Vấn đề được tập trung thảo luận giữa các bên liên quan vẫn là tìm hướng giải quyết được bức bối quanh việc lãnh đạo các CLB muốn giới cầu thủ chấp nhận việc họ phải chấp nhận ra đi nếu thấy không còn phù hợp yêu cầu. Và các cầu thủ phải đồng ý trả khoản thuế mới được Chính phủ thông qua, áp dụng cho các cá nhân có thu nhập cao.
Trước đó, Chủ tịch Liên đoàn Cầu thủ Italia (AIC) Tommasi tuyên bố các cầu thủ sẵn sàng chấp nhận trả thuế cao nhưng không bao giờ nhường bộ chuyện CLB được sa thải cầu thủ vô tội vạ như nêu trên.
Chủ tịch Serie A Maurizio Beretta còn tin tưởng sẽ kết thúc mọi việc trong ngày hôm nay (25/8) nhưng ngay khi cuộc họp khép lại, mọi thứ vẫn ngổn ngang bởi trong số 20 CLB tham dự đàm phán chỉ có Cagliari và Siena tán thành còn 18 đội còn lại không đồng ý.
Càng đàm phán, mọi thứ càng bế tắc.
Chủ tịch AIC, Tommasi thất vọng tuyên bố: "Nếu mọi thứ chưa được dàn xếp ổn thỏa, khả năng để các cầu thủ ra sân vào cuối tuần này để đá trận khai mạc mùa giải mới là không thể. Tôi không thể làm gì khác khi lợi ích của các cầu thủ đang bị tổn hại một cách nghiêm trọng".
Đây không phải lần đầu tiên Serie A rơi vào tình trạng này. Mùa giải 2010/11, vấn đề tương tự cũng đã xảy ra nhưng đến phút chót, giải vẫn khai mạc đúng lịch. Thậm chí, cách đây 5 mùa, ở mùa giải 2006/05 do ảnh hưởng của vụ Calciopoli mà Serie A chỉ có thể bắt đầu vào ngày 9/9.
Nếu đôi bên chưa tìm được giải pháp dung hòa thì Serie A sẽ phải hoãn tiếp đến ngày 10/9 mới có thể đá được vòng đầu tiên, do đầu tháng 9 cầu thủ phải về tập trung ĐTQG để thi đấu Vòng loại Euro 2012.
Đồng cảnh ngộ với Serie A còn có La Liga. Nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công này là bởi LFP không chịu thông qua một quỹ bảo trợ tiền lương cho các cầu thủ tại 2 giải đấu La Liga và Segunda.
BongdaPlus