Sách Việt giám thông khảo tổng luận ghi: Trần Minh Tông là vị vua thứ 5 của nhà Trần, được đánh giá là người có tính trời khiêm hòa, nhận ngôi của Anh Tông nhường, để tâm vào thú hàn mặc, sính bút ở tập Thủy vân, có thơ khuyên người hiền, có bài răn uống rượu, dường như cũng đáng khen.
Tuy nhiên, sử sách cũng chép: Năm Giáp Dần (1314), Thái tử Mạnh sinh năm Canh Tý (1300), lên nối ngôi, lấy hiệu là Minh Tông. Vua Trần Minh Tông có lòng nhân hậu, hay thương người nhưng xét việc chưa minh. Cụ thể, do quá tin vào bọn nịnh thần, vua giết oan Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn, một người có công, đồng thời là cha vợ mình.
Từ phán quyết sai trong quá khứ...
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Quốc Chẩn tự nhận mình là cố mệnh đại thần, lại là bố đẻ của Hoàng hậu Lệ Thánh, nên cố chấp là đợi khi nào Hoàng hậu sinh con trai trưởng sẽ lập làm thái tử. Văn Hiến hầu (con của Trần Nhật Duật, không rõ tên) muốn đánh đổ Hoàng hậu để lập Hoàng tử Vượng, bèn lấy 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, xúi Trần Phẫu vu cáo Quốc Chẩn âm mưu làm phản.
Vua Minh Tông liền bắt Quốc Chẩn giam ở chùa Tư Phúc. Nhân đó Trần Khắc Chung xin vua trừ Quốc Chẩn đi, lấy cớ: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Minh Tông nghe theo, không cho Quốc Chẩn ăn uống gì cả. Biết cha mình khát, Hoàng hậu Lệ Thánh phải lấy áo nhúng nước mặc vào, rồi vắt ra cho uống. Nhưng cuối cùng, Quốc Chẩn cũng bị chết. Sau có người vợ lẽ của Trần Nhạc ghen với vợ cả tố cáo sự thật. Nỗi oan được giải nhưng trung thần đã chết.
... Đến cái chết đầy huyền bí
Theo sử liệu, trong cuộc đời mình, Vua Trần Minh Tông lúc nào cũng bị ám ảnh bởi vụ án oan của cha vợ. Để sửa sai, nhà vua đã cho khôi phục chức tước, sai lập đền thờ Trần Quốc Chẩn, thậm chí còn làm thơ để tự trách mình: Thu khí hòa đăng thất thự minh/ Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh/ Tự tri tam thập niên tiền thác/ Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh. Tạm dịch: Hơi thu và ánh đèn mờ đi trước ánh ban mai/ Tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn/ Tự biết sai lầm của ta ba mươi năm trước/ Đành ôm sầu ngồi nghe mưa rơi.
Tháng 8 năm Bính Thân (1356), khi đã lên làm Thái thượng hoàng, Trần Minh Tông về thăm đền thờ Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn ở núi Kiệt Đặc (thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương ngày nay). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Khi trở về, trong thuyền ngự có con ong vàng đốt vào má phía bên trái của Thượng hoàng, rồi Thượng hoàng bị bệnh. Về đến Thăng Long, bệnh tình của Trần Minh Tông ngày một xấu, đến tháng 2 năm Đinh Dậu (1357) thì qua đời, thọ 58 tuổi.
Theo dã sử, con ong vàng đó chính là oan hồn của Trần Quốc Chẩn về báo thù.
Lời trăn trối
Theo Việt sử giai thoại, trước phút lâm chung, sức cùng lực kiệt, trí tuệ khó minh mẫn, nhưng Thượng hoàng Trần Minh Tông xem ra không phải vậy. Khi thấy cơ thể không được khỏe, triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo. Minh Tông nghe biết chuyện, bèn gọi Hữu tướng quốc là Trần Phủ vào tận giường nằm để hỏi. Vua (chỉ Trần Dụ Tông) sợ, lập tức sai Phủ tâu rằng, Phạm Ứng Mộng xướng nghị việc tự xin lấy mình chết thay cho Thượng hoàng. Trần Phủ vừa tâu lên thì Thượng hoàng nói: "Ứng Mộng tự nhận làm địa vị của Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chay thì không được làm".
Cũng lúc bấy giờ, Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho Minh Tông khỏe lại, thì ông bảo bà: "Thân ta không thể lấy con heo, con dê mà đổi được...".
Lúc bệnh đã quá nguy kịch, các hoàng tử cùng đứng hầu cạnh, chờ nghe lời dạy cuối cùng. Trần Minh Tông liền nói với họ: "Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc hay thì theo, việc dở thì lánh... Bậc đế vương dùng người không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ vì đó là người hiền thôi. Người đó theo đúng ý ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta cũng đúng là người hiền thì những người được ta dùng cũng hiền, kể như Nghiêu, Thuấn dùng Tắc, Khiết, Quỳ, Long vậy. Nếu ta không hiền thì những kẻ ta dùng ắt cũng không hiền, khác chi Kiệt, Trụ dùng Phi Liêm, Ác Lai vậy. Đó là "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bề tôi của hắn. Bảo hắn là ngu tối thì được, chớ bảo hắn có tình riêng thì không".
Như vậy, rõ là đến lúc hấp hối, Vua Trần Minh Tông để lại những lời trăn trối đẹp..., mà lẫn khuất đâu đó vẫn xen chút quá khứ sai lầm, coi đó là bài học cho thế hệ con cháu đừng mắc phải khi dùng người hiền tài.
Đất Việt