Bạn đã từng phải hối tiếc vì bỏ lỡ không biết bao nhiêu cơ hội đơn đơn giản chỉ là ngại. Bạn biết mình làm được bài toán đó, bạn biết mình trả lời được câu hỏi của thầy cô giáo, bạn biết mình có thể tham gia hội thi văn nghệ cho lớp… Nhưng bạn lại chỉ ngồi đó và nhìn những bạn khác hành động, rồi trong lòng thầm lên tiếng "giá như mình…" khi nhìn thấy những thành quả mà người dũng cảm nhận được. Tất cả cũng chỉ vì một chữ NGẠI. Xã hội ngày càng phát triển, teen được tiếp xúc với nhiều thành quả khoa học của nhân loại hơn, vốn hiểu biết và những sở trường của mình cũng có điều kiện được bồi dưỡng và phát huy. Vậy teen còn ngại gì nữa?
Teen ngại ngay khi ở nhà
Gia đình vốn là nơi bình yên nhất của mỗi chúng ta, là nơi ta có thể về mỗi khi không biết đi đâu? Ở đó có những người thương yêu ta nhất, thấu hiểu ta nhất. Được ở nhà là một điều hạnh phúc và rất thoải mái. Thế teen còn ngại điều gì khi ở nhà? “Trên lớp tớ là được các bạn và thầy cô đánh giá là một người năng nổ, nhiệt tình, luôn tham gia các hoạt động của đoàn trường. Thế nhưng về đến nhà là tớ lại hoàn toàn như một người khác. Tớ suốt ngày ở lì trong phòng, hiếm khi trò chuyện cùng bố mẹ. Tớ rất ngại tâm sự với bố hay mẹ những vấn đề về tình cảm. Hơn nữa, bố mẹ đặt quá nhiều hi vọng vào mình, thế là chuyện học hành, bài vở mình cũng ngại chia sẻ luôn, bởi nếu được điểm cao thì không sao nhưng nếu chẳng may bị điểm thấp thì thôi, kiểu gi cũng bị “ giáo huấn một bài”.” - Toàn (17t) tâm sự.
Hay với K.Anh (18t) lại thổ lộ: “Bố mẹ mình suốt ngày lo buôn bán làm ăn, rất ít khi quan tâm tới con cái. Thành ra cả ngày chẳng ai nói với ai điều gì. Sớm tớ chưa ngủ dậy thì bố mẹ đã đi thành phố lấy hàng. Tối khi mình đã đi ngủ thì bố mẹ còn mải mê bán hàng. Có hôm cả gia đình còn không thấy mặt nhau nữa. Vì thế tớ đâm ra ngại tiếp xúc với bố mẹ. Rồi chuyện tiền đóng học, tiền tiêu vặt tớ cũng ngại không dám xin. Nhìn các bạn khác ôm cổ bố nũng nịu, tớ thèm lắm; muốn chạy thật nhanh về nhà sà vào vòng tay rộng lớn của bố nhưng mới nhìn thấy bố thôi, tớ lại lẻn đi chỗ khác ngay.”
Hãy gạt bỏ tâm lí ngại ngùng đó sang một bên, hãy bắt đầu trò chuyện cùng bố mẹ, đơn giản chỉ là “món canh cua hôm nay mẹ nấu ngon quá!” hay “Bố ơi! Bài kiểm tra chất lượng giữa kì môn toán con được 10 điểm. Cao nhất lớp nhé!”. Không cha mẹ nào không thương con. Bất cứ ai cũng muốn con mình được hạnh phúc và thành đạt. Vì vậy còn ngượng ngùng gì nữa mà không rúc vào lòng mẹ và nói “Con yêu mẹ rất nhiều!”.
Teen ngại khi ở trên lớp
Tưởng như đây là một điều rất vô lí nhưng thực tế thì tình trạng này lại xảy ra rất nhiều và hiện nay còn khá phổ biến nữa.. Đặc biệt là đối với teen học trung học phổ thông và các bạn sinh viên. Vì ai cũng nghĩ trường học là nơi các em được vui chơi, tha hồ chạy nhảy giữa một không gian rộng lớn và một môi trường có đầy đủ các yếu tố cần thiết cho sự phát triển của các em. Nhưng không phải tất cả đều đúng.
Nga (17t) nói: “Cấp 1, 2 hầu như trong tiết học nào mình cũng giơ tay phát biểu ý kiến. Nhưng lên cấp 3, khi học với toàn các bạn mới trong lớp, thì cường độ giơ tay của mình giảm dần đều,rồi sau đó là hết hẳn. Vì toàn những bạn không quen biết nên mỗi khi trả lời câu hỏi mình rất sợ sai và ngại các bạn chê cười. Cũng có những bài hóa, bài lí mình biết chắc đáp số nhưng cũng không dám nói. Đơn giản là vì ngại đứng trước đám đông, ngại các bạn xì xào, bàn tán là mình muốn nổi bật.” Trong suốt quá trình 12 năm học từ tiểu học lên trung học rồi đến phổ thông, ngay cả là bây giờ khi đã qua 2 năm làm sinh viên , tôi nhận ra bất cứ thầy cô giáo nào dạy tôi cũng đều khuyến khích học trò của mình phát biểu ý kiến. Bởi việc đó sẽ giúp ta nhanh nắm bắt được kiến thức, dễ thuộc bài hơn.
Minh (19t) cho biết: “Khả năng Tiếng Anh của mình không tốt lắm, vì thế mỗi khi học Tiếng Anh là mình lại xuống bàn cuối ngồi vì sợ cô gọi trả bài. Nhưng sau đó khoảng 2 tuần, một phần vì cô khá hay và cách kiểm tra bài cũ của cô cũng thú vị không khiến cho các bạn trong lớp không còn tâm lí ngại ngùng nữa. Đầu giờ ai cũng xung phong lên trả bài để cải thiện điểm. Mình hôm nào cũng thuộc bài vanh vách, nhưng chưa một lần dám giơ tay. Vì ngại các bạn cười giọng nói miền Trung khó nghe của mình. Mỗi lần thấy các bạn được điểm 8 hay điểm 9 là mình lại thầm nhủ: “Tiếc thật đấy, mình mà lên kiểu gì cũng “ xơi” con 9 ngon lành rồi! Thôi để hôm sau vây.” Nhưng hết cả học kì mà mình vẫn không thể vượt qua được nỗi ngại trước các bạn khác . Chỉ vì ngại phát biểu như vậy mà mình đã để tuột mất con A Tiếng Anh.”
Học tập là cả một quá trình chúng ta tiếp nhận kiến thức, muốn có kết quả học tập tốt thì không chỉ đơn phương một mình cặm cụi học được, mà rất cần sự trao đổi kiến thức giữa mọi người với nhau. Mạnh dạn hỏi thầy cô hay bạn bè những điều chúng ta chưa hiểu. Không ai cười một người ham học hỏi cả, chỉ có những người biết mình dốt mà cứ che dấu mới đáng chê mà thôi.
Teen ngại khi ra ngoài xã hội
Đó là tâm lí chung của bất cứ bạn nào mà thôi. Bởi từ nhỏ tới lớn các teen luôn được bố mẹ bao bọc và che chở rất cẩn thận. Vì thế khi bước chân ra ngoài xã hội phải tự mình đối mặt với các rắc rối, tự mình giải quyết lấy mọi việc đã khiến cho teen trở nên ngại tiếp xúc với mọi việc bên ngoài hơn. Thay vào đó, teen thường ở nhà và làm bạn với máy tính, với internet, với một cuộc sống ảo.
Minh (20t) cho hay: “Năm nhất, mới bước vào cuộc đời sinh viên nên hào hứng lắm. Tớ xin tham gia đội tình nguyện của trường. Vào các buổi chiều bọn tớ thường mặ áo xanh tình nguyện và phân luồng giao thông ở các điểm nút. Có lần, một bác xe ôm chở khách lại thêm đồ đạc, hành lí lỉnh kỉnh, đến chỗ tớ đừng thì bị ngã. Thế là bác ấy quát um lên, bắt đên vì đồ bị hỏng, làm mình sợ xanh mặt, không biết làm thế nào. Các anh chị ở đó chạy lại dựng xe giúp bác và giải thích với bác. Nhưng một mực bác ấy không chịu một hai đòi đền tiền khiến quãng đường bị tắc mất một lúc. Từ lần đó, mỗi khi thấy xe ôm hay được các anh chị phụ trách giao nhiệm vụ này là mình xin rút ngay, xin việc khác vì ngại gặp phải những tình huống như vậy”.
Trong cuộc sống có nhiều thứ học trong sách vở thôi là chưa đủ mà teen còn cần phải học cả trong thực tế xã hội nữa. Những trường hợp như của Minh sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm khi ra ngoài đời. Có rất nhiều việc bố mẹ để tự cho bạn quyết định hay giải quyết một mình không phải là bố mẹ không quan tâm tới chúng ta, mà do các bậc phụ huynh muốn con mình chững chạc hơn, tự nhận thức được điều gì là đúng , điều gì là sai. Cứ can đảm bước đi bạn sẽ tích lũy được cho mình một vốn sống giàu có và nhiều kinh nghiệm quý báu.
Vậy, bạn còn chần chừ gì nữa mà chúng ta không nói “good bye” với bênh ngại này nhỉ?
PLXH