Thị trường béo bở
Nhắm đến đối tượng trẻ em, các bộ phim hoạt hình ăn khách bao giờ cũng là một cơ hội để nhà sản xuất kinh doanh các sản phẩm ăn theo phim và nó hiệu quả gấp hàng ngàn lần những spot quảng cáo thông thường.
Hãng phim hoạt hình Walt Disney (Mỹ) đi đầu trong lĩnh vực này khi hình ảnh của chú chuột Mickey, mèo Tom, chuộc Jerry, nai Bambi, búp bê Barbie, vịt Donal... đã trở thành những món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em trên toàn thế giới.
Tour diễn quảng bá cho “Robot trái cây” tổ chức tại Trường Tiểu học Cát Linh (Hà Nội).
Sau Mỹ thì Trung Quốc có lẽ là quốc gia nhanh nhạy nhất khi kinh doanh những sản phẩm ăn theo phim hoạt hình. Có thể thấy rõ điều đó khi trên thị trường đồ chơi Việt Nam tràn lan các đồ chơi do Trung Quốc sản xuất như 5 anh em siêu nhân, Ben 10, người máy, robot...
Dường như là các nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc còn biết rất rõ trẻ em Việt Nam đang yêu thích nhân vật hoạt hình nào để đáp ứng. Cuối năm 2010, dọc các phố bán đồ chơi trẻ em nhiều như Lương Văn Can, Đội Cấn (Hà Nội), các dãy hình nộm nhân vật hai anh chuối trong phim “Hai người bạn chuối mặc pijama” được bày la liệt với giá từ 100.000- 250.000 đồng tùy kích cỡ.
Ông Lê Văn Tuyển - chủ một cửa hiệu đồ chơi trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi phải công nhận các nhà sản xuất đồ chơi Trung Quốc giỏi thật, phim “Hai người bạn chuối mặc pijama” chiếu trên kênh Bibi là phim của Australia, nhưng thấy trẻ em Việt Nam thích là họ sản xuất ngay, chúng tôi nhập về và bán rất chạy”.
“Chiêu bài” để bán hàng
Thập niên 90 của thế kỷ trước, “hiệu ứng” làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc đã khiến nhiều người dân các nước trong khu vực châu Á học trang điểm, ăn mặc theo phong cách của các diễn viên trong phim. Và đến bây giờ thì kịch bản này đang lặp lại với phim hoạt hình Trung Quốc.
Bác Đỗ Thị Thúy ở Sơn Tây (Hà Nội) nói: “Hễ kênh Bibi chiếu phim nào thì thị trường đồ chơi lại ngập tràn các sản phẩm ăn theo, từ siêu nhân, người máy, ô tô, robot trái cây... có xuất xứ từ Trung Quốc, và người tiêu dùng Việt Nam buộc phải móc túi để chiều theo ý thích của con trẻ. Tôi đề nghị các đài truyền hình nên hạn chế phát sóng các bộ phim có dấu hiệu dùng “chiêu bài” sản xuất phim để bán hàng vì rõ ràng chúng ta đang làm giàu cho họ một cách vô thức”.
Rất nhiều phụ huynh đặt câu hỏi tại sao kênh Bibi không tăng thời lượng phát sóng phim hoạt hình Việt Nam để hướng trẻ em tới những cảm xúc, khung cảnh gần gũi với cuộc sống xung quanh chúng.
Anh Bùi Thắng ở Khu đô thị Định Công (Hà Nội) cho biết: “Dạo trước, con tôi nói kênh Bibi có phim “Cuộc phiêu lưu của chú ong vàng” do Việt nam sản xuất xem cũng tạm được, nhưng ngoài phim đó ra chẳng thấy Bibi chiếu thêm phim Việt Nam nào nữa. Tại sao chúng ta có hẳn một Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và thường được rất nhiều giải thưởng trong các lễ trao giải điện ảnh mà trẻ em Việt Nam lại không được xem phim hoạt hình Việt Nam? Những phim đó đi đâu hết rồi?”.
Dân Việt