Ngôn ngữ @ là những biến tấu trong cách dùng từ ngữ tiếng Việt, thường được sử dụng phổ biến trong giới trẻ. Hiện tượng ngôn ngữ này đã tạo thành hai luồng ý kiến đồng tình và phản đối, gây ra nhiều tranh cãi. PGS.TS Văn Như Cương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Phạm Văn Tình và họa sĩ Thành Phong đã chia sẻ với độc giả về vấn đề này trong buổi “Tọa đàm ngôn ngữ giới trẻ thời @” tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội chiều 29/3.
Những thành ngữ mới qua tranh "Sát thủ đầu mưng mủ" liệu có khiến giới trẻ
lệch lạc trong nhận thức?
Tháng 10/2011, cuốn sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” của họa sĩ Thành Phong đã bị ngưng xuất bản sau hai tuần ra mắt công chúng. Cuốn sách là tập hợp 120 câu nói thông dụng trong đời sống thế hệ trẻ được minh họa bằng những bức tranh vui nhộn và sinh động. Nhưng những câu cửa miệng của cư dân mạng lại vướng phải một luồng dư luận phản đối. Nhiều người lo ngại cuốn sách sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt vốn đã có một số biến thể tiêu cực gần đây.
Là phụ huynh của một bé trai bốn tuổi, chị Diệu Linh, độc giả tới tham dự tọa đàm đã chia sẻ lo lắng của mình về cuốn sách nói riêng và ngôn ngữ giới trẻ nói chung sẽ ảnh hưởng tới tư tưởng của trẻ em, đặc biệt là khi những câu nói ngoài luồng này được đưa vào sách. Một số độc giả khác có cùng ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp để loại bỏ những ảnh hưởng xấu từ ngôn ngữ tới lối sống của giới trẻ, thậm chí chỉ nên thử nghiệm phát hành những tác phẩm như “Sát thủ đầu mưng mủ” trên Internet.
Đáp lại các ý kiến này, tác giả của cuốn sách cho rằng: “Không có ngôn ngữ xấu hay tốt, mà xấu hay tốt là ở người dùng”. Theo anh, sách in hay mạng Internet chỉ là công cụ truyền tải đến người đọc, không nên phân biệt rằng khi đã tổng kết thành sách tức là nghiễm nhiên coi các “thành ngữ @” là chính thống. Nhiều độc giả tham gia tọa đàm cũng đồng tình rằng “không thể vì một cuốn sách mà giới trẻ nói bậy hơn”.
Các diễn giả tham gia tọa đàm (từ trái qua): họa sĩ Thành Phong, PGS.TS Văn Như Cương,
nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và PGS.TS Phạm Văn Tình
Về phía các nhà giáo, PGS.TS Văn Như Cương đánh giá cao những câu thành ngữ mới phát triển từ thành ngữ cũ. Ông cho rằng thành ngữ cũng cần phải phù hợp với từng thời kỳ và có thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. “Thời xưa khi khó khăn, muốn làm giàu mà không có vốn thì mãi mãi không giàu, gọi là ‘cái khó bó cái khôn’. Trong kháng chiến, ở tình thế khó khăn thì phải sáng tạo, lúc ấy ‘cái khó ló cái khôn’. Còn bây giờ cứ khó mãi, đói mãi thì làm sao khôn lên được, rõ ràng là ‘cái khó ló cái ngu”.
PGS.TS Phạm Văn Tình thì không hoàn toàn đồng ý với tất cả các thành ngữ mới trong cuốn sách, ông khẳng định rằng: “Tất cả những cái mới đều bị phản đối, chúng ta không nên vội vàng tán dương ngôn ngữ @, nhưng càng không thể phủ nhận nó. Không phải sản phẩm trí tuệ dân gian nào cũng được chấp nhận mà tự nó sẽ có quy luật đào thải, chọn lọc tự nhiên. Cần bình tĩnh xem xét hiện tượng ngôn ngữ này”. Bên cạnh ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết cũng ảnh hưởng tới một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là học sinh cấp 2, cấp 3. PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng nhà trường cần phải uốn nắn để trau dồi tiếng Việt của các em theo đúng hướng.
Ngôn ngữ không bất biến mà nảy sinh theo nhu cầu của xã hội. Người ta vẫn đang dùng những từ mới mà cách đây 20 năm chưa từng xuất hiện. Vế đối “Năm Mèo, bấm chuột, gửi ‘meo’ cho mèo” – một trong những vế đối khó chưa ai đối lại được, chứa tới hai từ mới là “chuột” trong máy tính và “meo” từ "e-mail". Nhà thơ Nguyễn Duy sẽ không thể nảy ra câu thơ “Giọt rơi hơi bị trong veo/ Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi/ Chân mây hơi bị cuối trời/ Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu”, nếu như giới trẻ ngày ấy không “sáng tác” thêm từ “hơi bị”. “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không phải là khư khư không chịu thay đổi. Chúng ta cần thể hiện tình yêu tiếng Việt bằng cách tiếp thu thêm những từ đẹp và hay, như ông bà, cha mẹ để lại”, như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói.