Anna May Wong tên thật là Hoàng Liễu Sương. Bà sinh năm 1905, được xem là thế hệ nữ diễn viên đầu tiên của Trung Quốc lấn sân vào kinh đô điện ảnh Hollywood. Anna May Wong với gương mặt thuần chất Á Đông và lối diễn sắc sảo đã để lại ấn tượng trong lòng công chúng. Sau những cống hiến miệt mài và nỗ lực cho nền điện ảnh Hollywood, bà đã được gắn sao trên đại lộ danh vọng. Dù thường xuyên xuất hiện trong những vai phụ, nhưng tên tuổi của Anna May Wong vẫn được ghi dấu trong các bộ phim như “The Toll of the Sea”, “Piccadilly”, “Daughter of Shanghai”, “Daughter of the Dragon”…
Tạo hình thời mới “chân ướt chân ráo” gia nhập làng giải trí Hollywood của Anna May Wong có nhiều nét hao giống minh tinh tuyệt sắc Louise Brooks với kiểu đầu Bob và đôi mắt đen tròn đặc trưng. Trong thời gian đầu, bà thường xuyên xuất hiện trong vai nô tỳ Mông Cổ có thân phận thấp hèn hoặc người tình vô danh của những gã đàn ông da trắng.
Theo quan niệm cứng nhắc thời bấy giờ, các đạo diễn Hollywood thường đánh đồng văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc và Ai Cập trong việc khắc họa nhân vật, khiến Wong thường phải đóng đinh trong cách tạo hình là một búp bê Trung Hoa có lối biểu lộ cảm xúc xơ cứng như hình nộm hoặc trở thành hóa thân của tội ác với tư thế nằm để lộ đôi chân đầy rắn và bò cạp.
Năm 1928, bà lặn lội sang châu Âu tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp, nuôi hy vọng rũ sạch những định kiến cứng nhắc của Hollywood về thân phận gốc Á của mình. Chỉ một năm sau đó, sự can đảm và bản lĩnh kiên trì đã giúp người phụ nữ này khẳng định được chỗ đứng của mình trong làng giải trí châu Âu. Lối diễn lôi cuốn của Wong trong “Piccadilly” (năm 1929) nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng. Thậm chí, bà trở thành khách mời danh dự trong một buổi yến tiệc của Hoàng gia Anh. Vinh hạnh ấy trở thành câu chuyện huyền thoại với phụ nữ Trung Quốc thời bấy giờ.
Dù sống xa đất nước nhưng Anna May Wong là một nữ diễn viên có niềm tự tôn dân tộc rất lớn. Mùa xuân năm 1936, bà trở về Thượng Hải thăm mảnh đất nguồn cội. Sau khi quay lại Mỹ, bà thường xuyên tham dự cuộc họp của các tổ chức từ thiện và lên tiếng kêu gọi người dân Mỹ tích cực ủng hộ cuộc chiến kháng Nhật của Trung Quốc. Bà còn bán đi nhiều trang sức quý giá và gom góp tiền bạc gửi về nước vào năm 1939.
Tuy nhiên lòng yêu nước của Wong sau đó bị dư luận hiểu lầm. Trong giai đoạn 1942 – 1943, Tống Mỹ Linh tiến hành chuyến thăm Mỹ để tuyên truyền về cuộc chiến này. Kinh đô điện ảnh Hollywood cũng là điểm đến quan trọng để mỹ nhân họ Tống tuyên truyền cho ba vạn người về đất nước, con người, đặc biệt là phụ nữ Trung Quốc.
Trên khu vực lễ đài, hàng trăm minh tinh vây quanh Tống Mỹ Linh, duy chỉ có Anna May Wong, nữ diễn viên gốc Trung Quốc, lại không xuất hiện. Sự vắng mặt của bà khiến dư luận bàn tán, hoài nghi, bởi Wong luôn tỏ ra là người đề cao quê cha đất tổ. Mãi sau này, giới truyền thông thế giới mới tiết lộ, nữ diễn viên xinh đẹp bị Tống Mỹ Linh “cấm cửa”. Wong bị đánh giá là đại diện cho hình tượng người Trung Quốc trong xã hội cũ, gồm những thành phần xã hội đen, làm cu li, chủ tiệm giặt là hay chủ quán cơm. Theo quan điểm của Tống Mỹ Linh, người Trung Quốc tân tiến phải là tầng lớp tinh anh, được giáo dục cẩn thận. Với thái độ kỳ thị ấy, mỹ nhân họ Tống đã “đánh tiếng” rằng Anna May Wong không được phép xuất hiện tại buổi diễn thuyết của mình.
Năm 1949, sau khi giải nghệ, nữ diễn viên gốc Trung Quốc chủ yếu tham gia các hoạt động công ích xã hội, cũng có thời gian bà thử thách mình trong lĩnh vực kinh doanh. Tới năm 1960, tổ sản xuất hai bộ phim "Flower Drum Song" và “The World of Suzie Wong” thuyết phục bà thử sức với vai nữ chính. Nếu thành công, Wong sẽ chính thức trở lại nghiệp diễn. Nhưng vào ngày 2/2/1961, bà đột ngột qua đời tại nhà riêng sau một cơn đau tim dữ dội.
Vài chục năm sau sự ra đi của nữ diễn viên xinh đẹp, giới điện ảnh và công chúng vẫn nhắc nhớ tới bà. Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anna May Wong, những cuốn sách kể rõ tiểu sử của nữ diễn viên này lần lượt được xuất bản, các triển lãm điện ảnh tưởng nhớ Wong cũng được tổ chức tại Mỹ và châu Âu. Riêng tại Trung Quốc, những tài liệu nghiên cứu về Wong còn rất hiếm hoi.
Đất Việt