Đó là những ca chết đi sống lại hi hữu, khoa học cũng chưa có lý giải rõ ràng, chính xác về những điều kỳ diệu này.
Rút ống ôxy chờ chết … lại sống
Một bệnh nhân đã bị bác sĩ "chê", cho gia đình đưa về để lo mai táng đã sống lại. Sự việc hi hữu này vừa xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tối 19/2.
Tối 18/2, ông Nguyễn Văn Mừng, 79 tuổi, trú tại phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang - Khánh Hòa được bệnh viện chẩn đoán bị nhồi máu não, xẹp phổi, tâm phế mạn (bệnh tim)… không thể qua khỏi, bác sĩ khuyên người nhà đem về lo an táng. Tuy nhiên, đến chiều 19/2, cả nhà ông Mừng vui mừng khôn xiết khi ông... thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nói được, ăn uống bình thường.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, con trai ông Mừng cho biết, trưa 17/2, ông Mừng uống lon nước tăng lực xong thì loạng choạng, bất tỉnh và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Các bác sĩ chẩn đoán ông Mừng không sống sót qua khỏi tối 18/2, nên đã làm giấy ra viện để gia đình đưa ông Mừng về mai táng.
Ông Nguyễn Văn Mừng
Người nhà chuẩn bị quan tài, dựng rạp, gọi con cháu từ nơi xa về để chờ giờ tốt thì rút ống truyền ôxy. “Điều lạ là khi vừa rút ống xong, ba tôi cử động được tay. Sau đó ông chỉ vào ống thở, rút ống thở ra ông nôn đàm ra hết thì tỉnh lại” - anh Hoàng nói.
Bác sĩ Cao Việt Dũng, Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết đây là trường hợp có thể xảy ra khi tiên lượng của bác sĩ không chuẩn. Bệnh viện sẽ ghi nhận và kiểm tra lại trường hợp này.
Bệnh viện trả về, người lạnh toát bỗng đi đứng bình thường
Bệnh nhân Trần Thị Bé Năm (23 tuổi, trú tại xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) được cho là bị ung thư giai đoạn cuối... bỗng dưng khỏe lại. Sự việc hy hữu này xảy ra ngày 9/9/2012.
Cô Năm, con của một gia đình nông dân ở xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, từng thi đậu vào Trường Trung cấp Kinh tế Âu Việt (khoa Du lịch) năm 2007.
Đến năm 2008, các bác sĩ phát hiện cô mắc căn bệnh ung thư xương hiểm nghèo. Vào giữa năm 2012, bệnh của cô càng trầm trọng, gia đình phải đưa đi điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh quá nặng, ngày 7/9/2012 gia đình đã đón Bé Năm về nhà bằng băng ca, cơ thể lạnh toát, nằm mê man không biết gì.
Tất cả mọi thứ chuẩn bị "hậu sự" từ chiếu, quần áo, nơi chôn cất… đều được người nhà chuẩn bị xong. Họ hàng, chòm xóm cũng đến đông đủ. Tuy nhiên đến sáng ngày thứ 3 thì Bé Năm tỉnh dậy và đi đứng được trong sự ngỡ ngàng của người thân và hàng xóm.
Bác sỹ Trương Thị Vúng (Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre) cho biết trường hợp "hồi sinh" của bệnh nhân Trần Thị Bé Năm là điều kỳ diệu mà khoa học chưa giải thích được. Tuy nhiên, cũng có thể bệnh nhân Bé Năm khỏe mạnh trở lại có thể là do tác động tổng hợp của các biện pháp điều trị Đông-Tây y kết hợp.
Một bệnh nhân sống lại sau khi tim ngừng đập 15 phút
Ngày 3/1/2012, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà đã cứu sống một bệnh nhân đã bị chết lâm sàng 15 phút do bị nhồi máu cơ tim.
Theo đó, vào khoảng 0h25 ngày 25/12/2011, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận ca cấp cứu bệnh nhân tên Trương Văn Dục (54 tuổi, trú 17 Lê Hữu Trác, An Hải Đông, Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở hoàn toàn, mê sâu trong thời gian khoảng 15 phút.
Ông Trương Văn Dục sống lại sau 15 phút tim ngừng đập
Với hiện tượng ban đầu, êkíp cấp cứu trực tiếp nhận bệnh chẩn đoán ban đầu: ngưng tim ngưng thở do nhồi máu cơ tim cấp. Đồng thời tiến hành hồi sức rất tích cực, đặt nội khí quản, sốc điện nhiều lần, tiêm liên tục 65 ống Adrenalin để cứu bệnh nhân. Sau 57 phút bệnh nhân có tim trở lại, huyết áp rất thấp nhưng vẫn còn mê sâu và thỉnh thoảng có cơn rung thất đe dọa ngừng tim.
Trước tiên lượng rất nặng khó có khả năng qua khỏi và nguy cơ chết não do đã ngưng tim kéo dài trước đó, Bệnh viện Hoàn Mỹ quyết định chỉ đạo êkíp can thiệp tim mạch cấp cứu được triệu tập khẩn cấp và chuyển bệnh nhân vào phòng can thiệp dù trong tình trạng hôn mê sâu, mạch huyết áp lệ thuộc vào thuốc vận mạch liều cao, không có nước tiểu, thở máy.
Tiếp tục chụp mạch vành, êkíp điều trị phát hiện động mạch liên thất trước (động mạch chính cung cấp máu cho tim) bị tắt hoàn toàn, gây nhồi máu cơ tim cấp. Ngay lập tức bệnh nhân được đặt 2 stent mạch vành để tái lưu thông mạch máu, đồng thời đặt bóng nghịch mạch động mạch chủ cho bệnh nhân.
Sau 8 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân Dục đã hồi phục gần như hoàn toàn. Theo các bác sỹ điều trị, đây là trường hợp hy hữu trong y học do bệnh nhân đã ngưng tim ngưng thở từ ngoài viện đến 15 phút, đặc biệt là não khó có thể hồi phục sau thời gian dài ngưng thở như vậy.
Cụ bà chết trôi sông suốt 5 giờ bỗng sống dậy
Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Dí (69 tuổi, ấp 1, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) xảy ra ngày 10/7/2010.
Theo lời kể của chị Vân - con gái bà Dí, khoảng 6h hôm đó, chị nhận được tin báo mẹ bị chết trôi sông, xác đã được vớt lên, đang chờ cơ quan pháp y đến khám nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Dí sống lại sau 5 giờ chết trôi sông
Tính từ thời điểm bị dìm xuống nước từ lúc hơn 3h sáng đến khi được đưa lên bờ để lực lượng chức năng khám nghiệm tử thi, bà Dí đã ngụp lặn trong nước hơn 5 tiếng đồng hồ.
Thế nhưng, từ đây bắt đầu xảy ra một chuỗi các sự kiện, khiến nhiều người dân mỗi khi nhớ lại đều rùng mình. Bởi, khi thanh niên đưa bà Dí lên khỏi mặt nước, dùng biện pháp hô hấp nhưng không phát hiện bà có triệu chứng sặc nước. Tức là trong suốt thời gian bà bị dìm xuống nước, bà không thở, vẫn không uống một ngụm nước (điều này cả công an xã cũng xác nhận với PV).
Cứ nghĩ bà đã chết, người dân dùng sợi dây mây quấn quanh, đặt lên chiếc chiếu mới. Đột nhiên đôi bàn tay bà bắt đầu cựa quậy, mắt mở to, ngồi bật dậy nhìn xung quanh. Sự đột ngột sống dậy của bà khiến trẻ con, thậm chí cả thanh niên thần hồn át thần vía, bỏ chạy tán loạn vì kinh ngạc.
“Mẹ tôi hoàn toàn không nhớ bất cứ điều gì vừa xảy ra, miệng chỉ ú ớ, nhìn xung quanh rồi yêu cầu dìu về nhà nghỉ ngơi. Chúng tôi liền đưa mẹ đi cấp cứu ở Bệnh viện Hóc Môn. Sau đó, mẹ được các bác sĩ cho chuyển đến Bệnh viện 115 vì sợ chấn thương sọ não.
Qua hai ngày điều trị, mẹ đã có thể tự ăn, uống và các bác sĩ chẩn đoán bà hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất cứ biến chứng nào khác lạ” - chị Vân kể.
Sau lần thần chết vồ hụt, bà Dí vẫn không có bất cứ một biểu hiện nào khác lạ. Hằng ngày, bà vẫn đủ sức khỏe giúp con cháu chăm sóc đàn bò sữa, làm việc nhà lặt vặt.
Câu chuyện thoát chết hi hữu của cụ Dí, theo lý giải của các chuyên gia y tế thì, có thể đó chỉ là hiện tượng “chết lâm sàng”. Khi cụ Dí bị đuối nước và được vớt lên do tác động của ngoại lực, trong điều kiện thuận lợi, các trạng thái chức năng của cơ thể được kích thích bất ngờ hoạt động trở lại.
"Xí chỗ" nhà tang lễ, bỗng dưng... sống lại
Sau ca mổ u não, chị Vũ Thị Hải, bà chủ nhỏ của một quầy tạp hoá - in ấn trong con ngõ 107 phố Lĩnh Nam (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hôn mê suốt 20 ngày. Bệnh viện khuyên chuyển xuống “phòng đại thể” (cạnh nhà xác), gia đình đã đi đặt chỗ trong nhà tang lễ, thì bỗng dưng… chị tỉnh lại.
Đầu năm 2008, những cơn đau đầu thi thoảng hành hạ chị. Tháng 10 năm đó, thấy chị ngoài chứng hay quên còn kèm những trận động kinh thường xuyên hơn, gia đình quyết định đưa chị đi chụp cộng hưởng từ và kết quả là chị bị u não. Ngày cuối cùng của tháng 10/2008, khi Hà Nội chuẩn bị bước vào giữa đỉnh của trận lụt lịch sử thì chị lên bàn mổ.
Chị Vũ Thị Hải bừng tỉnh sau 20 ngày gia đình đã "canh" chỗ
trong nhà tang lễ
Theo người nhà chị Hải kể lại, ca mổ phức tạp hơn dự đoán vì khi mổ ra thì phát hiện khối u nằm ngay giữa rãnh não, các bác sĩ phải dừng lại để hội chẩn bởi nếu khoét sâu thêm một tí thì chị sẽ chết ngay trên bàn mổ. Sau ca mổ, chị hôn mê suốt 20 ngày, thậm chí gia đình còn chuẩn bị xong mọi thủ tục cho … về thế giới bên kia.
“Rất nhiều người nhập, rồi lại ra viện, nhưng mẹ thì vẫn nằm yên. Hết bác sĩ ta rồi đến bác sĩ tây vào vạch mắt mẹ để xem giãn đồng tử chưa. Thậm chí, những ngày kế tiếp, vì bệnh viện quá đông nên có người bảo chuyển mẹ xuống “phòng đại thể” (phòng của những người gần đất xa trời, nằm cạnh nhà xác), và gia đình cũng nên tìm nơi an táng” - con trai lớn của chị Hải kể.
Nghe cán bộ bệnh viện nói vậy, nhà chồng chị đã tính cả chuyện đưa chị về chôn cất ở Hưng Yên, quê chồng. Cỗ đám ma cũng đã đặt 45 mâm. Cậu em trai bên chồng thì đặt cọc 10 triệu đồng ở nhà tang lễ Phùng Hưng cho chị nằm lạnh hai ngày, chờ Hà Nội ngớt mưa thì chuyển thi thể về quê. Hai nhà nội ngoại đã thống nhất, vì gia đình chị khó khăn nên thằng lớn ở lại với bố, còn thằng nhỏ sang nhà ngoại để người chị cả nuôi.
Thế nhưng, khi đúng 20 ngày sau, vợ anh bỗng tỉnh dậy và ăn uống như một “con ma đói”.
Tỉnh dậy một cách thần kỳ sau cơn hôn mê, hơn một tuần sau chị được chuyển sang bệnh viện K trung ương để xạ trị, rồi thêm một tháng điều trị hồi sức ở bệnh viện bộ Nông nghiệp, bây giờ nhìn chị, dù vẫn gầy gò nhưng khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười và ánh lên trong đôi mắt một niềm ham sống mãnh liệt.
Kiến thức