Nhiều khi trong một tập phim có quá nhiều những cảnh quay, chi tiết vô lý, thừa thãi, cốt chỉ để phục vụ cho quảng cáo.
Anh bảo vệ tòa nhà chung cư làm thêm cả việc bán kẹo trong bộ phim truyền hình C13 đón Tết
Trong tất cả 6 tập của bộ phim truyền hình C13 đón Tết đều có những màn quảng cáo chướng mắt. Anh bảo vệ tòa nhà chung cư làm thêm cả việc bán kẹo (cho nhà tài trợ). Anh trả tiền thừa cho khách gửi xe bằng kẹo rồi còn bồi thêm: “Loại này ngon lắm, ăn một lần là nhớ mãi”. Đủ các loại kẹo, kẹo cứng, kẹo mềm, kẹo cao su xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Diễn viên buồn hay vui đều ăn kẹo. Không hiểu sao trên mặt anh chàng bảo vệ xuất hiện một cái mụn đáng ghét. Thế là, cô gái ở tòa nhà tặng ngay cho anh một lọ thuốc trị mụn “rất tốt, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm”.
Trong bữa cơm, ông tổ trưởng khu chung cư không ăn được vì lo nghĩ “chuyện thiên hạ”, rồi ho sù sụ. Vợ ông liền chạy ngay ra lấy lọ thuốc ho “mua như đúng lời ông dặn”. Cảnh quay được zoom thẳng vào chai thuốc ho và ông tổ trưởng: ông chầm chậm rót thuốc vào cái nắp nhỏ, uống xong thì nói “Uống loại này vào là khỏi ngay”, rồi quay ra ăn cơm. Để quảng cáo cho cốm thúc đẩy chiều cao, trong phim có cảnh quay đặc tả hộp sản phẩm, bà ngoại pha rồi bưng lên cho cháu gái uống không quên kèm theo câu giải thích về công dụng. Tất cả sản phẩm của nhà tài trợ đều được nhà làm phim nhồi nhét một cách triệt để.
Hứa Vĩ Văn trong Lời thú nhận của Eva dù bận rộn vẫn nhớ mang theo một hộp thuốc đông dược
Xem phim Phía cuối cầu vồng mà nhiều khán giả ngỡ như đang xem phim quảng cáo cho một công ty sữa. Hầu như tập phim nào cũng có cảnh diễn viên... uống sữa. Trong cảnh đang bàn bạc công việc tại công ty, đột nhiên nhân vật quay ra yêu cầu nhân viên cho xin một cốc sữa tươi đúng loại của nhà tài trợ. Lời thú nhận của Eva cũng xuất hiện những hình ảnh quảng cáo vô duyên. Dù đang vội vã đưa cậu con trai đến trường và đi làm, nhưng người bố (Hứa Vĩ Văn) vẫn nhớ mang theo một hộp thuốc đông dược. Nhiều khán giả khi xem cảnh quay này có cảm giác như đang xem đoạn phim quảng cáo thuốc thường thấy trên truyền hình.
Kêu gọi tài trợ để có kinh phí làm phim là điều cần thiết, nhưng không phải vì thế mà bắt khán giả phải hứng chịu, không hiểu đang xem phim hay xem quảng cáo.
Thanh Niên