Sắt có trong tế bào và là chất cần thiết để duy trì hoạt động của hệ thống miễn dịch, duy trì các cơ bắp và điều chỉnh sự phát triển của tế bào. Vì thế hấp thụ đủ lượng sắt trong bữa ăn hàng ngày là rất quan trọng. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Thiếu sắt sẽ nguy hiểm
Nếu thiếu sắt, sự vận chuyển ôxy đến các mô cơ sẽ giảm sút, làm cho cơ thể mệt mỏi kém tập trung, trí nhớ kém, hay quên. Khi thiếu máu khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu bị giảm, gây hiện tượng tim đập nhanh, hoa mắt, mệt mỏi, hay ngủ gật. Theo nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thiếu sắt xảy ra trong giai đoạn niên thiếu, sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ, hệ thần kinh.
Thiếu máu trong thời kỳ mang thai là một trong những nguyên nhân gây sảy thai, sinh non, băng huyết sau sinh, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thai nhi: suy dinh dưỡng bào thai, chậm phát triển thể chất và trí tuệ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, 43% phụ nữ không mang thai trong độ tuổi 15 - 50 ở các nước đang phát triển bị thiếu máu. Trong thời kỳ mang thai, tỷ lệ này tăng lên 56%. 80% các trường hợp thiếu máu thường có nguyên nhân do thiếu sắt.
Bao nhiêu sắt thì đủ?
Nhu cầu sắt của cơ thể thay đổi và phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính và tình trạng sức khỏe. Nhìn chung, liều cần mỗi ngày của nam giới là 1mg, phụ nữ - 1,4 mg, cụ thể:
- Trẻ em từ 1 - 10 tuổi cần 7 - 10mg mỗi ngày
- Phụ nữ từ 19 - 50 tuổi cần 18mg mỗi ngày
- Phụ nữ đang mang thai cần 27mg 1 ngày
- Phụ nữ cho con bú cần 9 đến 10mg 1 ngày
- Nam giới từ 19 tuổi trở lên cần 8mg 1 ngày
Tuy nhiên hàng ngày nên cung cấp cho cơ thể nhiều hơn, tức khoảng 10-20mg, bởi chỉ duy nhất khoảng 10% sắt được hấp thụ ở đại trực tràng và ruột non. Đa số còn lại bị đào thải ra ngoài.
Phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh
và an toàn (Ảnh: Internet)
Thực đơn giàu sắt
Cơ thể chúng ta có thể hấp thụ 2 loại sắt: sắt có trong thịt động vật như thịt bò, thịt gà, cá và sắt có nguồn gốc thực vật có trong các loại đỗ và gia vị.
Có thể cung cấp sắt cho cơ thể đơn giản nhất thông qua áp dụng thực đơn thích hợp. Vị trí đứng đầu danh mục thức ăn giàu nguyên tố vi khoáng này là thịt, nhất là gan và nội tạng (tim, cật, lòng…) động vật. Cơ thể hấp thụ sắt có nguồn gốc động vật tốt hơn từ thực vật. Vì thế những người ăn chay đặc biệt cần quan tâm yêu cầu làm phong phú thực đơn. Rau (cải Brucxen, súp lơ, đậu nành, đậu Hà Lan) gạo lứt, lạc vừng, hạt hướng dương, hạt bí…cũng giàu sắt.
Ai cần bổ sung sắt?
Bệnh thiếu sắt có thể do chế độ ăn kiêng hoặc ăn uống thiếu khoa học, các chất dinh dưỡng nghèo nàn. Những triệu chứng của bệnh thiếu sắt là: cảm thấy mệt mỏi, rụng tóc, kém tập trung, đau đầu và móng tay giòn, dễ gãy.
Mọi dưỡng chất cung cấp cho cơ thể tốt nhất đều theo cách tự nhiên. Tuy nhiên, đối với những trường hợp sau có thể cần được chỉ định bổ sung sắt như: phụ nữ kinh nguyệt dài, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trẻ sinh thiếu tháng và những người bị rối loạn hấp thụ sắt, đối tượng sau phẫu thuật hoặc bị chảy máu đường tiêu hóa và sinh sản… Liều lượng, thời gian theo chỉ định của bác sĩ.
Sức khỏe và đời sống