Thì thụt nấu rượu lậu
Hồi tôi còn bé, những năm đầu thập kỷ 1980, mẹ tôi cứ mỗi tuần lại cất một mẻ rượu. Đó là bí mật mà ai cũng biết. Bí mật vì hồi đó hành vi của mẹ tôi được gọi là nấu rượu lậu, rượu hợp pháp phải là rượu quốc doanh. Thế nhưng các gia đình và hàng quán xung quanh đều biết rượu của mẹ tôi là ngon nhất, uống lại không bị đau đầu. Đó là vì mẹ kết hợp phương thức nấu rượu truyền thống với khoa học, nhờ mấy thiết bị chưng cất bằng thủy tinh “mượn tạm” ở phòng thì nghiệm, nơi mẹ làm việc, giúp loại bỏ các chất độc.
Việc sản xuất rượu của mẹ diễn ra lặng lẽ, trong tiếng thì thầm của cả nhà. Hễ nước nóng từ vòi chảy ra nhiều nhiều một chút, mẹ lại nói nhỏ: “Gọi các em ra tắm đi con”. Thỉnh thoảng, mẹ rỉ tai tôi: “Trông bếp cho mẹ tí, nhớ đừng để lửa to kẻo rượu khê mất”. Khi những dòng rượu đầu tiên chảy xuống, trong vắt, bố tôi lại nếm thử và thì thầm: “Ngon ngon”. Tôi thích chí hét toáng lên: “Ngon lắm hả bố? Cho con nếm thử”, lập tức bố mẹ để tay lên miệng suỵt suỵt. Khách đến nhà tôi mua rượu, hai bên cũng đều thì thà thì thụt như buôn bạc giả.
Rượu ngon lại bán rẻ nên theo như mẹ nói thì chỉ lấy công làm lãi. Cái lợi lớn nhất là con cái có cơm rượu để ăn nhằm hỗ trợ tiêu hóa, những hôm cất rượu thì cả nhà có nước ấm để tắm, bố tôi không phải uống rượu độc hại ở ngoài và “lãi” nhất là có cả thùng bỗng rượu để nuôi lợn.
Hồi đó, tôi không thấy nhà ai không nuôi lợn. Ngay cả giai đoạn sống ở khu tập thể cao tầng, những ai không “xí phần” được mảnh đất bên dưới để dựng chuồng thì đều chia nhau căn đầu hồi, nuôi lợn trên tầng cao. Các bác, các chú cứ lên lớp giảng bài thì đạo mạo, về nhà lại quần xà lỏn, áo may-ô thủng lỗ chỗ múc nước tắm cho lợn. Tiếng lợn đói réo eng éc, mùi phân lợn nồng nặc lúc nào cũng treo trên đầu mọi người.
Lúc bố mẹ tôi mua được đất bằng tiền bán cái máy khâu, rồi chuyển về đó ở trong căn nhà dựng tạm, tôi bắt đầu gia nhập đội trẻ con chuyên đi hái rau lợn trong xóm. Chúng tôi cứ lang thang bờ bụi, lội xuống mương, hễ có gì lợn ăn được là tha về hết, nếu không kiếm được gì mới phải cắt rau lang hay hạ cây chuối trong vườn băm cho lợn ăn. Lợn nhà tôi lại được bồi bổ bằng bỗng rượu nữa nên cứ lớn vù vù, mỗi lần xuất chuồng là mấy chị em lại được mua cho món gì đó mới.
Thời bao cấp, hầu như nhà nào cũng nuôi lợn tăng gia. Ảnh: Internet.
Cũng liên quan đến lợn, hồi đó thỉnh thoảng trong xóm lại có một ông đạp xe đi qua, rao rất “to mồm”: “Ai hoạn lợn đê!”. Chó và trẻ con cả xóm đuổi theo suốt dọc đường, chó thì sủa, trẻ con thì vừa cười vừa hét: “A hoạn lợn, ông hoạn lợn, ông ăn cà lợn, hô hô hô!!!”. Có vẻ như trẻ con hồi đó có tí tuổi mà chuyện tế nhị gì cũng biết. Thỉnh thoảng khi một nhà nuôi lợn nái mời người ta đến thụ tinh cho lợn, trẻ nhà đó lại rủ bạn bè "đến xem con lợn nhà tao bị bơm vào chỗ ấy”.
Khi thầy giáo thành “con buôn”
Bố tôi đi dạy được mười mấy năm thì về nghỉ mất sức. Thấy vợ con nheo nhóc, ông quyết tâm vận dụng kiến thức khoa học để kiếm tiền, nhưng công việc nào cũng chỉ “ăn” được một thời gian ngắn. Đầu tiên là một nghề nghe khá kêu: phân kim vàng bạc. Tóm lại ai có bạc xấu, vàng kém tuổi hay vụn vàng vụn bạc cứ đem đến cho bố tôi dùng phương pháp hóa học loại bỏ tạp chất, làm cho chúng nõn nà. Có đợt ông mua bạc linh tinh về phân kim thành bạc nõn cung cấp cho các hiệu kim hoàn để họ chế tác.
Khi nghề này không “kiếm” nữa, ông chuyển sang làm kem giặt. Mấy chị em giúp bố mẹ giã cao lanh trắng đến sụn cả lưng, rồi lại ngồi dùng bàn là để dán bao bì, người ngợm ê ẩm. Một thời gian sau, cả xóm, cả người quen, họ hàng đều dùng kem giặt nhà tôi vì vừa tốt vừa rẻ, nhưng cũng vì tốt và rẻ mà chả có lãi, cả nhà lại phải tiếp xúc suốt ngày với hóa chất nên chẳng mấy chốc mà bố tôi quyết định bỏ.
Trong khi chưa nghĩ ra “chiêu” làm ăn gì mới, bố pha một một thùng mực cho mấy chị em tôi bán, dĩ nhiên giá chỉ bằng một nửa ngoài cửa hàng. Thỉnh thoảng vào buổi trưa hay chiều, trẻ con trong xóm mang lọ đến í ới gọi tôi: “Mực mày ơi”. Giá mỗi lọ hình như 50 đồng, lâu lâu mới bán được một lọ, bố bảo “bày ra để chị em mày chạy ra chạy vào cho vui chứ ăn thua gì”.
Dự án làm ăn tiếp theo của bố là chưng cất tinh dầu từ các loại cây lá có hương thơm. Sản phẩm cực tốt nhưng chẳng ma nào mua, tôi cũng không hiểu người ta có thể làm gì với thứ đó. Thất bại này khiến bố tôi kết luận, kiến thức khoa học chẳng mài ra mà ăn được, tóm lại là phải làm con buôn thôi.
Mẹ tôi vay giật các nơi, bán nhẫn hồi môn, bán gỗ dành làm nhà cho bố góp vốn đi buôn với người ta. Ngoài một đợt bố mang hải sản khô về chất đầy nhà, tôi chả nhớ bố buôn cái gì, chỉ nhớ là sau vài vụ kinh doanh như thế, ông cựu nhà giáo bị bạn hàng lừa, mất sạch vốn liếng, mất luôn cả cái mộng học đòi làm con buôn.
Những đứa trẻ quấn thuốc lá
Xung quanh nhà tôi, các gia đình chẳng ai không “làm kinh tế”. Nhà chú Thung có 5 cô con gái, nhà nước chỉ bao cấp cho 2 cô, số còn lại thì vì đã lỡ “sinh voi” nên vợ chồng chú phải lo "kiếm cỏ" cho chúng ăn chứ không chờ trời được. Một trong các nghề của họ là cuốn thuốc lá. Đồ nghề cực đơn giản: mỗi người một cái bàn cuốn mà đến trẻ con cũng bắt chước chế ra được, một tập giấy mỏng, một hộp sợi thuốc và một chén hồ. Điếu thuốc dài quấn xong được dùng kéo cắt đôi, xếp vào túi nylon 20 điếu một, hơ trên ngọn đèn dầu để dán lại, nhập cho các quán nước.
Chú Thung và vợ sáng,chiều đi dạy, trưa và tối cặm cụi quấn thuốc. Mấy đứa con lớn cứ đi học thì thôi, về nhà là lao vào quấn. Hình như công việc này cũng kiếm được, vì thuốc lá thủ công này giá rẻ hơn thuốc "có nguồn gốc xuất xứ" nhiều; vì thế nên nhà họ mới nuôi nổi 5 “con bươm bướm”.
Cạnh đó là nhà cô Liên, chuyên làm lạc rang húng lìu. Trẻ con trong xóm nghe nói đến món này là thèm rỏ dãi, nhưng cái thứ thơm ngọt đó không dành cho trẻ con mà cho người lớn, dĩ nhiên là đàn ông, khi uống rượu. Mỗi gói lạc dài chừng 12 – 15 cm, bé bằng 2 ngón tay, chắc chỉ đựng được vài chục hạt lạc.
Bọn nhóc cứ chiều tối là kéo nhau sang nhà cô Liên xem cô rang lạc rồi đóng gói, đứa nào cũng xin làm giúp để thỉnh thoảng nhón trộm hạt lạc cho vào mồm. Nhưng lòng vả cũng như lòng sung, mấy đứa con cô biết thừa nên ngồi xem thì được, chứ làm giúp là chúng đuổi xoe xóe. Bản thân chúng cũng nuốt nước bọt chứ quyết không ăn vụng lạc của mẹ.
Cô Liên là nhân viên đánh máy của cơ quan nên cũng kiêm luôn nghề đánh máy thuê, dĩ nhiên là sử dụng “cơ sở vật chất” của cơ quan, tức cái máy đánh chữ già nua và những tờ giấy than được dùng đi dùng lại đến hết cả mực. Có điều, cũng được đồng nào hay đồng đó thôi chứ hồi ấy nhu cầu đánh máy không nhiều, ít ra là ở khu tôi sống.
Bác Thiết làm công nhân thì treo tấm biển “nhận hàn dép” ngoài cổng, ai cần thì đến gọi. Hồi đó làm gì có chuyện ra đường là phải giày với xăng đàn như bây giờ. Có đôi dép lê bằng nhựa để đi học, đi làm là oách lắm rồi, có đứt thì phải dán đi dán lại cho đến lúc không dán nổi nữa mới đành bán cho đồng nát.
Khi nhận dép rách, bác Thiết sẽ làm nóng con dao, xẻo một miếng nhựa từ chiếc dép cũ đã “vô phương cứu chữa” khác, có màu tương đồng, rồi lại làm nóng con dao, miết vào miếng hàn và chỗ dép đứt, cho đến khi nối được chúng với nhau. Tiền công chẳng đáng bao nhiêu, ấy thế nhưng đối với sự nghèo của dân thời bao cấp, một hào cũng quý. Vì thế nhiều nhà tự dán dép cho mình và con cái, dù nhiều khi dép vàng lại dán miếng nhựa màu xanh, tay nghề không có nên nó cứ lồi lên một cục chỗ xanh, chỗ đen sì. Nói chung, chuyện người thời đó đi một đôi dép chi chít sẹo lồi như thế là thường.
Có một nghề thu nhập rất khá nhưng khi nghe nói đến, nhiều người thời đó tỏ thái độ khinh khi, đó là nghề “phe phẩy”. Giữa thời hàng hóa khan hiếm, nghề này kiếm ác, nhưng cũng đòi hỏi phẩm chất khôn ngoan, năng động, nhạy bén vốn không có nhiều ở thời bao cấp. Có điều khi ấy, sự nhạy bén đó bị cho là khôn lỏi, ma mãnh kiểu con buôn, gần như đồng nghĩa với vô đạo đức. Nói đến phe phẩy là người ta ghét, có lẽ một phần do ghen tỵ thấy những kẻ “vô đạo đức” lại được ăn sung mặc sướng hơn mình. Con cái những nhà đó vênh mặt vì có áo đẹp nhưng lại không bao giờ được khoe một cách dõng dạc: “Bố tao/mẹ tao là dân phe”.
Sau mấy chục năm, những đứa trẻ lớn lên bằng đồng tiền dán dép, chăn lợn, quấn thuốc lá… của bố mẹ ngày ấy giờ đã là chủ nhân của nền kinh tế thị trường. Nhưng những ngày thơ ấu sống trong thiếu thốn, nghèo khổ, sẽ không ai quên.
TTTĐ