Theo báo cáo của Bộ Y tế trình Chính phủ, thống kê từ 10 tỉnh: Thanh Hóa, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Nam, trong 4 tháng đầu năm 2014, có 14 người mắc bệnh dại đã tử vong. Dại là bệnh truyền nhiễm từ chó, mèo lây sang người qua vết cắn, nếu đã phát bệnh thì tỷ lệ tử vong là 100%. Bệnh đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, đang có xu hướng gia tăng. Làm thế nào để phòng chống và ngăn chặn bệnh dại?
Bệnh dại lây truyền từ chó mèo sang người qua vết cắn
Các loài động vật dễ bị bệnh dại là chó, mèo, lừa, ngựa, bò, cừu, lợn, chồn, cáo, dơi... Virut dại có trong nước bọt của động vật bị dại, lây bệnh cho người hay động vật khác qua vết cắn, vết cào, vết liếm (sau đây gọi chung là vết cắn) nhưng không bao giờ lây qua được da lành.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn, virut theo dây thần kinh lên não với vận tốc khoảng 3mm/giờ, gây tổn thương thần kinh trung ương. Virut nhân lên trong não, rồi di chuyển theo thần kinh đến các cơ quan như tuyến nước bọt, thận, phổi, tim, gan... Ở tuyến nước bọt, virut nhân lên số lượng lớn, tạo ra nguồn lây bệnh nguy hiểm nhất. Kể từ ngày virut vào cơ thể người, thời gian ủ bệnh rất thay đổi từ 1 tuần đến trên 1 năm, trung bình 1 - 2 tháng, phụ thuộc vào số lượng virut, khoảng cách từ vết cắn đến thần kinh trung ương. Thực tế cho thấy: tỷ lệ phát bệnh dại và tử vong cao nhất từ vết cắn ở mặt, trung bình ở tay, thấp hơn là ở chân.
Tiêm phòng dại cho chó và các vật nuôi là biện pháp chủ yếu phòng bệnh dại
(Ảnh: Internet)
Phát hiện kịp thời bệnh dại
Thời kỳ ủ bệnh được tính từ khi bị chó cắn đến khi phát bệnh, đây là khoảng thời gian quý báu để cứu sống người bệnh. Dấu hiệu của thời kỳ này chỉ duy nhất là vết cắn. Vì vậy, người bị chó cắn phải đi khám để tiêm phòng bệnh dại là việc làm quan trọng nhất.
Thời kỳ tiền triệu là các dấu hiệu xuất hiện trước khi phát bệnh dại, bệnh nhân có biểu hiện lo lắng, thay đổi tính tình, có cảm giác ngứa, đau ở nơi bị cắn. Lưu ý rằng đến lúc này, bệnh nhân đã quên việc bị chó cắn.
Thời kỳ toàn phát: thường có 2 thể bệnh là thể hung dữ và thể liệt.
- Ở thể hung dữ hoặc co cứng, biểu hiện một tình trạng kích thích tâm thần vận động, bệnh nhân trở nên hung tợn, điên khùng, gây gổ, đập phá lung tung và nhanh chóng tiến tới hôn mê và tử vong. Bệnh nhân bị co cứng, run rẩy tứ chi, co giật, co thắt họng và thanh khí quản gây triệu chứng sợ nước. Bệnh nhân khát không dám uống, chỉ nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng nước chảy cũng gây tăng co thắt họng và rất đau. Tình trạng co thắt này tăng lên mỗi khi có kích thích dù rất nhỏ như: gió thổi, quạt điện, mùi vị thức ăn, ánh sáng...nên bệnh nhân có nét mặt luôn căng thẳng, hoảng hốt, mắt sáng và đỏ, tai thính, có thể có tình trạng kích thích sinh dục, cương cứng dương vật ở đàn ông. Bệnh nhân sốt tăng dần, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi, rối loạn tim mạch và hô hấp, ảo giác. Các triệu chứng này tiến triển nặng dần và tử vong sau 3 - 5 ngày do ngừng tim, ngừng thở.
- Thể liệt: hay gặp ở bệnh nhân bị chó dại cắn đã tiêm vaccin nhưng tiêm muộn, virut đã vào đến não gây bệnh. Bệnh nhân thường không có triệu chứng sợ nước, sợ gió.
Ban đầu có thể thấy đau nhiều vùng cột sống, sau đó xuất hiện hội chứng liệt kiểu Landry: đầu tiên liệt chi dưới, sau đó rối loạn cơ vòng, rồi liệt chi trên. Khi tổn thương tới hành não, xuất hiện liệt thần kinh sọ, ngừng thở và ngừng tim, tử vong.
Điều trị
Khi bị chó mèo cắn, có 2 việc cần làm là điều trị vết cắn và tiêm thuốc phòng bệnh dại. Điều trị vết cắn: ngay sau khi bị chó cắn, bạn phải rửa, dội thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng. Tiếp theo, rửa lại vết thương bằng nước lọc và lau khô sát khuẩn vết thương bằng các thuốc sẵn có như: cồn iod, nước oxy già, nước muối sinh lý. Nhưng không nên khâu vết thương sớm, trừ vết thương ở mặt. Cần tiêm phòng huyết thanh kháng uốn ván và dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn vết thương.
Dùng thuốc phòng bệnh dại gồm 2 loại là huyết thanh kháng dại và vaccin phòng bệnh dại.
Tiêm huyết thanh phòng bệnh dại trong các trường hợp: vết cắn rộng, sâu, nhiều vết cắn, bị cắn ở đầu, mặt, cổ, tay bởi một con chó có biểu hiện dại. Tiêm càng sớm sau khi bị cắn càng có hiệu quả cứu sống bệnh nhân.
Tiêm vaccin: nếu con vật cắn bạn đã bị giết chết (mà không có điều kiện xét nghiệm để xác định nó bị dại hay không) hoặc đã mất tích. Trường hợp con vật cắn bạn vẫn sống khỏe mạnh, cần nhốt nó để theo dõi nó trong vòng 10 ngày. Trong thời gian theo dõi đó, nếu thấy nó bị ốm hoặc thay đổi tính tình thì bạn cần đi tiêm vaccin ngay. Trái lại, nếu con vật vẫn khỏe sau 10 ngày thì bạn không cần tiêm vaccin.
Việc điều trị khi đã lên cơn dại: đến nay chưa có thuốc gì có thể cứu sống bệnh nhân khi đã lên cơn dại. Nên chỉ điều trị triệu chứng như: an thần, để bệnh nhân nằm ở nơi yên tĩnh, riêng biệt.
Phòng bệnh
Bệnh dại là bệnh tối nguy hiểm nên khi săn sóc bệnh nhân bạn phải mặc đầy đủ trang bị bảo hộ như: mũ, quần áo, găng tay, ủng, rửa tay xà phòng kỹ sau khi săn sóc rồi sát khuẩn bằng cồn. Các đồ dùng của bệnh nhân cần đốt hủy. Các đồ sắt, giường, tủ, sàn nhà... cần lau rửa bằng xà phòng và phun thuốc khử khuẩn.
Sức khỏe và đời sống