Tống Thị: Dâm phụ khuấy đảo triều Nguyễn
Chính sử triều Nguyễn chỉ có vài dòng vắn tắt cho biết, Tống Thị là người đàn bà "chọc trời khuấy nước" trong lịch sử xứ Đàng trong nửa đầu thế kỷ XVII. Bà là vợ của Nguyễn Phúc Anh (Kỳ), trấn thủ Quảng Nam, con dâu chúa Sãi; chị dâu và tình nhân của chúa Thượng, nhưng về sau, tư thông với Chưởng dinh Nguyễn Phúc Trung (em ruột chúa Thượng) nhằm mưu toan tạo phản. Kết cục, bà bị chúa Hiền xử tử.
Sách Đại Nam Thực lục tiền biên chép: "Tống Phước Thông (bấy giờ làm cai cơ) trốn về với họ Trịnh. Con gái đầu của Phước Thông là Tống Thị lấy hoàng tử Kỳ, sinh được ba con trai. Phước Thông mừng cho rằng, sau này được vinh hiển. Khi Kỳ mất, Phước Thông đại thất vọng, bèn dẫn gia quyến lẻn ra ngoài cửa Eo (nay là cửa biển Thuận An) trốn đi, duy có Tống Thị ở lại".
Ảnh minh họa.
Giống những người đàn bà lừng danh trong lịch sử, Tống thị hành động theo sức đẩy của hai tham vọng lớn: quyền lực và của cải. Bà có bí quyết "sát" quân vương độc nhất vô nhị. Một số tài liệu cho biết, "ngải yêu" của Thị là chuỗi hoa vòng ngọc liên châu. Vào năm Kỷ Mão (1639), Tống Thị đã dâng chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan thứ bùa đó. Chúa cầm lên ngửi thấy mùi hương thơm ngát, lòng dạ bắt đầu "phiêu phiêu". Thêm nữa, mỹ nhân sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh goá bụa thảm thiết, khiến chúa cho phép người đẹp được tự do vào ra vương phủ… Lòng say mê dâng cao qua những lần gặp gỡ và em chồng - chị dâu đi vào ái ân hoan lạc bất luận đêm ngày… Nhưng cuối cùng, do lời điều trần của Phạm Nội tán, Tống Thị bị thất sủng.
Nhằm xoay chuyển tình thế, dâm phụ Tống Thị đã viết một mật thư kèm theo xâu chuỗi trăm hoa, nhờ người dâng lên tận tay chúa Trịnh Tráng, để kích động bạo loạn, nếu cuộc Nam phạt thành công, bà xin về Đàng ngoài hầu hạ Chúa. Nào ngờ quân Trịnh Tráng thua lớn, Tống Thị vỡ mộng, chuyển qua "ve vãn" Nguyễn Phúc Trung và nghĩ là chỉ có ông ta mới lật đổ được cháu mình - Chúa Hiền. Thế là, với kỹ thuật ái ân “tía rụng hồng rơi”, dâm phụ đã chinh phục được lòng nịch ái, đắm say của một võ quan hung bạo và sau đó, xúi Trung đứng ra làm phản, bắt mối với Đàng ngoài.
"Việc bị bại và Trung bị giam xuống ngục, rồi chết. Còn Tống Thị, tang vật đã rõ ràng không thể chạy chữa gì nữa, bị chém và bêu đầu giữa chợ. Theo lệnh Chúa, tịch thu gia sản to lớn của Tống Thị phân phát cho quân, dân trong vùng", sách Đại Nam Thực lục tiền biên ghi.
Đặng Thị Huệ: Tham vọng quyền lực, gây sóng gió phủ Chúa
Đặng Thị Huệ là người đàn bà nổi tiếng tài sắc và đầy tham vọng quyền lực giàu sang; đã gây sóng gió trong phủ Chúa Trịnh hồi cuối thế kỷ 17, song kết cục cũng thật bi thảm.
Sử sách chép rằng, Thị Huệ có nguồn gốc xuất thân nghèo khổ, là cô gái hái chè quê ở làng Phù Đổng, huyện Đông Anh, Bắc Ninh (nay là Hà Nội). Vì có nhan sắc, nói năng nhanh nhẹn, làm việc hoạt bát nên Thị Huệ được phủ Chúa chọn vào làm thị tỳ cho một trong những bà Tiệp Dư của Trịnh Sâm là Trần Thị Vinh. Xét về thứ bậc, Tiệp Dư chỉ là vợ thứ của Chúa, cho nên thị tỳ của vợ thứ chẳng danh giá gì. Tuy nhiên, Đặng Thị Huệ lại khôn khéo tận dụng mọi cơ hội để mở lối tiến thân và đã thành công.
Sách Hoàng Lê Nhất thống chí chép: “Ả được đặc ân ở chung với chúa, cứ y như một cặp vợ chồng những nhà thường dân. Mọi vật dụng như xe, kiệu, áo quần... đều được sắm hệt như của Chúa…”. Huệ đòi mọi thứ, kể cả việc hỏi con gái Chúa là Công nữ Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân, một kẻ nổi tiếng có tính hung bạo, dâm dật và càn rỡ...
Năm 1777, Đặng Thị Huệ hạ sinh hoàng nam, Chúa yêu dấu khác thường, lấy tên của mình ngày còn nhỏ đặt tên cho đứa bé là Cán, tỏ ra giống mình. Cán được một tuổi đã có tướng mạo khôi ngô và tư chất thông minh. Rồi biết Chúa cưng chiều Cán, Đặng Thị Huệ âm mưu giành ngôi thế tử cho con. Bà tìm được đồng minh là Quận Huy công Hoàng Đình Bảo.
Đặng Thị Huệ hối thúc Trịnh Sâm lập Cán làm thế tử và Chúa Trịnh cũng nghe theo, dù Cán mới 5 tuổi. Và nhân thời điểm Chúa Trịnh Sâm bị bệnh trĩ, luôn ở trong cung; Đặng Thị Huệ tự ý xếp đặt công việc, gài tay chân giữ những vị trí then chốt trong phủ Chúa… Năm Tân Sửu (1781), bệnh tình của Sâm nặng thêm và qua đời. Đặng Thị Huệ thông đồng với Quận Huy lập Cán lên ngôi chúa. Tuyên phi nghiễm nhiên trở thành người điều khiển triều chính giúp con.
Tháng 10 cùng năm, binh lính Tam phủ nổi loạn, truất ngôi Cán, giáng xuống làm Cung quốc công, đập phá nhà cửa, giết Quận Huy cùng thân thuộc phe cánh. Họ đón Trịnh Tông lên ngôi vương, phong là Nguyên soái Đoan Nam vương. Phe cánh Đặng Thị Huệ bị truy lùng và trả thù. Và kết cục là Huệ bị truất xuống thứ nhân, sau uống thuốc độc chết.
Công nữ Ngọc Cầu: Khiến Chúa "dính" tội loạn luân
Sau khi hoàn thành công cuộc Nam tiến, trong những năm cuối đời, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát đâm ra say mê tửu sắc, không còn thiết tha việc nước. Nguyên do là vì người em con con chú - ái nữ của Nguyễn Phúc Điền, công nữ Ngọc Cầu có nhan sắc kiều diễm trang đài của một tiên giáng trần.
Biết chúa là người hiếu sắc, người cậu thâm độc Trương Phúc Loan đã tìm cách tạo điều kiện cho Ngọc Cầu thường xuyên ra vào trong Vương phủ và gần gũi Vũ Vương. Kết quả của những lần lăn lóc ái ân vụng trộm, bà Ngọc Cầu đã mang thai với ông anh và sinh ra một công tử. Cũng từ đó, Công nữ Ngọc Cầu nghiễm nhiên trở thành một cung phi được sủng ái bậc nhất, nhưng trong lòng lúc nào cũng thường trực âm mưu làm sao cho mình phải chính thức là Vương phi và con bà phải nối nghiệp Chúa.
Để xây dựng thế lực cho mình, Ngọc Cầu đã tỉ tê bên tai Chúa, giúp anh em của mình đều được trọng dụng ban quyền cao, lộc hậu. Cụ thể, Nguyễn Phúc Viêm (anh bà) làm Chưởng thủy cơ, Nguyễn Phúc Nghiêm (em Viêm) giữ chức Nội hữu, Chưởng dinh quản Bộ Lại, Bộ Binh, lãnh Tả phủ Chưởng phủ sự dinh Quảng Nam.
Tuy nhiên, về con của Võ Vương với Ngọc Cầu là Nguyễn Phúc Thuần, vì không thoát khỏi mặc cảm loạn luân, Chúa đã không được lập kế vị như mong muốn của người đẹp. Thấy vậy, Ngọc Cầu lo lắng bàn với Trương Phúc Loan tìm cách đối phó. Khi Võ Vương qua đời, Ngọc Cầu và Trương Phúc Loan không chịu phát tang, lập tức cho gọi 100 võ sĩ nấp sẵn trong vương phủ, rồi gây ra một cuộc tàn sát, rồi tôn Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi.
Có thể nói, từ loạn luân đến loạn nước, tội của Ngọc Cầu khó thể tha thứ.
Đất Việt