Cách chơi nhạc kì lạ nhất trên thế giới
Anh là Mai Đình Tới, một nghệ sĩ thổi sáo từng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, từng có thời gian đứng trên bục giảng của các giảng đường âm nhạc lớn. Thế nhưng, niềm đam mê âm nhạc và khát vọng cháy bỏng được sáng tạo đã thổi một luồng sinh khí mới lạ vào con người anh.
Anh sinh năm 1964 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Thanh Hóa. Vốn con nhà nghệ sĩ nòi nên khi vừa học xong Nhạc viện Hà Nội, anh đi về Phương nam tìm kiếm cho mình mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng ước mơ âm nhạc. Vạn sự khởi đầu nan, mới đầu anh đầu quân ở Đoàn ca múa nhạc kịch Vũng Tàu. Trong thời gian đầu, anh tham gia lưu diễn cùng đoàn nay đây mai đó phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn nghệ của nhân dân là chính.
Màn biểu diễn bằng dàn nhạc cụ toàn chai nước ngọt
Anh vẫn chỉ là một thành viên bình thường trong đoàn nhưng như thế đối với anh là một điều luôn bứt rứt. Nó quá tầm thường, quá nhỏ bé thì sẽ chẳng bao giờ bứt phá được ra bên ngoài. Năm 1992, anh bắt đầu nảy ra ý định đánh trống bằng chân. Người bạn thời niên thiếu ủng hộ bằng cánh cho anh mượn hẳn một căn phòng dành riêng để anh tập ước mơ "quái dị". Lúc đầu tập, dùi trống kẹp ở hai đầu ngón chân chưa đánh đã tuột ra, cổ phải cúi nhiều nên đau ê ẩm.
Không bỏ cuộc, từng ngày anh tập luyện đều đặn khi chưa tiến bộ hơn thì không ăn uống gì. Đến khi âm thanh tiếng trống phát ra được từ chân cũng là lúc hai bàn chân, các ngón châu sưng lên, tóa máu và tìm bầm lại. Đã quyết tâm là phải làm, anh không cho phép mình bỏ cuộc, càng tóe máu, anh cáng đập mạnh. Cả tuần không đi lại được vậy mà anh không bao giờ có ý định từ bỏ ước mơ. Đau đớn bù lại cho anh những nhịp trống ngày một đều, trong trẻo và nhịp nhàng.
Sau 9 năm miệt mài, lần đầu tiên trên sân khấu của một nhà hàng sang trọng ở Vũng Tàu, hôm ấy có rất nhiều những vị khách người nước ngoài, mọi người sửng sốt vì pha độc tấu vừa thổi sáo vừa đánh trống bằng chân của một thanh niên nhỏ thó người Việt Nam. Họ ủng hộ anh đầy cả cái rổ những tờ tiền đôla mệnh giá 1, 2 đô. Anh đã hét lên thật lớn, cười to trong nước mắt không phải vì mình vừa kiếm được tiền mà vì sự thành công sau bao tháng ngày khổ ải luyện tập.
Giờ nhớ lại anh bảo: "Mình cũng không ngờ lần đó là dấu mốc để cuộc đời, sự nghiệp âm nhạc của mình rẽ sang một con đường mới. Bạn bè trong đoàn ở Vũng Tàu lúc ấy vẫn chưa tin mình làm được như vậy. Cái gì cũng có giá của nó nhưng bạn phải ước mơ, quyết tâm và quyết tâm đến cùng thì sẽ làm được. Máu đổ ra đều có cái hậu của nó, tôi là một người bình thường, chỉ vì tôi đam mê và bỏ công sức cho đam mê ấy nên làm được".
Thành công như tiếp thêm lửa cho anh thực hiện tiếp những ý tưởng kì lạ, khác người. Thay vì thổi sáo bằng miệng như truyền thống vốn có từ xưa đến nay của các nghệ sĩ, Mai Đình Tới lại tập thổi sáo bằng mũi. Vì là nghệ sĩ thổi sáo nên khi chuyển tư thế, địa điểm để thổi anh không mấy khó khăn. Cái khó của việc thổi sáo bằng mũi là anh phải ngậm chặt miệng, dồn toàn bộ hơi trong cơ thể truyền qua mũi. Vì mũi và miệng thông với nhau nên khi chuyển hướng đi nó chỉ hơi yếu một chút. Anh giải thích: “Cái khó nhất là sự điều hòa âm thanh của sáo ở những làn hơi. Hơi to, nhỏ đều không chuẩn mà phải đều đều, nhẹ nhàng đặc biệt nhịp thở cũng phải đi liền với âm thanh của sáo”.
Thổi sao bằng ống nhựa, vỏ chai cho đến đánh đàn bằng ống bô xe máy, cánh cửa…
Thành công trên những ý tưởng khám phá mới lạ, mai Đình Tới được nhiều người biết đến cả trong và ngoài nước. Anh dần khẳng định cho mình những ưu thế nổi bật, khác người không dừng lại ở một vài món nghề. Anh mày mò, nghiên cứu chế tạo ra dàn kèn có kết cấu từ 14 vỏ chai nước Pepsi có thể tích giống nhau nhưng chứa đựng lượng nước khác nhau mục đích là để tạo âm thanh khác nhau trong mỗi chai nước. Anh mang dàn chai nhạc cụ lạ ấy lên sân khấu và đem đến cho khán giả những giai điệu, tiết tấu chẳng khác nào một nhạc cụ chính quy. Đó là sự trữ tình của ca khúc mang giai điệu dân tộc như: " Chim sáo ngày xưa, liên khúc ba miền, bà tôi... rồi tiết tấu nhanh, sôi động như " hoa cỏ mùa xuân, cô tấm ngày nay, tây du ký..."
Mai Đình Tới hạnh phúc bên người vợ của mình
Mỗi ngày là một sự sáng tạo, đổi mới không ngừng. Mỗi khi thấy Mai Đình Tới bước lên sân khấu là y như rằng lần đó anh sẽ mang theo một vật dụng lạ mà vô cùng quen thân với mọi người. Đó là cây đàn ghi ta bằng ống bô xe máy vẫn còn nguyên hiện trạng sử dụng, anh ôm vút đầu người, nhảy nhót, lắc lư gẩy lên những âm thanh, giai điệu mượt mà của bất cứ bài hát nào. Khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có khi lại thấy anh xuất hiện với cái cánh cửa bên mình rồi bóng đèn nion đang cắm điện...
Anh dí dỏm: "Tôi muốn làm cái gì cũng khác người và ngược lại. Đó mới là sự sáng tạo. Một con đường chưa ai đi, khi bạn đi và đi nhiều nó sẽ thành lối mòn. Tôi muốn và luôn tạo ra con đường duy nhất chỉ có tôi đi mà thôi".
Năm 2008, anh cho ra đời dàn nhạc cụ bằng ống nhựa có chiều ngang 7m, sâu 5,5m và cao 6m hoành tráng và hoàn hảo với sự xác nhận của các nhà chuyên môn về sự chuẩn xác của âm thanh. Mai Đình Tới cho biết, anh đã mất hàng chục đêm thức trắng suy nghĩ và thời gian hoàn thiện là hơn một tháng cho sản phẩm trên. Chẳng ai nghĩ một vật vô tri vô giác như ống nhựa mà có thể thành nhạc cụ được. Thật sự, quá trình làm gặp rất nhiều khó khăn vì trong ý tưởng là như thế nhưng khi thực hiện lại khác. Như đàn Krông pút, anh phải mất một tháng rưỡi. Đòi hỏi người sáng tạo phải không ngừng tìm tòi, nghiên cứu có khi phải chịu sự thất bại.
Tuy nhiên ở mỗi sự thành công của Mai Đình Tới không chỉ là một khối lượng chất xám anh phải bỏ ra mà còn là những lao tâm khổ tứ, những đêm thức trắng, những ngày không ăn. Anh chấp nhận vì đó là sự cống hiến cho sự đặc sắc của âm nhạc và điều lớn lao hơn, anh là người Việt Nam duy nhất trên thế giới có khả năng thể hiện âm nhạc qua những nhạc cụ không chính thống.
Người đưa tin