Để có được ngai báu, Tống Văn công sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, kể cả phải dùng tới vẻ đẹp trời phú. Mặc dù cuối cùng, chàng mỹ nam lắm than vọng cũng đạt tới mục đích của mình là lên ngôi vua nước Tống, nhưng cuộc sống trên ngai vàng của Tống Văn công cũng chẳng khác là bao so với cha và anh của mình, nghĩa là vẫn bị Vương cơ khống chế, giật dây.
Câu chuyện về Tống Văn công nhờ nhan sắc mà có được ngôi báu cho tới tận ngày nay vẫn được nhiều người cho là cực kỳ hoang đường. Bởi lẽ, Vương cơ, người bị nhan sắc của Tống Văn công làm cho mê mệt, rồi vì thế mà sẵn sàng giết đứa cháu đích tôn của mình để đưa Tống Văn công lên ngai báu, xét về thân phận lại là bà nội của ông vua nước Tống. Tuy nhiên, điều này lại được ghi chép rành rành trong chính sử.
Tống Văn công tên thật là Tử Bào, còn gọi là Công Tử Bào, em cùng cha khác mẹ của Tống Chiêu công thời Xuân Thu. Ông nội của Tử Bào là Tống Tương công. Do vậy, Vương cơ, vốn là vợ của Tương công, đương nhiên là bà nội của Tử Bào. Về tuổi tác, Vương cơ hơn Tử Bào khoảng 20 tuổi, do vậy, nếu xét về độ tuổi, có vẻ như hai người không phải là bà cháu ruột. Tuy nhiên, những sử liệu còn lưu lại đều chứng minh, Vương cơ đúng là bà nội của Tử Bào.
Trên thực tế, Vương cơ là một người phụ nữ thông minh và đầy bản lĩnh. Khi Tống Tương công qua đời, Vương cơ chưa tới 20 tuổi đã có thể nắm Tống Thành công trong lòng bàn tay, buông rèm nhiếp chính trong suốt 17 năm. Thậm chí, để biểu lộ lòng trung thành với Vương cơ, Tống Thành công còn quyết định đổi họ của mình từ họ Tử thành họ Vương.
Ảnh minh hoạ
Sau khi Tống Chiêu công kế vị, Vương cơ vẫn nắm mọi quyền điều hành triều chính. Sách “Tả truyện” có chép rằng, khi Vương cơ tổ chức đi săn, Chiêu công đã biết rằng Vương cơ sẽ giết mình (Tống Chiêu công bị Vương Cơ giết trong một chuyến đi săn), nhưng không biết làm cách nào để tránh được, chỉ đành bó tay chờ chết. Từ đó có thể thấy, Chiêu công tuy ngồi trên ngôi báu, song thực tế quyền lực lại nằm trong tay Vương cơ. Vì vậy, một khi Vương cơ muốn tặng ngôi báu cho người tình là Tử Bào thì chỉ việc dễ như trở bàn tay mà thôi.
Tống Văn công đẹp tới mức nào mà khiến cả bà nội của ông ta cũng phải điêu đứng? Cả sách “Tả truyện” lẫn “Sử ký” đều chỉ chép là: “đẹp và quyến rũ” nên có thể khẳng định, ông ta chắc chắn phải là một “mỹ nam” đẹp khuynh quốc khuynh thành. Vì thế, cũng chẳng thể nào trách được Vương cơ, một phụ nữ đương độ hồi xuân, lại đang chịu cảnh chăn đơn gối chiếc trong chốn cấm cung.
Khi biết mình lọt vào mắt xanh của người bà ghê gớm này. Tử Bào đã phản ứng ra sao? Đầu tiên, Tử Bào kiên quyết cự tuyệt. Mỹ nam dẫu sau vẫn là mỹ nam, bên cạnh anh ta có không ít thiếu nữ xinh đẹp hâm mộ, sùng bái, làm sao có thể chấp nhận được một người phụ nữ hơn anh ta tới 20 tuổi? Huống hồ người phụ nữ ấy lại là bà nội của mình.
Tiếp đó, Tử Bào tích cực thể hiện “đức hạnh” của mình. Sách “Tả truyện” có chép: “Vào năm Chiêu công thứ 7, nước Tống gặp nạn đói to, Tử Bào dùng hết thóc gạo trong kho của mình để cứu đói cho dân”. Thực tế, đây chỉ là chiêu lấy lòng dân của Tử Bào. Bởi ngay sau hành động này, các sứ giả đều hết lời khen ngợi Tử Bào là người có đức, khác hẳn với ông anh trai Chiêu công “hôn quân vô đạo” của mình.
Trước thái độ thờ ơ của đứa cháu trai, Vương cơ buồn tới mức muốn chết. Song là một người phụ nữ đầy tham vọng, bà ta không cam tâm: “Người càng không quan tâm tới ta, ta càng nghĩ ra cách để có được ngươi”. Sau đó, thấy đứa cháu trai tích cực thể hiện “đức hạnh”, Vương cơ như mở cờ trong bụng:
“Người là kẻ đức hạnh, được lòng trăm họ, vậy thì dễ thôi. Ngươi chẳng phải thích ban ơn huệ cho lũ dân đen hay sao, ta cho ngươi cơ hội để thể hiện đức hạnh của mình. Vì vậy, Vương cơ đã quyết định sát hại Chiêu công để đưa Tử Bào lên ngôi vua nước Tống, sử gọi là Tống Văn công.
Lúc này, mỹ nam Tử Bào có muốn từ chối người bà ghê gớm của mình cũng không được nữa. Bởi lẽ, một khi Vương cơ có thể đưa ông ta lên ngôi vua thì cũng hoàn toàn có thể biến ông ta thành một tội đồ, thậm chí là chặt luôn cái đầu trên cổ của ông ta. Tống Văn công xét tới cùng vẫn là một mỹ nam thông minh. Sau khi tính toán trước sau, ông vua mới của nước Tống đành phải chấp nhận trở thành người tình của Vương cơ để bảo toàn tính mạng.
Trên thực tế, việc tư thông với Vương cơ của Tống Văn công có tới 7 - 8 phần là tự nguyện, chỉ là mục đích của hai người hoàn toàn khác nhau. Không giống như Vương cơ, cái Tống Văn công muốn đương nhiên không phải là thân xác với một người phụ nữ hơn mình tới 20 tuổi. Cái ông ta muốn chính là quyền lực của Vương cơ. Không có sự hậu thuẫn của Vương cơ, một công tử dòng thứ như Tử Bào không đời nào lên được ngôi báu. Vì vậy, sử sách chép rằng, trước khi lên ngôi vua, Tống Văn công thường xuyên tìm cách lấy lòng Vương cơ.
Vậy vì sao khi Vương cơ tỏ ý muốn tư thông, Tống Văn công lại từ chối? Thực tế, nếu như đồng ý ngay, cái mà Tống Văn công có được chỉ là thân xác của người phụ nữ hơn mình tới 20 tuổi. Đây chính là lý do, cùng với việc cự tuyệt, Tống Văn công đã tìm mọi cơ hội để thể hiện “đức hạnh” của mình. Bởi lẽ, ông ta muốn thể hiện cho Vương cơ hiểu rằng, cái mình thực sự muốn đánh đổi là gì.
Việc cự tuyệt sau đó lại tích cực thể hiện “đức hạnh” của Tống Văn công là một mũi tên cùng lúc trúng hai đích. Một là, việc cự tuyệt sẽ kích thích tâm lý khao khát có được cái mà mình đang thèm muốn của Vương cơ. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là một cách để Tống Văn công tự nâng cao giá trị của mình, từ đó đạt tới mục đích cuối cùng là ngôi báu. Hai là, việc thể hiện “đức hạnh” giúp Tống Văn công chuẩn bị cơ sở về tính hợp pháp cho việc lên ngôi báu sau này.
Những sự việc diễn ra sau đó chứng tỏ Tống Văn công đã tính toán rất xa. Chẳng hạn, lúc bấy giờ, bá chủ chư hầu là nước Tấn nghe tin ở nước Tống có kẻ giết vua đoạt ngôi liền ra lệnh cho Tuần Lâm Phụ liên hợp với quân của các nước Vệ, Trần, Trịnh tấn công nước Tống.
Dưới sự ủng hộ của Vương cơ, hữu Soái Hoa Nguyên của nước Tống đã tới doanh trại quân Tấn để đàm phán, dâng rất nhiều vàng ngọc châu báu để Tuần Lâm Phụ khao quân rồi nói rõ sự việc rằng người dân nước Tống đồng tình lập Công tử Bào lên ngôi, chứ không có việc giết vua như lời đồn thổi rồi cuối cùng xin được giảng hòa với nước Tấn. Tuần Lâm Phụ nhận lễ vật, đồng ý liên minh với nước Tống, đồng ý việc Tống Văn công lên ngôi là hợp pháp. Nước Tống nhờ vậy mà thoát khỏi họa diệt vong.
Sau đó, vào năm 609 trước công nguyên, con trai của Chiêu công là Công tử Hỏa cùng với em trai của Tống Văn công là Công tử Tu cùng nhau làm phản. Tuy nhiên, do Tống Văn công trước đây đã ban phát không ít ân huệ nên được dân nước Tống hết lòng ủng hộ. Nhờ vậy, rất nhanh sau đó, Tống Văn công đã trấn áp được cuộc nổi loạn này.
Từ năm 610 trước công nguyên cho tới lúc chết là năm 589 trước công nguyên, trong hơn 20 năm, tuổi thanh xuân sung mãn của mỹ nam Tử Bào bị Vương cơ thỏa sức phung phí. Có thể nói, để có được ngai báu, Tống Văn công sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, kể cả phải dùng tới vẻ đẹp trời phú cho mình. Mặc dù cuối cùng, chàng mỹ nam lắm tham vọng cũng đạt tới mục đích của mình là lên ngôi vua nước Tống, tuy nhiên, cuộc sống trên ngai vàng của Tống Văn công cũng chẳng khác là bao so với cha và anh của mình.
Cho tới tận khi con trai của Tống Văn công là Tống Cộng công lên ngôi tròn 2 năm, Vương Cơ khi ấy đã 61 tuổi mới qua đời, nước Tống mới chính thức thoát khỏi sự kìm kẹp của người đàn bà dâm loạn và giảo quyệt này.
Hôn nhân & Gia đình