Bố già không “đẻ” ra mafia
Ngày 11/10/2011, ở tòa thương mại London, như đã đề cập ở kỳ trước, Boris Berezovsky - bố già khét tiếng trong giới mafia và “đầu sỏ chính trị” Nga vào những năm 1990 đã chỉ tay vào mặt Roman Abramovich để tố cáo ông chủ Chelsea là gangster, hoạt động mafia. Cũng phải nhắc lại lời Berezovsky, là ngay trong lần gặp nhau đầu tiên trên du thuyền ở biển Caribbe năm 1994, bố già đã “kết” Roman Abramovich - một doanh nhân có tham vọng ở tuổi 28 và từ ấy, bố già “coi Roman Abramovich như con”. Tức là, Boris Berezovsky muốn xác tín với nữ thẩm phán Gloster cùng bồi thẩm đoàn một “tín điều”: Bố già giúp đỡ và hợp tác làm ăn với Abramovich như cha với con, chứ bố già không “đẻ” ra một “đứa con” Abramovich-gangster để rồi bị phản bội. Vậy ai biến doanh nhân Abramovich thành gangster?
Ngày 26/3/2000, ở Moscow, ở St. Petersburg, ở Siberia, ở khắp hang cùng ngõ hẻm nước Nga, những “anh Ivan” nghèo nhất cũng móc hầu bao ra mua một chai vodka để chúc mừng sự kiện ông Vladimir Putin chính thức trở thành ông chủ Điện Kremlin. Ngược lại, Bố già Berezovsky giống như một con chó dữ, nhưng đã bị người ta “cắt cụt đuôi”.
Roman Abramovich
Lần lượt những nhân vật có máu mặt trong “Vòng tròn Kremlin” (The Kremlin’s inner Circle) bị bắt, điển hình nhất là vụ bắt Nikolai Glushkov vào ngày 7/12/2000. Bản thân bố già dĩ nhiên cũng bị luận tội “lừa đảo, giết người, hoạt động mafia, liên hệ với phiến quân Chechnya…”. Trong bối cảnh ấy, một đàn em mà bố già “coi như con” là Abramovich lại bình yên vô sự. Và bố già lờ mờ nhận ra rằng, Abramovich không còn là “người” của mình nữa. Bố già tuyên bố: Abramovich đã phản bội.
Ván bài lật ngửa
Nhưng Berezovsky chỉ nhận ra, “đứa con phản bội” Abramovich có sức mạnh thực sự sau khi Nikolai Glushkov - một chiến hữu lớn của bố già bị tống vào nhà tù Moscow với tội “biển thủ” tiền của Aeroflot.
Theo quan điểm của bố già, sở dĩ ông bạn khốn khổ Glushkov bị bắt vì đã nói không với hội “KGB đen” (KGB Black) hay “Những chiến dịch đen” (Black Ops) trong vụ ORT, mà Roman Abramovich là một “bộ phận quan trọng của Black Ops”. Đến vụ “đe dọa và ép giá” Sibneft, Berezovsky lại nhận ra rằng, trên cả Black Ops, Roman Abramovich là “người của Vladimir Putin”. Ngày 11/10/2011, bố già khẳng định trên tòa: “Abramovich có Putin đứng ở đằng sau. Anh ta hiểu mình nguy hiểm thế nào. Anh ta nói: Tôi là người có ảnh hưởng đến những quyết định của Putin”.
Bố già choáng váng. Nhưng Berezovsky khẳng định, ngay sau khi Abramovich chơi ván bài lật ngửa ấy, bố già đã trở lại Điện Kremlin để “mặt đối mặt” với Tổng thống Vladimir Putin. Ở Điện Kremlin, theo bố già, lại một ván bài nữa được lật ngửa: Boris Berezovsky phải từ bỏ mọi lợi ích của mình ở ORT và Sibneft. Bố già tức mình chỉ trích lại Tổng thống Putin là người có lỗi trong vụ tàu ngầm hạt nhân Kursk bị đắm vào tháng 8/2000 rồi từ chối và “lại bị đe dọa”.
Bố già kết luận: “Trong tất cả các vụ Rusal, ORT và Sibneft, Abramovich đều mang Vladimir Putin ra để đe dọa và chúng tôi không thể làm gì. Xin lỗi quý tòa, Abramovich là gangster, Vladimir Putin là tấm lá chắn của anh ta, không phải tôi. Tôi nhắc lại, đó là Putin, không phải tôi”.
Gió bay qua Tử Cấm Thành
Kể từ khi chạy sang Anh tị nạn năm 2001, người ta chẳng lạ gì những lời công kích, chỉ trích dữ dội của Berezovsky nhằm vào ông Vladimir Putin. Nhưng lần này, lời cáo buộc của Berezovsky gây sự chú ý hơn cả, bởi bố giá đã khéo léo dùng ông chủ Chelsea để buộc tội ông Vladimir Putin. Một thủ thuật trong thi ca và hội họa mà người Trung Quốc vẫn gọi là “Vẽ mây, nẩy trăng”. Hơn nữa, “thủ pháp nghệ thuật” ấy được bố già sử dụng rất đúng thời điểm, nên nó làm cho dân Bắc Kinh phải xôn xao: ngày 11/10/2011.
Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào (phải) và Thủ tướng Nga, V.Putin
Hôm ấy, Thủ tướng Vladimir Putin chính thức đặt chân đến Bắc Kinh, thăm Trung Quốc 2 ngày theo lời mời của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ngoài vấn đề tăng cường hợp tác mối quan hệ song phương Nga - Trung, trong đó hợp tác năng lượng là trọng tâm, thì chuyến công du của Vladimir Putin có ý nghĩa rất lớn cho cá nhân ông.
Nên nhớ, chuyến công du của Thủ tướng Putin đến Trung Quốc chỉ diễn ra sau đúng 2 tuần ông tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống Nga vào ngày 4/3 năm tới, còn Tổng thống Dmitry Medvedev cũng đã loại trừ khả năng tái tranh cử ở Đại hội Đảng Nước Nga Thống nhất và để cử ông Putin, người tiền nhiệm của mình. Dư luận xứ Bạch dương cho rằng, ông Putin sẽ không có đối thủ và 12 năm tới, nước Nga sẽ lại của Putin.
Giới quan sát cho rằng, những cuộc hội đàm của ông Putin với Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vượt trên ý nghĩa của một cuộc công du cấp Thủ tướng, nó được hiểu là một hành động “thăm dò” xem Trung Nam Hải nghĩ gì về ông chủ trong tương lai của Điện Kremlin. Liệu sau cái bức tường cao vời vợi của Tử Cấm Thành kia, người ở Trung Nam Hải còn xem “Putin là người bạn cũ của nhân dân Trung Hoa” hay không trong bối cảnh ông Putin không nhận được cái nhìn thiện cảm của Nhà Trắng ở Washington D.C, vì nhiều bất đồng, nổi bật là mâu thuẫn chung quanh về “Hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu” (AMD).
Đúng vào thời Vladimir Putin cần sự ủng hộ, cần cái nhìn thiện cảm ở Bắc Kinh, thì ở London, bố già Berezovsky lại đưa tên ông Putin vào hoạt động mafia của Roman Abramovich. Và câu chuyện bên lề ấy xem ra được dư luận ở Bắc Kinh bàn tán xôn xao hơn là đề tài “năng lượng”, “vũ khí”, “quân sự”, “khoa học”… mà ông Putin hội đàm với ông Hồ Cẩm Đào tại Trung Nam Hải. Vẫn biết, tường Tử Cấm Thành rất… cao, nhưng những lời ong tiếng ve vẫn theo “gió” lọt vào Trung Nam Hải, khiến người ta không khỏi suy ngẫm.
Suy ngẫm về cái bắt tay hướng tới tương lai Nga - Trung của ông Putin và ông Hồ Cẩm Đào tại Trung Nam Hải mà người ở ngoài Tử Cấm Thành chẳng biết chặt hay lỏng. Suy ngẫm về cái bắt tay của ông Putin và Roman Abramovich ở Điện Kremlin trong quá khứ, mà theo lời trăng trối trước khi chết (đầu độc) của cựu điệp viên KGB, Alexander Litvinenko thì: cái bắt tay ấy chặt lắm.
Bố già chỉ cần thế...
Thể thao 24H