Tưởng rằng chỉ có rau thành phố mới mất an toàn, nhưng hiện nay rau mà nhiều người vẫn gọi là "rau quê", "rau sạch" cũng có nguy cơ mất an toàn, thực phẩm cao. Thực tế, không ít hộ nông dân ở các tỉnh, thành ven Thủ đô vì lợi ích kinh tế, chạy theo lợi nhuận, họ phun, bơm đủ các thứ thuốc nào là kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, trừ bọ vào rau...
Bởi vậy mà rau xanh liệt vào nhóm thực phẩm bị báo động đỏ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ là nguy cơ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn là môi trường canh tác không đảm bảo. Đặc biệt, những loại rau quả trồng trên đất các khu công nghiệp, các dòng sông "chết" và trên nghĩa địa… sẽ rất độc hại đối với người tiêu dùng.
Chúng tôi đến thôn Đống 1, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội không khỏi rùng mình, kinh hãi bởi cánh đồng rau rộng lớn nằm trên nghĩa địa mà mồ mả, cũ có, mới có nằm san sát, xen kẽ. Đặc biệt là những ruộng rau xanh này mơn mởn, tốt tươi đến lạ thường. Điều lạ kỳ nữa là nhiều ruộng đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm chung quanh đấy, nhưng không thấy trồng rau mà người dân lại chọn khu đất dành cho người quá cố an nghỉ để canh tác.
Mục sở thị nghĩa địa trồng rau này mới thấy, ở đây có đủ các loại rau, quả hàng ngày vẫn xuất hiện trên mâm cơm của nhiều gia đình. Ngoài những loại rau ăn hàng ngày như mồng tơi, rau muống, rau dền, rau thơm, rau ngót,... thì ở đây có cả các loại rau quả là món khoái khẩu của nhiều người như quả lặc lày, mướp đắng, dọc mùng, rau đay, rau ngải cứu. Không những thế ở đây còn trồng mía, đầy đủ các loại cây gia vị và thậm chí cả hoa hồng.
Đặc điểm các loại rau, quả ở đây rất tốt, luống rau mồng tơi cây nào cây nấy thân mập mạp, lá to, bóng nhẫy, xanh mướt, chỉ nhìn đã… ngon. Gần ngôi mộ vừa mới chôn chưa được bao lâu, ruộng rau ngót xanh tốt một cách lạ thường. Có lẽ vì trồng cây ở những ngôi mộ mới sẽ nhiều "chất" hơn nên người ta trồng nhiều rau hơn thì phải, đặc biệt là các loại hạt mới gieo.
Mục sở thị những điều kinh hãi
Lần theo chiếc cống xây dựng xi măng khá kiên cố dẫn đến một chiếc hố nước khá lớn, chúng tôi phát hiện, nước trong hố này có màu ngà ngà đục và nổi lềnh phềnh trên mặt nước là rất nhiều tro bạc đốt cho người quá cố chưa cháy hết. Nằm sát hố nước này là ngôi mộ tổ của một dòng họ rất to.
Chúng tôi hỏi người dân ở đây mới biết, hố nước này được dùng để cọ rửa vật dụng sau khi đã "tắm rửa cho người chết" và chính hố nước này sẽ cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho toàn bộ ruộng rau ở nghĩa địa này.
Cũng có khi người ta lấy luôn nước ở các huyệt trống tưới cho cây trồng. Việc người trồng rau dùng nước từ các huyệt và hố ở nghĩa địa này tưới cho rau đã phần nào giúp chúng tôi lý giải được vì sao các loại rau ở đây xanh tốt như vậy. Thế mà, xưa nay nhiều người vẫn nhầm tưởng chỉ những loại rau thủy sinh trồng dưới nước mới bị nhiễm ký sinh trùng, nhưng thực tế nhiều loại rau trồng trên cạn mà tưới nước ô nhiễm, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng còn cao hơn.
Trong tất cả các loại rau quả ở đây, rau muống được trồng nhiều nhất, cũng bởi loại rau mùa hè này được nhiều bà nội trợ lựa chọn. Những ruộng rau xanh tốt, non mơn mởn lần lượt được chất lên quang gánh, lên xe thương lái rồi tỏa đi các chợ đầu mối, chợ cóc, bán cho người tiêu dùng "thưởng thức".
Vì loại rau này được trồng trên mảnh đất "màu mỡ", nước tưới "đậm chất" nên chỉ vài hôm lại được thu hoạch một lần. Rau của họ, cắt đến đâu bán hết đến đó, đặc biệt dân thương lái rất thích loại rau này bởi vừa bán hết hàng nhanh lại được giá. Mớ rau mập ú chỉ cần rửa qua một lần nước sạch sẽ bóng nhẫy, rất ngon mắt.
Theo một số người dân ở đây, hầu hết những gia đình trồng rau ở nghĩa địa thường không ăn rau họ trồng ở nghĩa địa mà trồng riêng ở một khu đất khác để gia đình sử dụng.
Không chỉ tại thôn Đống 1, xã Cổ Nhuế, người dân trồng rau ở nghĩa địa mà trước đó một xã thuộc địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũng trồng rau trên nghĩa địa khiến nhiều người không khỏi giật mình lo lắng.
Theo Nguoiduatin.vn