Những tưởng sau những phản ứng gay gắt từ dư luận, đài truyền hình sẽ cẩn trọng hơn trong việc đưa phim lên sóng. Nhưng xem ra nhà đài không coi chuyện này quan trọng lắm.
Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
Có thể nói
Lời thú nhận của Eva nhảm ngang ngửa Xin thề anh nói thật, từ nội dung cho đến cách thể hiện. Lối kể chuyện thậm xưng vượt quá ngưỡng chịu đựng của khán giả có vẻ đang là mốt của phim hài phía Bắc. Nếu như trước kia, tiếng cười trong phim phía Bắc tinh tế và sâu sắc bao nhiêu thì giờ đây lại vô duyên và nhạt nhẽo bấy nhiêu.
Các diễn viên trong phim Lời thú nhận của Eva.
Nhân vật chính - San - là một cô gái không biết tự đánh giá năng lực bản thân. Mặc dù bị nhà sản xuất từ chối kịch bản, cô ta vẫn nằng nặc rằng tác phẩm của mình hay, rồi truy lùng số điện thoại cầm tay, điện thoại nhà riêng của giám đốc để khủng bố anh ta bất cứ lúc nào. Cách làm đó chắc chắn không thể có ở một người biết điều, mà theo kiểu “cố đấm ăn xôi”, ép người khác phải chấp nhận sản phẩm của mình bằng mọi giá. Việc San tìm cách lọt vào nhà giám đốc trong vai trò ôsin để thuyết phục anh ta chấp nhận kịch bản của mình là chi tiết mấu chốt cho câu chuyện phát triển, nhưng mấu chốt đó cũng quá khiên cưỡng đến nỗi khó chấp nhận được.
Nhân vật bà mẹ (Chiều Xuân) thì luôn “cưa sừng làm nghé”, đỏng đảnh, ra ngắm vào vuốt và nói những câu ngớ ngẩn khiến khán giả chịu không nổi, nhất là những đoạn bà này tương tư bạn trai. Cách diễn cố tạo của Chiều Xuân đã biến hình ảnh người mẹ thành kiểu “nửa người lớn, nửa trẻ con”, chỉ thấy nhố nhăng và lố bịch.
Phản cảm nhất là đoạn nhà giám đốc tuyển osin với cảnh một loạt cô gái ngồi xếp hàng dài để dự tuyển. Thế rồi các cô bị loại hết vì không ai làm nổi món trứng ốp la hay quét được cái nhà! Bản thân San thì không phân biệt được đâu là chai nước rửa kính, đâu là chai nước rửa bồn cầu, phải gọi điện về nhà hỏi bà. Kể cả chưa khi nào động đến thì ít nhất cô ta cũng phải biết đọc chứ! Lỗi “ngu hóa” nhân vật một lần nữa lại nổi cộm ở bộ phim này, giẫm vào “vết xe đổ” của Xin thề anh nói thật.
Ngoài ra, các nhân vật trong phim cũng thiếu số phận. Khán giả không hiểu họ làm nghề gì mà có thể sống sung túc, chỉ thấy họ mặc nhiên xuất hiện là đã như vậy rồi.
Từ dở đến dở
Hồi Anh chàng vượt thời gian lên sóng và bị chê thậm tệ, giám đốc hãng sản xuất Năng Động Việt là bà Ngọc Ngân kêu gọi khán giả bình tĩnh vì phim chưa đi được 1/3 chặng đường. Tuy nhiên, ở vào thời đại kênh truyền hình nhiều như nấm, việc chuyển kênh diễn ra trong tích tắc mà yêu cầu khán giả kiên nhẫn “gặm” những món khó nhằn để hiểu ý đồ của mình là điều không tưởng. Nếu những tập đầu không thu hút thì ai có đủ nhiệt tình để theo dõi tiếp. Và lấy gì đảm bảo rằng phim đang dở thì bỗng dưng hóa hay? Lời thú nhận của Eva là một trong những phim như thế.
Một cảnh trong phim Lời thú nhận của Eva.
Nắm được tâm lí này, một số nhà sản xuất có vẻ thức thời hơn khi đầu tư khá kỹ lưỡng cho những tập đầu nhằm tạo dư luận tốt. Tiếc thay, phim lại diễn biến ngày càng dở, giống như tô bún riêu chỉ được lớp váng mỡ màu mè cho bắt mắt mà thiếu độ đậm đà. Đó là trường hợp của phim Tóc rối. Phần đầu được làm khá tốt, nhưng càng về sau càng dài dòng, rối rắm đến nỗi có những nhận xét như: “Tóc rối càng xem càng rối”.
Trên diễn đàn dienanh.net, một khán giả nói: “Trước đây nếu có ai chê phim Việt thì tôi thường lên tiếng phản đối. Nhưng giờ đây chính tôi cũng không còn hứng thú gì với phim Việt nữa”. Khó mà nói rằng nhà làm phim không nhận thức được chất lượng yếu kém trong phim mình, bởi ít nhất họ cũng là những người có chuyên môn. Bản thân khán giả còn la ó, cớ gì họ không nhận ra. Vậy phải chăng vì mải chạy theo lợi nhuận và tiến độ mà họ không còn quan tâm đến chất lượng?
Khán giả tuy ủng hộ phim Việt thật, nhưng cái họ cần là chất lượng chứ không phải những thứ “thượng vàng hạ cám”. Nếu cứ duy trì sự dễ dãi, chạy theo số lượng mà thả nổi chất lượng, e rằng ngày phim Việt bị quay lưng không còn xa.
Đất Việt