Thơ tình trong… toilet
Hầu như chẳng có bức tường hay cánh cửa toilet công cộng nào mà không bị viết hay vẽ lên, thậm chí không còn một chỗ trống, hình này chồng lên hình kia, dòng chữ này đè lên dòng chữ kia, trong đó có… thơ.
Nếu từng sống trong thời bao cấp, dù ở miền Bắc hay miền Trung, hẳn bạn từng nghe mấy câu nhại thơ tình Xuân Diệu này: “Đố ai cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/ Gặp em đi ‘hát’ ở nhà tiêu/ Về thương rồi nhớ, thế là yêu”. Trong các dị bản, câu cuối được sửa thành: “Chia nhau tờ giấy, thế là yêu”, hoặc: “Nhường nàng đi trước, thế là yêu”.
Theo anh Nguyễn Văn Huân, 38 tuổi, quê ở Thái Nguyên, hồi còn bé, anh và đám bạn bè trong khu tập thể thường ngân nga mấy câu “thơ” đọc được ở mặt ngoài cánh cửa nhà vệ sinh như sau: “Gặp em nhà xí chiều tà/Chìa tay xin giấy thế là yêu nhau/ Việc gì hò hẹn nơi đâu/ Cứ ra nơi ấy chia nhau mà ngồi”. Hễ thấy cô bé hoặc chị nào đi qua, đám con trai lại gọi ời ời rồi đọc toáng mấy câu này lên, cười hô hố, khiến nạn nhân hoặc đỏ mặt cúi đầu mà bước cho nhanh, hoặc quắc mắt lên mắng cho té tát. Có cô dữ dằn còn rút cả dép ra dọa ném.
Huân nói thêm, cái câu “chìa tay xin giấy” kia cũng bắt nguồn từ một thực tế oái oăm nhưng rất quen thuộc ở các nhà vệ sinh công cộng: đó là nhiều khi gặp “tình huống bất ngờ” không kịp chuẩn bị, người ngồi bên này phải gọi với hay thò tay sang buồng bên cạnh xin giấy.
Nhiều câu thơ tình của Xuân Diệu, Nguyễn Bính… cũng được viết lên tường, lên cửa toilet, nguyên bản, không xuyên tạc, có đoạn dài đến nỗi khiến “độc giả” băn khoăn tự hỏi người chép nó ra chẳng hay có bị táo bón hay không. Ngoài thơ, nhà vệ sinh còn là nơi người ta viết những lời nhắn gửi, tỏ tình.
“Thôi thì đủ loại, nào ‘Thủy ơi anh yêu em’, nào ‘kỷ niệm mối tình Toàn – Luyến, 1982’, nào ‘Nhớ mãi mùa thi, nhớ mãi mối tình đầu, Nga yêu Trung’… Viết bằng phấn cũng có, bằng gạch nung cũng có, than cũng có. Kèm theo là hình vẽ trái tim bị mũi tên xuyên thủng, hay hình đôi trai gái bên nhau”, chị Linh, 43 tuổi, sống ở Hà Nội, kể.
Nhưng phổ biến nhất trên tường toilet công cộng là những câu cảnh báo giữ gìn vệ sinh, thậm chí nhiều câu mang sắc thái giận dữ, đe dọa. Mấy câu dưới đây được viết trên tường rất nhiều nhà vệ sinh ở Bắc Bộ: “Ai ơi bắn trúng mới tài/Bắn trúng ra ngoài kỹ thuật còn non”, nhằm nhắc nhở những người không biết vì thiếu ý thức hay thiếu kỹ thuật mà làm bẩn sàn toilet.
Một toilet công cộng vẫn tồn tại gần đây ở Hà Nội.
Ảnh: VNN.
“Bài thơ” này sau đó được những người khác nối dần từng hai câu một: “Còn non thì mặc còn non/ Bắn trật vài hòn thì đã làm sao?”, rồi người khác tiếp: “Làm sao là nghĩa thế nào?/ Bỏ trật không vào là mất vệ sinh”. Có kẻ ngang như cua đáp lại một cách thật củ chuối: “Vệ sinh thì mặc vệ sinh/ Kỹ thuật của mình chỉ có thế thôi”. Đáp lại là: “Thế thôi thì hãy ra ngoài/ Luyện tập thành tài thì hãy vào đây”. Và dưới đây là câu chốt: “Thơ hay thì thật là hay/ Bỏ tiền túi quét vôi ngay bức tường”.
Toilet biết… sủa
Tình hình “đầu ra” khó khăn như vậy nên để phục vụ trẻ con, những đứa chưa đủ tuổi xông pha vào “địa hình nguy hiểm” như nhà vệ sinh công cộng, ngoài chuyện dùng bô, nhiều nhà áp dụng giải pháp nuôi chó. Có một khung cảnh cực kỳ quen thuộc thời bấy giờ, kể cả ở các thành phố: Đứa trẻ ngồi xổm trên nền đất, mấy con chó đứng chầu hẫu bên cạnh, vẫy đuôi chờ đợi.
Đứa bé vừa đứng lên là chúng xông tới, nhiều khi tranh nhau, cắn nhau loạn xị, đớp cả vào “chim” tiểu chủ. Nhiều cậu bé có thói quen chờ chó dọn xong dưới đất thì chổng mông cho nó “vệ sinh” luôn cho mình. Đôi khi chú chó tiện thể dọn nốt cả “cơ quan phát triển dân số” của cậu chủ. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, trong số những quý ông đến tạo hình lại cơ quan sinh dục ở đây, không ít người bị “mất” do chó táp phải trong cái tình huống ấy, vào cái thời ấy.
Tình trạng nhếch nhác, bẩn thỉu của hệ thống toilet công cộng còn sản sinh một tệ nạn khác, hiện diện từ nông thôn đến thành phố, đó là thói “đi bậy”, mà thủ phạm không chỉ có trẻ con. Địa điểm áp dụng thì ôi thôi, vô cùng phong phú và đa dạng, từ vườn hoa, công viên đến bờ sông, bãi cỏ, từ sân bóng đến vỉa hè, đường phố, vườn nhà hàng xóm, sân thượng nhà tập thể, thậm chí cả sân ủy ban… Người ta bước ra khỏi nhà, chỉ cần không cẩn thận là có thể đạp ngay phải “mìn”.
“Hồi đó mấy thằng nhóc bọn tôi có cái thú buổi tối rủ nhau trèo lên bức tường hợp tác xã, ngồi vắt vẻo trên đó, chìa mông vào trong và… xả đạn, chênh vênh thế mà chẳng đứa nào ngã, anh Lâm, 43 tuổi, kể. “Có lần, đang sung sướng hưởng cái thú quận công cách mặt đất gần mét rưỡi như vậy thì ai đó xịt chó từ phía sau lưng nhảy chồm tới. Cả lũ chưa kịp vệ sinh, chẳng kịp kéo quần, nhảy phốc xuống chạy, từ đó mới chừa”.
Trên một diễn đàn online, có anh kể chuyện những năm 1980: “Khu em ở gần chục hộ mà chỉ có 2 hố xí nên bọn em toàn phải sang vườn hoa Hàng Đậu gần nhà. Cả hội ngồi lên ghế đá theo cặp, hai đứa một ghế, hôm nào hội đông cũng phải 5 - 6 ghế lố nhố. Sướng nhất là thoáng, mát và sạch sẽ vô cùng”.
Và “tai nạn nghề nghiệp” cũng đã xảy ra. Có buổi tối cả hội đang “làm quận công” trên ghế đá thì mấy cô gái cùng phố đi bộ qua, chắc vì mất điện nóng quá nên ra vườn hoa hóng mát. “Gần như cả hội lấy báo che ‘súng’ và nhe răng cười, duy nhất có một thằng lấy báo che mặt, chấp nhận show hàng. Thế là hôm sau cả lũ con gái trêu mấy thằng che ‘súng’, còn chả biết thằng che mặt là thằng nào mà trêu”.
Rất nhiều gia đình cãi nhau mất cả tình làng xóm vì “nhà mày có vườn sao không ‘ấy’ lại ‘ấy’ sang vườn nhà tao”. Nhiều người, đang đêm đau bụng, ngại trời tối không muốn mò ra toilet, bèn “giải quyết” ngay vào bọc rồi hôm sau tìm cách phi tang trong đống rác. Những chuyện kinh dị như vậy, tưởng không thể nào có thật được, vậy mà xảy ra rất nhiều, cho thấy sự khó khăn thiếu thốn có thể làm người ta trở nên cao thượng hơn nhưng cũng có thể làm người ta trở nên bẩn tính hơn.
Bây giờ, ngay cả ở nông thôn, nhà vệ sinh cũng đã được coi trọng và xây dựng sạch đẹp. Nhưng đây đó ở một số nơi, thậm chí ngay Hà Nội, vẫn có những khu toilet công cộng cũ nát và mất vệ sinh, gợi nhớ lại cái thời cách đây mấy chục năm, khi người ta phải sống trong điều kiện đáng sợ đến thế.
TTTĐ