bé được mang lên đặt trên chiếc bao bằng ni lông và không khó để mọi người nhận ra đó chính là đứa con mới đẻ còn chưa kịp đặt tên vừa mất tích đêm trước.
Nhận thấy cháu bé chết một cách bất thường, công an xã một mặt tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường đồng thời cấp báo đến cấp trên. Công tác khám nghiệm tử thi lập tức được tiến hành ngay khi đoàn khám nghiệm vừa đặt chân tới.
Bác sĩ pháp y ghi nhận: Tử thi là một bé gái mới sinh được khoảng 20 ngày tuổi, bên ngoài còn mặc áo lạnh dài tay màu hồng, bên trong mặc áo vải dài tay màu trắng và quần thun màu trắng; khám ngoài tử thi không phát hiện tổn thương do bị ngoại lực tác động… và đi đến kết luận nạn nhân chết do bị ngạt nước.
Điều này gần như đồng nghĩa với việc cháu bé chết là do bị mưu sát, vì một đứa bé mới được mười mấy ngày tuổi không thể “tự bò” được ra đến đây để mà rơi xuống sông rồi bị chết đuối; chắc chắn có người đã ẵm cháu bé ra đến đây rồi quẳng cháu xuống để sát hại.
Xác minh được biết, trước khi bé gái bị phát hiện là mất tích thì cháu ngủ chung với mẹ trong buồng, phía ngoài là ông bà ngoại, cha và cậu út ngủ. Trước lúc mọi người trong nhà đi ngủ thì vẫn thấy Đậm cho con bú, sau đó cũng không thấy có người lạ vào nhà, vậy vì sao cháu bé lại bị mất tích? Về quan hệ xã hội thì cả nhà này không gây thù oán, xích mích sâu đậm với ai đến mức phải bị trả thù dã man như vậy. Về kinh tế, gia đình cũng chỉ làm ruộng, không dư giả gì để bọn xấu có thể nhắm đến mà bắt cóc tống tiền.
Như vậy rất có khả năng cháu bé chết vì những mâu thuẫn, xung đột trong chính gia đình mình. Nhận định này càng có cơ sở khi các điều tra viên thu thập được nhiều thông tin cho thấy trước khi vụ án xảy ra, vợ chồng Đậm đã nảy sinh nhiều bất đồng, cãi vã hàng ngày, và mâu thuẫn càng nghiêm trọng từ khi đứa trẻ chào đời.
Vì vậy chính cha mẹ ruột của đứa bé xấu số mới là những “đối tượng tình nghi số một” nằm trong tầm ngắm của công an. Khi bị triệu tập đến cơ quan điều tra để thẩm vấn, chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau, Đậm đã khai nhận mình chính là hung thủ đã sát hại đứa con mà mình mới vừa “dứt ruột đẻ ra còn chưa khô rốn”.
Lời nói “giết” đứa con
Hung thủ khai nhận sau khi học hết lớp 4, nhà quá khó khăn nên Đậm nghỉ học về nhà phụ giúp cha mẹ. Đến năm 2009 thì Đậm kết hôn với Phạm Văn Huy (SN 1980; ngụ xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp) và về nhà chồng. Ở với nhau được vài tháng thì Đậm có thai nhưng lại không may sảy mất. Đến khoảng tháng 7/2010, cô mang thai lần hai và lần này về nhà cha mẹ đẻ để “dưỡng thai và sinh con”. Hành động này khiến người chồng không hài lòng, cũng không muốn chịu cảnh “ở rể” nên anh chỉ đi đi về về ghé thăm chứ không ở hẳn nhà cha mẹ vợ.
Giữa tháng 3/2011, Đậm sinh được một bé gái nhưng vẫn chưa đặt tên cho con. Không biết người chồng quan sát như thế nào hoặc có suy nghĩ gì mà buông ra câu nói cực kỳ dửng dưng: “Đứa con sinh ra sao không giống anh? Em ngủ với thằng khác phải không?”. Mặt khác tuy lúc này anh chồng đã đến ở nhà cha mẹ vợ để chăm sóc cho vợ mới sinh nhưng vẫn nhiều lần đòi vợ con phải về nhà mình sinh sống nhưng không được vợ chấp nhận. Người chồng đòi bỏ hai mẹ con Đậm khiến thiếu phụ chán nản, buồn rầu.
Rạng sáng ngày 02/4/2011, khi cho con bú Đậm nghĩ lại việc chồng đòi bỏ mình và con, đồng thời còn nói đứa bé không phải là con của anh ta nên cảm thấy rất buồn và tủi thân. “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào khiến trong đầu cô nảy sinh một ý nghĩ điên rồ là đem đứa con mới sinh vứt bỏ xuống kênh cho chết.
Quan sát thấy mọi người trong nhà đang ngủ say giấc, Đậm một mình ẵm con từ trong mùng rồi bước xuống đất đi ra cửa sau, đi dọc theo bờ ruộng ra đến bờ kênh, nhìn thấy dưới kênh lục bình dày đặc có một lỗ trống không vướng víu liền thả đứa con xuống đó. Sau đó ả quay vào nhà bằng đường cũ, thay đồ, rửa chân tay và vào mùng ngủ như không có chuyện gì xảy ra. Ngủ được khoảng một tiếng đồng hồ, ả thức dậy, giả bộ la lên cho mọi người hay là con mình đã bị mất tích. Đậm đã lừa gạt được những người trong gia đình nhưng đã không qua mắt được công an và phải cúi đầu nhận tội.
Sau khi thu thập và củng cố đầy đủ các chứng cứ, công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Đậm để điều tra về Tội giết người. Dù hung thủ đã khai nhận tội nhưng trong quá trình tiếp xúc, lấy lời khai, cảnh sát nhận thấy diễn biến tâm lý của bị can này rất bất thường, nhận thức có nhiều hạn chế; hơn nữa xác minh nhân thân thì được biết Đậm có một người cô ruột và một người anh con bác ruột cũng đã bị bệnh tâm thần nên cơ quan chức năng đã đề nghị trưng cầu giám định tâm thần để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Giữa năm 2011, Viện pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam đã có bản kết luận: “Về y học: Trước, trong và sau khi gây án đương sự bị bệnh rối loạn tâm thần và hành vi nặng kết hợp với thời kỳ sinh đẻ, không phân loại khác, bệnh đang trong giai đoạn tiến triển.
Về pháp luật: Đương sự gây án trong giai đoạn mắc bệnh, không đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh vì có hành vi nguy hiểm cho xã hội”. Từ những căn cứ này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đồng thời áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng từ ngày 10/6/2011.
Một chi tiết không ghi trong hồ sơ vụ án, đó là có nguồn tin cho rằng trước đó mẹ của Đậm có đi xem bói thì thầy phán đứa bé không bình thường khi có tai hơi lớn; điều này đã khiến vợ chồng Đậm “xung khắc”, lục đục hoài, góp phần kích động tâm lí của bà mẹ trẻ vốn đã rất căng thẳng do việc cự cãi với chồng. Đậm thoát tội và người chồng, người mẹ của Đậm cũng “vô can” sau những lời nói vô trách nhiệm, nhưng rồi đây lương tâm có tha thứ cho lỗi lầm họ đã gây ra?
Phapluatvn