Và mọi bi kịch trong cung cấm cũng bắt đầu từ đây. Để rồi, mãi sau này, nhiều người còn bảo, dù chúa Trịnh Sâm có anh minh đến mấy thì cũng vì đàn bà mà khổ sở, chuốc ưu phiền vào thân.
Công chúa Ngọc Lan. Ảnh minh họa
Quá tự phụ với những chiến công
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, (1739 - 1782) là vị chúa Trịnh thứ 9 thời Lê Trung Hưng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, ông cai trị từ năm 1767 đến 1782. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Ông là con trưởng của Minh Đô Vương Trịnh Doanh. Năm Ất Sửu (1745), ông được lập làm Thế tử. Trịnh Doanh tỏ ra cẩn trọng việc nuôi dạy con, bổ dụng 2 tiến sĩ là Dương Công Chú và Nguyễn Hoàn làm tư giảng cho Trịnh Sâm. Tháng 10 năm Mậu Dần (1758), Trịnh Doanh phong cho ông làm Tiết chế thuỷ bộ chủ quân, Thái uý Tĩnh Quốc Công mở phủ Lượng Quốc và hết thảy công việc triều chính được giao cho Trịnh Sâm làm.
Mùa xuân năm Đinh Hợi (1767), Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi, tiến phong là Nguyên Soái Tổng Quốc Chính Tĩnh Đô Vương. Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán. Từ nhỏ, ông đã học được đến nơi đến chốn: có đủ tài văn võ, đã xem khắp kinh sử và biết làm thơ. Lên ngôi chúa, từ kỷ cương triều nội đến chính sự cả nước, Trịnh Sâm cho sửa đổi lại vì cho rằng phép tắt triều trước là nhỏ hẹp, nay Trịnh Sâm muốn làm to rộng hơn, nên nhiều phần tự quyết đoán, không theo lệ cũ.
Tại triều, ngay năm đầu lên ngôi, em ông là Trịnh Lệ mưu giết ông để thoán đoạt. Trịnh Lệ cũng là người sáng suốt có cơ mưu và trí dũng. Gặp lúc cha chết, Trịnh Lệ mật hẹn với Dương Trọng Khiêm và Nguyễn Huy Bá làm gia khách định ngày giết Trịnh Sâm. Việc bị lộ, Phạm Huy Cơ và đồng đảng bị giết, Trịnh Lệ bị tống giam.
Ngay sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Sâm đã tìm cớ sát hại thái tử Lê Duy Vĩ - con vua Lê Hiến Tông - là người có ý khôi phục quyền bính cho họ Lê. Năm Kỷ Sửu (1769), vì ghen ghét tài năng đức độ của Duy Vĩ, Trịnh Sâm đã vu tội cho thái tử, sai người bắt giữ, truất ngôi và tống giam khiến Lê Duy Vĩ phải chết trong ngục.
Năm 1769, ông sai Đoàn Nguyễn Phục đánh bại quân khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài của con Hoàng Công Chất (vừa qua đời) là Hoàng Công Toản tại vùng núi phía Tây Bắc. Năm sau, (1770), ông lại dẹp được cánh quân khởi nghĩa cát cứ vùng Trấn Ninh suốt 30 năm của hoàng thân Lê Duy Mật, buộc Lê Duy Mật tự tử. Từ đó Trịnh Sâm kiêu mãn, cho mình có công lớn, bốn cõi yên ổn hơn mọi đời chúa trước, nên tự tiên phong là Đại Nguyên Soái Tổng Quốc Chính, Thượng Sư Thượng Phụ, Duệ Đoán Văn Công Võ Đức Tĩnh Vương.
Năm Giáp Ngọ (1774), nhân Đàng Trong có biến do Tây Sơn nổi dậy, ông sai Hoàng Ngũ Phúc làm thống tướng đem quân vào Nam đánh chúa Nguyễn. Để tăng thêm thanh thế cho binh sĩ Nam chinh, tháng 10 năm đó, ông đích thân cầm quân kéo vào Nghệ An. Quân Trịnh chiếm được Thuận Hoá và đặt quan cai trị đất Thuận Quảng. Trong số những người tham gia trấn trị có Lê Quý Đôn, tác giả sách Phủ biên tạp lục và Đại việt thông sử.
Sau khi chiếm được Thuận Hoá, Trịnh Sâm có phần thỏa mãn với công trạng đạt được. Việc bố phòng ở phương nam không được chú trọng. Trong cung, ông sủng ái Tuyên phi Đặng Thị Huệ, yêu con thứ của Tuyên phi là Trịnh Cán. Nhân vụ án năm Canh Tý (1780) - con trưởng là Trịnh Tông định chiêu binh làm loạn, ông truất ngôi thế tử của Trịnh Tông và lập Trịnh Cán lúc đó mới 3 tuổi làm thế tử.
Việc vì quá cưng chiều Đặng Thị Huệ không những xảy ra việc tranh quyền đoạt lợi, mà còn để lại mối họa sâu lớn cho Trinh Sâm mà mãi sau này lịch sử coi như bài học lớn. Đó là việc chúa Trịnh Sâm có hai người con gái do Chánh phi sinh ra. Trưởng quận chúa đã yên bề gia thất. Thứ nữ Trịnh Thị Thuyên phong tư, nhan sắc thanh tú, còn êm đềm trướng rũ, màn che. Chúa rất mực yêu quý, đặt hiệu là Ngọc Lan, cho ở trong cung Thủy tinh, cho ngồi cùng mỗi khi vào chầu.
Chúa sợ vợ ép duyên con?
Sách Hoàng Lê Nhất thống chí chép: "Con gái của Trịnh Sâm tên là Trịnh Thị Ngọc Lan rất yếu đuối, từ nhỏ vẫn được Chúa Trịnh Sâm cho ở trong cung Thủy tinh, luôn phải kiêng nắng gió. Nơi Ngọc Lan ở, Chúa bắt thị tỳ phải đi nhẹ, nói khẽ, không được làm cho nàng giật mình. Khi Ngọc Lan đã lớn, mỗi lần vào thăm, Chúa đều cho ngồi cạnh như thuở còn bé. Bất cứ điều gì Ngọc Lan cầu xin, Chúa cũng chiều theo. Bấy giờ, công thần quý tộc từng tới cầu hôn nhưng Chúa chưa ưng gả cho ai. Có lần, Chúa xuống lệnh cho các quan văn võ vào phủ để Ngọc Lan tự ý kén chọn, nhưng nàng chẳng bằng lòng ai. Đến đây, Đặng Thị Huệ cầu hôn Ngọc Lan cho em trai mình, Chúa sợ mất lòng nên bất đắc dĩ gượng nhận lời.
Lại nói, Đặng Mậu Lân vốn là một tên hung bạo. Từ khi Đặng Thị Huệ được Chúa yêu dấu, Lân lại càng ỷ vào thế chị để làm những việc càn rỡ. Hết thảy áo quần, xe kiệu của y, nhất nhất đều rập kiểu theo đúng như của vua chúa. Thường ngày, Lân vẫn đem theo vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú.
Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu, Lân xẻo luôn đầu vú. Chồng hoặc cha kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca, lập tức Lân sai quân vặn gãy răng, hoặc cũng có người bị đánh đến chết. Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói.
Một số tài liệu cho biết, Ngọc Lan chỉ mới nhìn thấy Đặng Lân một lần từ xa, nhưng chuyện về y thì người hầu vẫn kể cho công chúa nghe. Từ khi Chúa đồng ý gả cho Lân, buổi đầu, Ngọc Lan thấy Chúa thật đáng trách, nhưng sau đó vì lòng hiếu thảo, công chúa buộc phải nghe lời. Song, nỗi lo sợ Đặng Mậu Lần ngày càng lớn.
Vì rõ bản tánh mất nết của Đặng Lân, Chúa Trịnh Sâm rất xót con, bèn lấy cớ rằng Ngọc Lan còn bệnh đậu mùa chưa khỏi hẳn, để không cho phép Đặng Lân hợp cẩn. Vậy nên, Đặng Lân cứ mỗi lần vào với công chúa thì lại bị nội giám Sử Trung (người được chúa cho đi theo để bảo vệ công chúa) ngăn cản. Lúc đó, Lân tức giận bảo: "Chúa bảo con gái là tiên dưới trần, nhưng ta coi ra, thật không bằng con bé ở xách giày nhà ta, có quý hoá gì? Đây ta không phải ham gì nhan sắc của nó; nhưng tốn kém mất bao nhiêu tiền của mới lấy được một con vợ, nếu không ra hồn thì cũng phải vần một trận cho nẫu nhừ ra như bùn, để đền đắp lại sự phí tổn, rồi bấy giờ sẽ tống cổ nó đi. Còn mày, mày muốn sống muốn tốt thì hãy tìm đường kiếm nẻo mà bước đi. Kẻo nữa lại kêu ta không bảo trước".
Đặng Lân quát và bắt nội giám Sử Trung đi chỗ khác, nhưng ông khăng khăng không chịu vì đã nhận lệnh chúa. Một lần không thể kiềm chế, Lân tuốt gươm chém chết Sử Trung... và nói: "Chúa là cái quái gì? Mày thử về hỏi Chúa mày xem, nếu ở hoàn cảnh như ta thì liệu Chúa mày có chịu nổi không?. Thậm chí, không những không sợ hãi, Lân còn tuốt gươm đứng chắn ở cửa quát: "Đứa nào dám vào đây thì chết ngay". Ngọc Lan nghe chuyện, sợ quá, lập tức bảo một thị nữ chui qua một lỗ hở nhỏ chạy về phủ Chúa báo tin. Chúa phải sai Quận Huy đem quân bao vây, tróc nã mới bắt được Lân. Chúa lập tức giao xuống cho đình thần nghị án. Triều thần bèn tâu: "Giết sứ giả nhà Chúa, tội đáng chém bêu đầu".
Tuyên phi Đặng Thị Huệ nghe tin, gào khóc với Chúa xin chết thay em. Cuối cùng, Chúa không thể xử theo luật, đành theo tình riêng, giảm tội chết xuống thành tội đi đày ở châu xa. Theo sách Tang thương ngẫu lục, sau khi Tuyên phi và Cung Quốc công (Trịnh Cán) bị phế, Đặng Lân bị bắt bỏ ngục rồi nhịn ăn mà chết, vào khoảng năm 1782. Sự mền lòng của chúa Trịnh sâm khiến nội cung bất ổn, triều chính bấn loạn mấy phen xem như là bài học cho thế hệ mai sau.
Người đưa tin