Không cần có nghề, chỉ cần có tiền, giỏi tìm tài trợ và “biết cách” đưa phim lên sóng là có thể kinh doanh kiếm lời từ phim truyền hình. Phim làm theo kiểu gia công, chắp vá, đạo diễn bỏ màn hình, bối cảnh dàn dựng sơ sài, diễn viên bận chạy sô nên đóng phim như những con rối, làm phim dễ dãi, cẩu thả… là thực trạng đang diễn ra của không ít đoàn làm phim ở trường quay.
Bối cảnh: Sao cũng được
Trong khi nhiều nhà làm phim có tâm với nghề bất chấp gian khổ lặn lội đi tìm cho bằng được bối cảnh ưng ý thì cũng có những kiểu làm phim “sao cũng được, càng ít di chuyển càng tốt” – theo cách nói cay đắng của một đạo diễn phim khi nhận được “chỉ thị” từ nhà sản xuất.
Theo chân một đoàn phim nói về tuổi học trò, mới thấy nhận xét này là sự thật. Đạo diễn luôn yêu cầu nhân viên thiết kế cảnh quay tìm những bối cảnh “n trong 1” để tiết kiệm thời gian và chi phí. Thay vì ghi hình ở hai địa điểm công viên và trường học, đạo diễn này chọn cách “cắm chốt” tại một địa điểm, sử dụng cho cả hai bối cảnh.
Cảnh trong phim Anh chàng vượt thời gian
Sau đó, nếu cần thì cho quay riêng toàn cảnh trường học để lắp cảnh vào phim. Đạo diễn phim này cũng thừa nhận việc tận dụng không gian như vậy sẽ cho những khung hình hẹp, không đẹp, thậm chí thiếu sức sống nhưng buộc phải làm như vậy vì kinh phí đoàn phim có hạn, tiết chế được chừng nào hay chừng ấy.
Ở phim Anh chàng vượt thời gian, bối cảnh lễ hội trà chỉ được trang bị bàn ghế sơ sài cùng với vài cái chung trong một không gian hẹp, lộ rõ sự nghèo nàn khiến chính các diễn viên cũng nản lòng.
Hay như cảnh quay về phản ứng của dân làng đòi quyền bình đẳng với ban giám đốc nhà máy xả chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của bà con (trong một bộ phim về đề tài môi trường đang được thực hiện) cũng được giản lược tối đa. Chỉ vài diễn viên quần chúng đứng ra hô hào, hoàn toàn thiếu khí thế tranh đấu. Tuy nhiên, đạo diễn cũng chấp nhận cho hoàn thành phân cảnh ở mức độ chỉ mang tính minh họa như vậy.
Đạo diễn Nguyễn Minh Cao, vốn rất kỹ tính và trau chuốt cho các cảnh phim của mình, bộc bạch có lần anh muốn thực hiện phân cảnh nhân vật chết trên cánh đồng, trong vòng tay của người yêu cho thật lãng mạn nhưng lực bất tòng tâm vì nhà sản xuất yêu cầu “chết đâu cũng là chết, ghi hình trong khách sạn sẽ đỡ tốn kém hơn”.
Những lý do thiếu kinh phí, thiếu thời gian thường được đưa ra bào chữa, ngụy biện cho những bộ phim kém chất lượng nhưng chỉ có thể nói đó là sự thiếu trách nhiệm của những người thực hiện.
Cảnh trong phim Màu của tình yêu
Còn tác giả trẻ Diệu Như Trang cũng tiếc nuối khi phim Màu của tình yêu cô viết có bối cảnh ở miền Tây với những cánh đồng vàng ươm, những chiều hoàng hôn lãng mạn thì bị thay đổi “không còn dấu vết” gì từ kịch bản. Một cây bút trẻ khác tiết lộ rất nhiều nhà sản xuất đặt hàng viết kịch bản đã yêu cầu: Bối cảnh thành thị, nhân vật nên giàu có, sử dụng công nghệ hiện đại càng nhiều càng tốt để dễ tìm tài trợ và “nhất thiết đừng bày vẽ bối cảnh tốn kém, chỉ cần đơn giản miễn sao thành chuyện phim là được” (!).
Cũng vì lý do đó mà một thời gian dài bối cảnh phim Việt chỉ gói gọn “trong nhà ra phố”, hiếm hoi lắm khán giả mới có thể xem được những phim thoát ra khỏi không gian của đô thị. Tâm huyết, sự nhiệt tình của nhiều đạo diễn cũng bị sự chi phối của đồng tiền làm cho lẫn lộn giá trị vàng, thau.
Ra trường quay rồi tính!
Diễn viên H. ký hợp đồng nhận vai nhưng không nhận được kịch bản, chỉ biết sơ lược về nhân vật. Hỏi đạo diễn thì được nghe kịch bản chưa hoàn chỉnh, từ từ cận ngày quay sẽ giao. Ngược lại, “ngôi sao” M. được yêu cầu nghiên cứu kịch bản thì trả lời không có nhiều thời gian, chỉ cần nắm bắt đường dây cốt truyện là đủ.
Diễn viên H.T nói chị từng chán ngán khi thể hiện một vai diễn trên kịch bản cũng có một số phận, tính cách riêng nhưng ra trường quay mới biết chỉ cần “thoại qua thoại lại là được”. Nam diễn viên N., muốn cảnh quay thuyết phục hơn, anh không ngần ngại chịu cực diễn đi diễn lại khi bạn diễn và diễn viên quần chúng thể hiện chưa đạt nhưng đạo diễn tặc lưỡi cho qua.
Một đạo diễn khá “đắt sô” phim truyền hình nói thời gian của đoàn phim luôn eo hẹp, chuyện chăm chút cho phim kiểu như viết kịch bản phân cảnh hay buộc diễn viên đầu tư thời gian cho vai diễn trong khi họ bận tối mắt, tối mũi cho các dự án phim là điều xa xỉ. “Thực tế thì mọi thứ đều có thể xoay xở được trên trường quay, có những kịch bản dở tệ, thiếu logic, đạo diễn và diễn viên đôi khi cùng nhau tùy cơ ứng biến” - đạo diễn này tiết lộ. Không chỉ diễn viên chính mà diễn viên phụ dù muốn, dù không cũng phải làm việc theo kiểu “ra trường quay rồi tính” của một số đạo diễn, chủ nhiệm phim. Nhưng ra trường quay rồi mới biết đôi khi đạo diễn “để nhà quay phim tính” và phó mặc mọi chuyện cho phó đạo diễn rồi biến mất.
“Thiếu đạo diễn, cả đoàn như mất đầu tàu, anh em đoàn phim vẫn phải làm việc nhưng ai nấy đều thấy chán nản. Không biết phim lên sóng sẽ ra sao” – một nhân viên hóa trang nói.
Theo Người Lao Động