Đất nước lâm nguy
Năm 1258, quân Nguyên Mông thất bại trong cuộc chiến xâm lược Đại Việt với mưu đồ mở con đường phía Nam nhằm tấn công vào Nam Tống. Đến năm 1279, Nam Tống hoàn toàn bị đội quân Nguyên Mông thôn tính.
Vậy nên, mối nhục thua trận tại Đại Việt ta khiến nhà Nguyên hừng hực mưu đồ trả thù. Năm 1281, Hốt Tất Liệt đòi vua Trần Nhân Tông vào chầu. Vua Trần Nhân Tông từ chối và cử chú mình là Trần Di Ái đi thay.
Vua Nguyên nhân cơ hội này phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương và gửi thư cho vua Trần thông báo việc lập Di Ái thay vua Trần. Ngày 27 tháng 11 năm 1281, nhà Nguyên thành lập An Nam tuyên úy ty và cử Buyan Tamur làm An Nam tuyên úy sứ đô nguyên soái, Sài Thung và Qugar làm phó.
Khoảng đầu tháng 1 năm 1282, Sài Thung được lệnh đem hơn 1.000 quân người Hán trong quân đội Nguyên hộ tống Trần Di Ái về Đại Việt làm vua. Tuy nhiên, vua Trần Nhân Tông đã cho người đón đánh khiến Trần Di Ái trốn về nước Nguyên, chỉ còn Sài Thung sang.
Sau sự kiện này, dù nhà Trần đã nhiều lần cố gắng nhân nhượng để giữ nền hòa bình cho dân tộc, song nhà Nguyên lại không ít lần lấn tới, đưa ra những yêu sách ép buộc khó chấp nhận như phải cung cấp binh lương cho nhà Nguyên chinh phạt Chiêm Thành…
Thêm vào đó, Sài Trung cũng ngày càng trở nên hống hách hơn ngay giữa triều đình nhà Trần. Trước thái độ dứt khoát của triều đình nhà Trần, quân Nguyên đã quyết định tấn công Đại Việt ta.
Quân Nguyên chia làm ba đạo tiến đánh Đại Việt. Đạo chủ lực do Thoát Hoan và Ariq Qaya chỉ huy từ Ninh Minh tiến vào Lộc Châu (nay là Lộc Bình, Lạng Sơn).
Ngày 27 tháng 1 năm 1285 (dương lịch tức tháng 12 năm 1284), đạo quân này chia làm 2 mũi tiến quân, một do Bolqadar chỉ huy theo đường Khâu Ôn (nay là Ôn Châu, Lạng Sơn), một do Satartai và Lý Bang Hiến chỉ huy đi theo đường núi Cấp Lĩnh (tức là từ Lộc Bình đi Sơn Động ngày nay).
Thoát hoan bỏ chạy
Đại quân của Thoát Hoan đi sau mũi thứ hai của Satartai và Lý Bang Hiến. Sau khi vượt qua ải Khả Ly, quân Nguyên tiến tiếp tới ải Động Bản.
Tại đây, do thế giặc quá mạnh nên quân ta không cầm cự được. Tướng Trần Sâm bị chết. Đến ngày 2 tháng 2 năm 1285, quân Nguyên chia làm 6 mũi ồ ạt tấn công ải Nội Bàng nơi quân Trần tập trung một lực lượng lớn và có đại bản doanh của Trần Quốc Tuấn.
Quân địch quá lớn nên quân Trần bị tổn thất tương đối nặng nề. Tướng Đoàn Thai của Đại Việt bị bắt. Trong khi đó, cánh quân của Bolqadar đã qua ải Chi Lăng. Trần Quốc Tuấn phải thu quân về Vạn Kiếp. Một lực lượng lớn quân Trần tập trung ở Vạn Kiếp, bao gồm cả lực lượng từ Nội Bàng rút về.
Phát hiện thấy Đại Việt có hơn 1.000 thuyền đóng ở gần Vạn Kiếp, Thoát Hoan liền cho quân đi tìm và đóng gấp thuyền chặn đường rút của đối phương. Ngày 11 tháng 2, thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy tấn công vào Vạn Kiếp và các trại quân Trần ở Chí Linh. Đại kịch chiến đã xảy ra. Tướng Nguyên cấp vạn hộ là Nghê Nhuận bị tử trận. Tuy nhiên, quân Trần đã quyết định rút lui.
Ngày 14 tháng 2, Ô Mã Nhi đem quân vây quân của Trần Quốc Tuấn. Một trận thủy chiến lớn giữa hai bên đã diễn ra. Vua Trần đã đem quân đến trợ chiến cho Trần Quốc Tuấn. Ô Mã Nhi đã không ngăn nổi quân Trần rút lui.
Toàn bộ quân Trần rút khỏi Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than, về dàn trận bên bờ sông Hồng gần thành Thăng Long. Quân Nguyên tiến theo đường bộ về Thăng Long.
Quân Nguyên từ Vạn Kiếp đi theo đường qua Vũ Ninh, Đông Ngạn. Đến sông Đuống, các đơn vị quân Nguyên và quân Trần giáp chiến. Quân Trần bị thiệt hại nặng, nhiều thuyền lọt vào tay quân Nguyên. Thoát Hoan cho dựng cầu phao để đưa đại quân vượt sông Đuống tiến về kinh thành của Đại Việt.
Ngày 17 tháng 2, quân Nguyên dựng trại bên sông Hồng. Quân Trần do vua Trần Nhân Tông trực tiếp chỉ huy cũng lập các chiến lũy bằng gỗ bên bờ Bắc sông Hồng nghênh chiến. Dưới sông là lực lượng thủy quân đông đảo của Đại Việt.
Mục đích của quân Trần trong trận này chỉ là cản bước quân Nguyên để kịp hoàn thành công tác sơ tán hoàng gia và dân chúng khỏi kinh thành, thực hiện kế hoạch vườn không nhà trống. Để có thêm thời gian thực hiện kế hoạch, vua Trần Nhân Tông đã quyết định giả đưa thư cầu hòa.
Chiều ngày 17 tháng 2, vua Trần Nhân Tông sai Đỗ Khắc Chung sang doanh trại quân Nguyên để đưa thư. Tuy nhiên, Arig Qaya gửi thư cự tuyệt. Đỗ Khắc Chung ở lại doanh trại địch trinh sát đến sáng sớm hôm sau mới quay về.
Sau khi kế giả đưa thư cầu hòa không thành, một trận chiến ác liệt bên bờ sông Hồng đã diễn ra. Sau khi đã tiến hành di tản được hết dân chúng trong thành, quân Trần xuôi sông Hồng rút lui, để lại thành Thăng Long vườn không nhà trống.
Quân Nguyên tiến đến đóng dưới chân thành Thăng Long một hôm rồi mới vào thành, chỉ thấy "cung thất nhẵn không".
Thoát Hoan vô cùng tức giận nên y chỉ tiến hành khao quân rồi trở lại trại đã lập bên bờ Bắc sông Hồng.
Cánh quân của Nasirud Din đi theo sông Chảy tới trại Thu Vật thì bị quân của Trần Nhật Duật chặn đánh. Tuy nhiên, do đại quân đều đã rút lui về Vạn Kiếp, nên Trần Nhật Duật cũng thu quân.
Quân Nguyên một mặt đi dọc hai bờ sông đuổi theo quân Trần, một mặt cử một đơn vị đi chặn đầu. Trần Nhật Duật phát hiện ra kế hoạch của quân Nguyên, nên ra lệnh bỏ thuyền lên bộ, rút lui an toàn về đến Bạch Hạc (Việt Trì) vào ngày 20 tháng 2 năm 1285. Sau đó, Trần Nhật Duật được điều vào mặt trận phía Nam ngăn Toa Đô.
Vua Trần, triều đình, tông thất và đại quân rút lui theo đường sông Hồng về hướng phủ Thiên Trường (Nam Định). Quân Nguyên chia làm hai đường thủy, bộ đuổi theo. Để cản địch, quân Trần liên tiếp bố trí một số trận đánh trên sông Hồng. Trận đầu tiên là trận ở bãi Đà Mạc. Quân Trần do Trần Bình Trọng chỉ huy đã chặn đánh quân Nguyên quyết liệt.
Tuy nhiên, do số lượng quân ít nên quân Trần ở trận này đã không đối phó nổi với quân Nguyên. Tướng Trần Bình Trọng bị bắt và bị giết. Trận tiếp theo ở ải Hải Thị. Quân Trần đã đóng cọc, đắp bờ chắn sông để ngăn đối phương. Song, quân Nguyên đã thủy bộ hợp đồng tác chiến, phá tan trận tuyến của quân Trần.
Quân Trần rơi vào tình thế nguy hiểm khi ngày 9 tháng 3, thủy quân Nguyên đã bao vây Tam Trĩ, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông suýt rơi vào tay giặc. Nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng, hoàng thân Trần Ích Tắc đều đã quy hàng.
Tình thế trở nên nguy cấp. Xác định rằng, cần phải có thời gian để củng cố lại lực lượng, tổ chức chiến đấu mới mong dành thắng lợi nên Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến kế mỹ nhân.
Thượng hoàng Trần Thánh Tông quyết định dâng em gái út của mình là An Tư công chúa cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa. Vua Nhân Tông sai Trung Hiếu Hầu Trần Dương và quan hầu cận là Đào Kiện đưa người cô là An Tư công chúa về Thăng Long dâng cho Thoát Hoan.
Kế mỹ nhân và nỗi lòng người công chúa
Công chúa An Tư là con gái vua Trần Thái Tông, em gái út của vua Trần Thánh Tông. Cho đến nay, những tư liệu về cuộc đời của công chúa An Tư vẫn rất ít ỏi, không rõ cả năm sinh, năm mất.
Ngay cả sự kiện An Tư công chúa được dùng làm kế mỹ nhân để nhà Trần có thêm thời gian hòa hoãn nhằm chuẩn bị lực lượng cũng được ghi lại rất sơ
Trong Đại Việt sử ký toàn thư của học giả Ngô Sĩ Liên chỉ có đôi dòng ghi: “Tháng 2 (năm Ất Dậu), sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy”.
Trong Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ cũng chỉ ghi lại rằng: “Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước”.
Tất cả chỉ biết rằng, để có thêm thời gian hoãn binh, chuẩn bị lực lượng nên Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã buộc phải đưa con gái út của mình sang làm vợ Thoát Hoan. Nói về Thoát Hoan, đây là người con thứ 9 của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt.
Năm 1284, Nguyên Thế Tổ chuẩn bị đánh Đại Việt, phong cho Thoát Hoan làm Trấn Nam vương vào ngày 3 tháng 6, sai đóng ở Ngạc Châu. Thoát Hoan được xem là một trong những người con được Hốt Tất Liệt rất yêu quý bởi tính cách ham mê chiến trận, lắm mưu mẹo của mình.
Tháng 3 năm 1285, An Tư vào dinh Thoát Hoan ở bờ Bắc sông Hồng. Thời điểm được giao cho Thoát Hoan, An Tư công chúa còn rất trẻ. Vì tuân theo lệnh vua và cũng vì an nguy của xã tắc, công chúa An Tư từ bỏ cuộc sống riêng của mình, trở thành vợ của kẻ thù. Việc An Tư công chúa sống như thế nào trong những tháng ngày ở trại giặc không được sử sách ghi chép.
Nhưng chắc hẳn rằng những việc An Tư làm và những thông tin mà An Tư cung cấp đã giúp đỡ rất nhiều cho quân nhà Trần trong trận chiến với quân Nguyên.
Đặc biệt, vì quá si mê nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của An Tư công chúa mà Thoát Hoan đã lần lữa tấn công thành Thăng Long cũng như chậm trễ trong việc tiến đánh.
Bởi vậy, quân đội nhà Trần có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng. Đến tháng 4 năm 1285, tức là chỉ một tháng sau khi công chúa An Tư phải đến sống với kẻ thù, quân Trần đã tiến hành phản công dữ dội ở hầu khắp các mặt trận, khiến cho quân Nguyên đại bại.
Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt, đã phải "chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy" để về Tàu. Chiến thắng quân Nguyên, các vua Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là không ai nhắc đến công chúa An Tư. Cũng không một ai rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân. Chỉ có một số thông tin ít ỏi cho rằng công chúa An Tư đã có hai người con với Thoát Hoan.
Trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong ở Trung Quốc có ghi: “Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”.
Người con gái họ Trần này có thể là công chúa An Tư, tuy nhiên chưa có chứng cứ rõ ràng khẳng định điều này. Dù như vậy, nhưng một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng công chúa An Tư là người đã có công lớn trong chiến thắng quân Nguyên Mông của nhà Trần lần thứ
Một nhà nghiên cứu lịch sử viết rằng: “Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á – Âu.
Trong chiến công chung đó, người ta ghi nhận sự đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư. Người con gái “lá ngọc cành vàng” ấy vì nợ nước đã ra đi, không trở lại”.
Phunutoday