Theo gia tộc Công tử Bạc Liêu, khi bàn về chuyện làm giàu của Hội đồng Trần Trinh Trạch cũng lắm giai thoại... Hồi đó, ở xứ Bạc Liêu, ai được ông Hội đồng mời đến chơi cũng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì không phải dễ gì được kết thân với một gia tộc quyền thế bậc nhất ở miền Tây này; còn lo vì sợ đánh bạc. Hội đồng Trạch vốn là một tay cờ bạc khá, đêm nào nhà ông cũng sáng đèn đến tận khuya. Khách không có tiền ông bảo gia nhân mở tủ lấy tiền cho khách mượn với một câu nhẹ hều: “Lấy tiền của ông mà chơi, tính toán gì, miễn khách vui thì gia chủ mừng”. Tiếng là “lấy chơi” không tính, thế nhưng, đã có không biết bao nhiêu đất đai, ruộng vườn của các địa chủ nhỏ rơi vào tay Hội đồng Trạch một cách hợp pháp vì... thua bài.
Ông Hội đồng Trạch thỉnh thoảng cũng lên Sài gòn ghé các sòng bạc của thầy Bảy Phương, thầy Sáu Ngọ để chơi, nhưng chỉ thích “đánh bài theo kiểu cò con”, chứ không giỡn tiền, ngắt từng xấp bạc đặt xuống chiếu bài như các con của ông, mà điển hình là cậu Ba Trần Trinh Huy, sau này được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu.
Nếu ông Hội đồng nhờ đánh bài mà thu gom đất điền... làm giàu, thì ngược lại, cậu Ba Huy lại "nướng" tài sản cho các tay cờ bạc bịp ở Chợ Lớn. Không hẳn cậu Ba không biết, mà cậu chấp nhận và cho rằng, phải tiêu tốn một phần gia sản mới xứng mặt là dân sành điệu. Thuở đó, Trần Trinh Huy chỉ vào chơi bời ở Continental, Majestic, vào cercle đánh một cây bài đôi ba chục ngàn là chuyện thường - lúa lúc ấy 7 cắc một giạ...
Ảnh minh họa.
Không kém cạnh Công tử Bạc Liêu, theo nhà văn Hứa Hoành, nhờ thừa hưởng sự nghiệp đồ sộ của cha để lại, cậu Hai Miêng (Huỳnh Công Miêng, con Lãnh binh Huỳnh Công Tấn) ăn xài huy hoắc, phá phách, coi tiền như rác.
Dư luận Gò Công vẫn lưu truyền giai thoại về cậu Hai Miêng: Lúc mới về nước, cậu chỉ thích võ nghệ, luyện côn quyền (một loại võ khí cổ, chỉ dùng sức mạnh), múa kiếm. Cậu nổi tiếng anh hùng khắp xứ. Vì không muốn bị ràng buộc, làm tay sai cho Pháp, cậu trả chức tước Pháp ban cho. Hàng ngày, cậu đi đá gà, uống rượu, hối me (một thứ cờ bạc) thả giàn. Có lần cậu đi xuống Giồng Tháp để hốt me, nhiều đàn em theo để mang một bao bạc giấy, thứ bạc con cò, rất có giá trị hồi cuối thế kỷ 19. Cậu Hai Miêng cầm chén hốt me, có các thủ hạ là Bảy Danh, Ba Ngà, Tám Hổ lo vừa tiền và chung tiền.
Nhà văn Hứa Hoành cũng cho biết, trong các thú vui ở miền Nam thời trước, đá gà cũng là môn rất phổ thông; chỗ nào cũng chơi đá gà, dù có lệnh của hội bảo vệ gia súc Pháp cấm. Nhiều gia đình mê đá gà đến chỗ tán gia bại sản. Tại Rạch Gầm, chợ giữa Mỹ Tho, có trường gà của ông Chủ Trước, nổi tiếng là nơi quy tụ của các nhà giàu vùng Tiền Giang. Trường gà thầy Tường ở dầu kinh xàng Xà No, gần Cái Răng; trường gà Hội đồng Điếu Bạc Liêu là nơi quy tụ các đại điền chủ, các quan phủ, huyện, công tử... khắp Hậu Giang.
Nếu kể các tay chơi đá gà nổi tiếng thời đó, những người lớn tuổi như cụ Vương Hồng Sển thường nhắc: Ở Sóc Trăng có ông chủ On, tên thật là Trần On, làm hương chủ làng Nhâm Lăng, công tử con quan đàng con. Bao nhiêu đất cát châu thành Khánh Hưng đều là của tổ phụ ông chủ On để lại. Chủ On là người mê chơi đá gà khét tiếng. Mỗi lần cá độ phải ăn thua bạc ngàn trở lên (trên dưới 1000 giạ lúa). Ở quận Kế Sách, có ông Hàm Cang (Trần Như Cang) cũng là một tay chơi đá gà có hạng, ăn thua bạc ngàn. Con ông Cang là công tử Ba Oai cũng kế nghiệp cha, trường gà nào cũng thường hay có mặt.
Tại Tân An, có anh em ông Hội đồng Vận và ông Cai Nguyên, cũng là những nhà giàu lớn. Các ông vừa chơi đá gà, đua thuyền và đánh cờ tướng. Lúc đó, tại đây, trường gà Hội đồng Vận là nơi quy tụ các nhà giàu, các ông phủ, huyện, ông phán, thơ ký, các thầy cai, đội trong tỉnh. Còn trường gà Tám Kiểng là chỗ dành cho giới lao động bình dân, ai tới chơi cũng được...
Có thể nói, thời trước, nhiều gia đình giàu quá, không biết xài cách nào cho hết tiền, nên con cái cứ thế thỏa sức phung phí và cờ bạc là chuyện xưa nay lúc nào cũng "ghiền".
Đất Việt