Nhưng nếu gặp và được trò chuyện với các cụ cùng con cháu thì sẽ hiểu các cụ trường thọ bởi một lẽ sống rất đơn giản là chăm lao động, luôn rộng mở yêu thương, sống chan hòa cùng con cháu.
Hai chị em cụ Vi Thị Đắc và Vi Thị Các
Ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười
Qua nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm tới thôn Cam Chú, xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Nơi đây là ngôi làng sinh sống của cụ Vi Thị Đắc và Vi Thị Các, cặp song sinh cao tuổi nhất Việt Nam. Một người phụ nữ trung tuổi từ đầu xã đã nhanh chóng chỉ cho chúng tôi đến nhà con trai út đang sống cùng cụ Vi Thị Đắc. Còn nhà người chị song sinh là Vi Thị Các thì ở cách đó khoảng vài chục nếp nhà. Người dân ở đầu xã bảo chúng tôi hỏi tên hai cụ không ai biết đâu mà phải gọi tên con cháu cụ hoặc hỏi nhà chị em song sinh cao tuổi nhất chứ tên các cụ thì chẳng ai biết.
Ngôi làng Cam Chú cách Hà Nội hơn cả trăm cây số này có lẽ sẽ ít người biết đến nếu như nơi đó không có hai chi em song sinh cao tuổi nhất Việt Nam cư trú. Theo những người dân quanh xã, gia đình hai cụ nổi tiếng không chỉ vì sự trường thọ mà còn bởi truyền thống hiếu thuận suốt nhiều chục năm. Thậm chí ngày Tết, nhiều bậc cha mẹ quanh xã còn cho con mình đi cùng các cụ trong làng đến chúc Tết hai cụ để được nắm bàn tay các cụ. Họ mong cho con họ mạnh khỏe, may mắn!.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Ất - con trai út cụ Vi Thị Đắc vào đúng bữa cơm trưa. Dù trong họ có đám cưới nhưng ông ất cùng cô con gái của mình vẫn ở nhà để lo cơm nước và ăn cơm cùng cụ Đắc. Được lời mời chân thành, vồn vã của cả nhà, chúng tôi cũng có niềm vui nho nhỏ trong chuyến đi công tác là được ăn cơm cùng gia đình. Một bữa cơm mộc mạc với rau cải luộc chấm tương, đậu rán cùng món chả lá lốt. Nhưng trong bữa cơm không thiếu đi những cử chỉ quan tâm, chăm sóc của những người trong gia đình với nhau.
Ông Ất chia sẻ: "Vì trong họ có chuyện hỷ, vợ tôi cùng con trai, con dâu phải sang làm giúp. Thành ra cô con gái dù về nhà nghỉ ngày cuối tuần cũng phải giúp gia đình việc nhà cùng với bán hàng ngoài quán. Chính vì thế sau khi nấu ăn xong, cả nhà phải bảo mẹ tôi (cụ Đắc) ăn cơm trước. Sợ bủ (từ gọi người cao tuổi ở Phú Thọ) đói nên dọn cơm cho bủ ăn trước để còn nghỉ trưa".
Sau bữa cơm, Nguyễn Thị Phương Liên (cô cháu gái của cụ Đắc) vui vẻ cho chúng tôi xem những bức ảnh của 2 cụ. Cô cháu gái vừa cho chúng tôi xem ảnh và kể rành mạch về hoàn cảnh chụp hình của từng bức ảnh. Ông Ất còn cho biết: "Lần mừng thọ mẹ tôi tròn 90 tuổi, cụ Các cũng mặc bộ quần áo màu đỏ giống mẹ tôi. Nhiều người vào mừng thọ mẹ tôi nhưng lại đi đến chỗ cụ chị song sinh để chúc mừng vì nhầm tưởng đó là cụ Đắc. Chỉ có con cháu thân thiết mới phân biệt được đâu là cụ Các, đâu là cụ Đắc. Thậm chí những người hàng xóm biết hai cụ từ xưa cũng vẫn nhầm như thường".
Hai cuốn "từ điển sống" của làng Cam
Chúng tôi ngồi xem cuốn album ảnh của gia đình và chờ cụ Đắc nghỉ trưa dậy. Tầm hơn 13h, cụ Đắc ngồi dậy trò chuyện với chúng tôi và cô cháu gái. Khi hỏi chuyện về cuộc sống, cụ chỉ cười bảo giờ chỉ muốn sống vui vẻ với con cháu, được ăn cau hỷ của cô cháu gái mà từ bé cụ đã chăm bẵm. Cụ còn khoe nhớ được những câu thơ khuyết danh nói về làng Cam. Cụ ngâm nga: "Xung quanh hàng tổng thì cao/ Duy làng Cam Chú lọt vào đồng chiêm/ Trải qua phong cảnh mà xem/ Nhân đinh cũng thịnh đồn điền lớn ghê..." Rồi mà kết rằng: "Chớ chê Cam Chú bùn lầm/ Tuy rằng hiểm địa nhà Trần khi xưa/ Tuy rằng đất có một mùa/ Làng Cam phật định trời cho muôn đời" (Truyện Làng Cam - một bài thơ cổ khuyết danh về làng Cam Chú).
Phóng viên trò chuyện cùng cụ Vi Thị Đắc (giữa ảnh) và cháu gái cụ
Ông Ất cho biết, các cụ trong làng thường sang nhờ hai cụ đọc cho những bài thơ cổ của làng Cam Chú. Một trong những bài thơ đó là Truyện Làng Cam. Dù hiện nay mắt của hai bà không còn tinh tường như xưa nhưng trí nhớ 2 cụ vẫn rất minh mẫn.
Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, mọi người trong gia đình hai cụ đều khẳng định chẳng có gì đặc biệt ngoài việc các cụ luôn sống vui vẻ và thường xuyên lao động. Ông Ất cho biết: "Dù đã sống ngoài trăm tuổi, nhưng cả mẹ tôi lẫn người chị song sinh đều chưa từng ốm nặng lần nào, có chăng cũng chỉ là cúm hoặc đau nhức người do thời tiết. Lúc hai cụ đã ngoài 90 tuổi, các cụ vẫn làm khá nhiều việc giúp con cháu trong nhà như làm vườn, hái rau, trông cháu, giặt giũ... Hai cụ không nghiện thứ gì ngoài nhai trầu. Chế độ ăn uống của các cụ rất đơn giản: Ngày ăn đủ ba bữa. Bữa sáng thường là bát cháo. Trưa và tối, mỗi bữa hai bát cơm đầy. Ngoài ra, các cụ còn ăn các loại hoa quả chủ yếu là do nhà trồng được như chuối, cam...".
Ngày trước, hai cụ cực khổ làm thuê làm mướn quanh làng, tối mịt mới về tới nhà tranh thủ cấy gặt ở mảnh ruộng nhà mình, thế mà các cụ vẫn kiếm đủ khoai sắn nuôi các con. Các cụ giữ cái tính hay lam hay làm và chịu thương chịu khó ấy mãi đến giờ. Nay dù tuổi cao nhưng ngày nào hai cụ cũng cố ăn đủ hai bát cơm cho con cháu mừng.
Cô cháu gái của cụ còn chia sẻ, hai cụ lúc ngoài 80 cũng không bao giờ muốn con cháu làm hộ mình việc gì. Mặc dù vậy giờ bà nội cô đã ngoài 100 tuổi, cụ chỉ có thể đi lại quanh nhà nhưng mọi công việc vệ sinh cá nhân cụ vẫn hoàn toàn tự làm lấy chưa cần con cháu giúp. Nhưng người chị song sinh là cụ Vi Thị Các thì vẫn đi lại được, thậm chí cụ còn ra vườn hái rau, đỡ đần con cái việc nhà vào những ngày mùa màng bận rộn hay khi con cháu đi vắng. Thi thoảng cụ Các còn tự đi lại nhà người em gái song sinh để trò chuyện. "Cả nhà tôi không hiểu 2 cụ kể cho nhau nghe chuyện gì. Mà mỗi lúc cụ Các sang chơi và nói chuyện thi thoảng lại thấy tiếng cười vọng ra", chị Liên cho biết.
Chúng tôi ra về mang theo những tình cảm ấm áp từ cụ và gia đình. Tôi vẫn nhớ như in lời cụ Vi Thị Đắc nói với khi chúng tôi ra về: "Khi nào có dịp đi qua mảnh đất làng Cam lại ghé vào thăm bủ nhé!". Mong rằng hai cụ sẽ luôn mạnh mẽ, kiên cường như những cây tre, cây luồng ở mảnh đất trung du này.
Người Đưa Tin