Hủ tục mẹ chết, con bị chôn sống
"Dọ-tơm-amí" là hủ tục của tộc người Bana và Jrai ở Tây Nguyên. Theo tục lệ này, nếu người mẹ chẳng may chết khi vượt cạn thì trẻ sơ sinh phải chết theo. Ngay cả những đứa trẻ đang bú sữa mẹ mà mẹ chết, thì đứa trẻ cũng bị kết tội "dọ-tơm-amí", hoặc sẽ bị chôn sống theo mẹ, hoặc sẽ bị mang bỏ mặc giữa rừng ma. Khi đó, đứa trẻ sẽ chết vì kiệt sức hoặc không thì cũng chết vì rắn độc cắn hoặc thú dữ ăn.
Người dân nơi đây thừa nhận hủ tục "dọ-tơm-amí" có thật chứ không phải lời đồn, nhưng hủ tục có tự bao giờ thì không ai biết. Đây là hủ tục truyền đời nên dù gia đình không muốn thì trẻ sơ sinh vẫn bị chôn theo mẹ. Áp lực từ phía dân làng, dòng họ khiến cha của đứa bé không dám đấu tranh bảo vệ con.
Một góc rừng ma ở Tây Nguyên. Ảnh minh họa.
Những người già từng chứng kiến tục "dọ-tơm-amí" giải thích, nguyên nhân của hủ tục này là do cuộc sống nơi núi rừng xưa kia có nhiều khó khăn, khắc nghiệt. Nếu mẹ chết, con không được bú mẹ rồi cũng sẽ chết đói và người ta tin rằng, chôn đứa bé về thế giới ma sẽ được mẹ chăm sóc tốt hơn. Chỉ vì suy nghĩ đơn giản, lạc hậu ấy mà trước đây, nhiều trẻ em bị chết oan. Còn những người từng chứng kiến cảnh hủ tục được thi hành thì không khỏi rùng mình sợ hãi.
Hủ tục kinh hoàng này cũng được tộc người Ma Coong sống dọc dãy Trường Sơn ở miền Tây Quảng Bình lưu giữ ngàn đời nay. Hủ tục ấy bắt đầu bị xoá bỏ khi anh Nguyễn Diệu-một người dân tộc Kinh đến bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch lập thân.
Nếu sinh đôi, sẽ giết người sinh sau
Người J’rai ở Gia Lai quan niệm, chỉ có người phụ nữ bị ma ám, bị trời phạt mới đẻ sinh đôi. Nếu “chẳng may” sinh ba thì quả thật đó là một sự ghê rợn, là nỗi kinh hoàng với người dân trong làng. Vì thế, những đứa trẻ thấy mặt trời sau (em song sinh) sống sẽ là mầm mống gây tai họa cho cha mẹ và bà con. Để diệt trừ “tai họa” đó, anh em họ hàng và người dân trong làng sẽ kéo đến mang đứa bé vào rừng chôn sống để “con ma” không còn biết đường quay về làng gây họa.
Cách đây hơn chục năm, chị Rơ Châm Thon ở làng Klă vừa hạ sinh 2 đứa con trai thì người dân trong làng kéo đến đòi đem đứa bé sinh sau mang vào rừng chôn sống. Già H’Blâm liền chạy đến báo với ông Ksor Hoài - Trưởng công an xã lúc bấy giờ, đến can ngăn. Khi đó, hai người tới nơi thì may mắn, đứa bé vô tội vẫn còn khóc ré trong bàn tay người mẹ, dân làng chưa kịp lấy đi.
Chị Siu Klơng (thôn Dơ Bang, xã Ia Bang, Chư Prông) cũng suýt mất
một cô con gái song sinh vì hủ tục lạc hậu.
Bằng mọi cách, già H’Blâm và ông Hoài đã thuyết phục và tuyên truyền cho hàng trăm con người đang “nung nấu” ý định chôn sống đứa bé, để họ từ bỏ việc làm sai trái của mình. Sau cả buổi nói chuyện, dân làng đã chịu ra về và để cho đứa bé sống.
Cặp song sinh này được vợ chồng chị Thon đặt tên là Rơ Châm Phót và cậu em suýt mất mạng là Rơ Châm Phét. Hiện cả hai đang sống rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn, đang học lớp 6, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Mơr). Hai cậu bé Phót và Phét may mắn được cứu sống cũng chính là người "chặt đứt" hủ tục của người dân nơi đây.
Phơi xác chết hàng chục ngày rồi mới mai táng
Khi một người trong gia đình chết, người thân của họ vẫn coi như còn sống nên vẫn giữ lối sinh hoạt như thường ngày. Theo đó, mọi người vẫn đút cơm, nước vào miệng cho người chết. Sau nhiều ngày, thức ăn lên men, thậm chí ruồi nhặng bâu đen quanh mặt người chết, họ vẫn tiếp tục đút cơm như thế. Thêm vào đó, hàng ngày, người sống còn khiêng người chết ra sân, đặt ngửa lên tấm ván đã chuẩn bị sẵn, để người chết được "ngắm" mặt trời. Dù mưa to hay nắng cháy thì phải khi mặt trời mọc mới được khiêng người chết vào nhà. Hủ tục rùng rợn đó của người Mông đã tồn tại hàng thế kỷ trên bản Lung Tang, thuộc xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Hủ tục rùng rợn của người Mông đã tồn tại hàng thế kỷ.
Tùy vào người chết có bao nhiêu con, người nhà sẽ đem “phơi nắng” người chết từng đó ngày. Có người đưa ra một hai ngày, nhưng có người đưa ra hàng tuần trời, kể cả chân tay, đầu, tóc… rời ra thì họ vẫn phải “cúng” cho đúng ngày, đúng tục.
Gần đây, người Mông không còn còn phơi xác người chết hàng chục ngày như xưa nữa, nhưng tục này vẫn được duy trì. Theo đó, tùy theo số con, cháu đông hay ít mà người sống giữ, phơi xác người chết từ 1-3 ngày rồi sẽ mang đi mai táng.
Người Mông ở vùng rừng núi Tà Xùa (vùng giáp ranh giữa Phù Yên và Bắc Yên, Sơn La) xưa kia cũng tồn tại hủ tục tương tự. Họ thường đặt xác người chết trên giàn, treo lơ lửng vách nhà cả nửa tháng để làm ma. Sau từng ấy ngày làm ma, không hề có phương pháp bảo quản, ướp lạnh nên xác phân hủy nặng.
Ám ảnh hủ tục “ma trùng”
Ở hai thôn Xuân Thiên Thượng và Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân bao đời nay còn lưu truyền một hủ tục rùng rợn, gọi là tục “ma trùng”. Theo hủ tục này, khi không may trong họ tộc có người chết, trùng với thời điểm người thân đột nhiên sinh bệnh nặng, thì con cháu trong gia đình người bệnh sẽ chuẩn bị xăng dầu, cuốc xẻng đi xới tung mộ người chết để yểm bùa chú. Phải qua 49 ngày hoặc tròn một năm thì người chết mới có thể bình thản nghỉ ngơi, người sống không đổ oan cho người chết được nữa.
Việc canh chừng mồ mả vừa khiến người thân của người đã qua đời luôn lo lắng, bất an. Lực lượng công an xã và người dân phải nhiều lần phối hợp truy bắt, canh giữ nghĩa địa trước nguy cơ những người mê tín đào xới. Quan niệm lạc hậu này kéo theo hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng tới việc thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa của người dân nơi đây.
Kiến thức