Cụ Vương Hồng Sển kể lại, các nhà giàu xưa thuở trước, nhiều người hút thuốc phiện cho đến ghiền. Cũng như rượu, người Pháp giữ độc quyền phân phối thuốc phiện trên toàn cõi Đông Dương. Còn nhà văn Hứa Hoành thì viết, thuốc phiện được người Pháp du nhập vào nước ta từ trên Lào xuống. Họ đánh thuế nhẹ, giá rẻ gần như khuyến khích... nhằm đạt mục đích đầu độc, ru ngủ dân ta cho dễ cai trị.
Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, Sài Gòn dày đặc các tiệm hút
và thuốc phiện có ma lực, khiến giới nhà giàu, vũ nữ
đào hát... say đắm.
Cũng theo nhà văn Hứa Hoành, ở Sài gòn, tại đường Lefèbre (sau là Nguyễn Công Trứ), xéo xéo Đông Dương Ngân Hàng, có 3 tiệm hút. Mỗi tiệm có mặt tiền bằng ván ghép, cửa đóng kín mít. Ở cửa đi vô, có khoét một lỗ hình vuông dài, phía trong có chong đèn đầu. Cạnh lỗ có treo tấm bảng bằng thiếc sơn, vùng trên có chữ nổi Régie Opium. Khách tới, đẩy cửa hông bước vào, thì thấy anh chàng khách trú ngồi đó. Qua khỏi quầy thì vào trong căn phòng dài, có kê vách tường một bộ sạp gỗ, dài cỡ 5 tới 7 thước, có bày gối bằng sành. Khách gọi thì họ đem bàn đèn lại và hỏi “ngao tài” hay “ngao xỉu?”. Đây là các đơn vị thuốc phiện trong tiệm hút để hút tại chỗ.
Thuốc phiện bán tại Régie Opium được đựng trong hộp. Hộp lớn đựng một lượng (37g5) thuốc phiện, hộp vừa đựng 5 chỉ. Còn hộp nhỏ đựng 2 chỉ. Hộp đựng á phiện bằng nhau. Khách mua hút tại chỗ, có thể mua ngao tài (thứ lớn) có thể hút từ 3 tới 5 điếu, hoặc có thể mua ngao xỉu (thứ nhỏ) chỉ hút có hai điếu. Hai người rủ nhau vào tiệm hút có thể mua một ngao tài chia nhau mỗi người 2 điếu hút cũng đủ say.
Nổi tiếng trong số đó là tiệm hút của ông Hai Thóc (người Bắc) gần sòng bạc Kim Chung; tiệm hút của ký giả Tùng Sơn trong xóm đình Phú Thạnh toạ lạc trên đường Lê Văn Duyệt, gần chợ Đũi và sát lưng chợ Vườn Chuối. Bà Tùng Sơn giữ phần tiêm thuốc cho khách, pha trà và gọt trái bôm, trái xá lỵ mời khách. Sau đó bà ngâm thơ theo điệu Tao Đàn rất hay.
Khách hút thường trực nhất của các tiệm hút là giới nhà báo, văn nhân và đào kép cải lương. Nhiều nghệ sĩ có tài, có sắc, nhưng vì là đê tử của nàng tiên nâu, nên nhiều người chết trẻ, thân tàn ma dại. Như cô Sáu Huỳnh Kỳ, ngôi sao trong gánh Huỳnh Kỳ - Trần Đắc có giọng kim đồng bất hủ, nghe thật cao vút trong trẻo và lảnh lót mỗi khi cô ca tới câu “... chuông đồng hồ điểm boong boong, em lắng nghe 12 tiếng” thì thính giả cảm thấy xương sống mình tê rần ngay. Vì rằng khi hát tới hai chữ “boong, boong” giọng cô ngân nga, dư vang lanh lảnh như tiếng chuông... Về sau, cô bị mê hoặc bởi thuốc phiện, phải bỏ nghề, rồi sau thì chết treo cổ.
Trong khi đó, cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà) được các nhà văn, nhà báo tiền bối mô tả như Ngôi sao Sài Gòn, Huê Khôi Nam Kỳ, Bà hoàng vũ trường, sòng bài Sài Gòn. Sắc đẹp của Cô Ba Trà đã trở thành niềm mơ ước của tất cả người Sài Gòn, Lục tỉnh. Nhà văn, hoạ sĩ lão thành Phạm Thăng kể rằng: "Hồi trước tôi có được xem một tấm hình huê khôi Ba Trà, là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn, đăng trên bìa một tờ báo, lâu quá không nhớ tên".
Trong quãng thời gian 20 năm làm người đàn bà đẹp, cô Ba Trần Ngọc Trà không chỉ lần lượt "đốn ngã" hàng loạt những tay chơi hào hoa giàu có bậc nhất Sài Gòn, mà cả Nam Vang, Băng Cốc. Song vì mê nàng tiên nâu và ngụp lặn trong "đỏ - đen", đến cuối đời thì cô quả là không xu dính túi. Năm 1936, người ta bắt gặp Trà làm công ở một tiệm hút tồi tàn trong Chợ Lớn... để hưởng sái thuốc phiện.
Có thể nói rằng, để tận hưởng "cái sự sung sướng" thì thuốc phiện thật có ma lực, khiến người ghiền rồi... thì chỉ có làm tôi tớ cho nó và sống theo bản năng.
Đất Việt