Chiều 22/5, sau khi công an tỉnh Quảng Trị công bố kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính gây chết người xảy ra ở bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) vào 20/7/2013, PV đã gặp bố mẹ các nạn nhân.
Anh Nguyễn Đình Đạo (SN 1976), chồng sản phụ Nguyễn Thị Nga (SN 1983, trú khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá), rất bất bình và phẫn nộ khi biết y tá Thuận đã tiêm nhầm thuốc độc cho đứa con trai vừa sinh, nặng 3,4 kg của mình.
"Do chờ kết quả điều tra của công an tỉnh Quảng Trị quá lâu nên chúng tôi định làm đơn gửi ra Văn phòng Chính phủ để cầu cứu sự can thiệp của Thủ tướng. Hôm qua đọc báo và xem tivi tôi mới biết kết luận này, chứ cơ quan điều tra chưa thông báo về việc y tá Thuận tiêm nhầm thuốc độc cho con trai...", anh Đạo nói.
Anh Nguyễn Đình Đạo cho rằng ngành y tế Quảng Trị phải chịu trách nhiệm
trong vụ việc.
Theo anh Đạo, ngoài việc xử đúng người, đúng tội đối với bị can chính là y tá Thuận, cơ quan chức năng cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Thục - người tiếp tay và không trình báo cơ quan công an về hành vi gian dối, đánh tráo vỏ thuốc của y tá Thuận.
"Không thể đổ hết tội lỗi lên đầu bà Thuận, mà ngành y tế Quảng Trị, bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hoá cũng phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra vụ việc, cho phép bà Thuận tham gia tiêm vắc-xin mà chưa qua một lớp tập huấn nghiệp vụ tiêm chủng nào", anh Đạo cảm thông đối với y tá Thuận, nghi can chính của vụ án.
Trong căn nhà sàn khiêm tốn tại bản 7, xã Thuận (huyện Hướng Hoá), vợ chồng chị Hồ Thị Thương và Hồ A Hang (SN 1989) vẫn còn đau buồn sau cái chết của con gái đầu lòng mới sinh, chưa kịp đặt tên.
Khi PV đến nhà, vợ chồng chị Thương nằm mê man trên giường, bỏ bê công việc nương rẫy vì quá đau buồn. Anh Hang nói chưa ai báo cho mình thông tin con bị tiêm nhầm thuốc độc gây tử vong. Chị Thương mong muốn cơ quan chức năng xử đúng người đúng tội những người trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên sự việc.
Còn chị Trần Thị Hà (SN 1973, trú khóm 3A, thị trấn Khe Sanh) nói: "Gia đình tôi cũng như 2 gia đình mất con nhỏ, mong muốn pháp luật xử đúng người đúng tội để người dân không còn bị oan nữa. Cơ quan điều tra đã làm sáng tỏ nguyên nhân thì phải nhanh chóng đưa ra xét xử".
Mong được đền bù xứng đáng
"Xin lỗi thôi chưa đủ, chúng tôi mong muốn ngành y tế tỉnh đền bù thiệt hại về tính mạng và tổn thất vật chất, tinh thần", anh Nguyễn Đình Đạo nói. Anh Đạo cho rằng y tá Thuận gây nên sự việc đau lòng thì phải đền bù theo luật định, nhưng ngành y tế cũng cần phải bồi thường sau những tổn thất lớn của gia đình 3 trẻ sơ sinh bị tử vong.
Theo anh Đạo, sau khi con trai mất đi, những người thân trong gia đình bị tổn thương nghiêm trọng. Bà nội chị Hà (vợ anh Đạo) lâm trọng bệnh rồi qua đời sau cái chết của đứa chắt ngoại.
Vợ chồng chị Hồ Thị Thương - anh hồ A Hang vẫn còn đau buồn
trước cái chết của đứa con sơ sinh.
Trong khi đó, nguyện vọng của vợ chồng chị Hồ Thị Thương và anh Hồ A Hang là: "Chúng tôi muốn được đền bù thiệt hại một cách xứng đáng do chị Thuận đã làm chết con gái đầu lòng của mình". Còn chị Trần Thị Hà mặc dù không muốn đề cập đến chuyện tiền nong nhưng cũng đưa ra ý kiến "cứ theo quy định của pháp luật mà phân xử đúng đắn".
"Vợ chồng tôi làm ăn vất vả lắm nên sau khi có con trai đầu thì không dám sinh thêm. Đến lúc thu nhập một tháng được 7 - 8 triệu đồng mới quyết định sinh thêm đứa con thứ 2 này. Tôi người quê gốc ở Phong Hiền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), có người thân làm ở bệnh viện Đại học Y Huế dặn đưa vợ vào đó sinh, nhưng tôi tin tưởng bệnh viện huyện. Ai ngờ vụ việc đáng tiếc lại xảy ra. Nỗi đau mất đứa con không có gì đền bù lại được", anh Đạo tâm sự.
Theo Zing.vn