Cây gậy thật..
Ngày 1/3/1995, tức 1 năm sau “cuộc gặp định mệnh” của doanh nhân 28 tuổi, Roman Abramovich và bố già Boris Berezovsky trên chiếc du thuyền đầy rượu ngon và gái đẹp ở biển Carribe, thì bố già Berezovsky đã dạy cho Abramovich bài học bổ ích đầu tiên trên con đường làm giàu bằng cách tạo ra một… đám ma lớn nhất nước Nga, vì kẻ chết có vinh dự nhận được những giọt nước mắt của đương kim Tổng thống Boris Yeltsin cùng hàng triệu người dân Nga. Đám ma ấy của ngôi sao truyền hình Vladislav Listyev, giám đốc Đài truyền hình ORT (Channel One).
Abramovich và bố già Berezovsky những năm 1990
ORT là đài truyền hình nổi tiếng nhất nước Nga thời đó. Chính phủ sở hữu 51% cổ phần, còn lại tư nhân sở hữu. Năm 1995, nhận được sự hậu thuận của Tổng thống Boris Yeltsin, Boris Berezovsky trở thành cổ đông lớn nhất trong phần còn lại với 16% cổ phần (320.000 USD).
Doanh thu quảng cáo của ORT thu trung bình 80 triệu USD mỗi năm. Nhưng quyền khai thác quảng cáo được bán cho công ty Premier SV của doanh nhân Sergei Lisovsky. Berezovsky rất thèm miếng bánh 80 triệu USD của Premier SV, nhưng không dám “manh động”, bởi công ty kia được anh em Victor - Alexander Averin của băng đảng khét tiếng Solntsevo “bảo kê”.
Theo cuốn sách có nhan đề “Godfather of the Kremlin” (Bố già ở Điện Kremlin) của nhà báo Paul Klebnikov (tạp chí Forbes, bị sát hại năm 2004 tại Moscow), thì bố già Berezovsky có một “đội quân đánh thuê” ở Chechnya. Mỗi khi cần trấn áp bọn rắn mặt cản trở công việc làm ăn, Berezovsky sẽ gọi băng Chechnya “làm cỏ sạch”. Nhưng vụ ORT, bố già Berezovsky không dùng bọn đánh thuê ở Chechnya mà dùng… cảnh sát. Thế là Victor và Lisovsky bị bắt vì tội tham gia hoạt động băng đảng và rửa tiền.
Premier SV “sập” mà Berezovsky không tốn một viên AK47 của giang hồ Chechnya. Khi bố già đang định mở champagne ăn mừng, thì bỗng nhiên ngôi sao truyền hình Vladislav Listyev - lấy tư cách Giám đốc đài tuyên bố quyền khai thác quảng cáo sẽ thuộc về công ty của ông ta (có trụ sở ở Thụy Sỹ). Bố già bị “nẫng tay trên”.
Bố già im lặng, nhưng một người bạn của Listyev lo ngại lên tiếng trên báo Nga: “Tội sợ Listyev sẽ bị tội phạm ám sát”. Ông bạn ấy đúng là “thầy tướng số” đại tài, bởi 2 tuần sau, người ta phát hiện ra ngôi sao truyền hình nổi tiếng Listyev chết trong phòng làm việc với một lỗ thủng trên đầu. Cảnh sát không thể điều tra, nhưng cả dân Nga đều biết kẻ nào ra tay. Còn miếng bánh quảng cáo 80 triệu USD nghiễm nhiên thuộc về bố già Berezovsky. Lần này thì tốn một viên K59 của bọn du đãng Chechnya. Cũng trong năm 1995, một kẻ chống đối Berezovsky khác là ông chủ nhà băng Ivan Kivelidi phải chịu chung kết cục như Listyev, song ông này bước lên “thiên đàng” nhẹ nhàng hơn, với một ly cà phê buổi sáng thơm phức có đường, có sữa và có cả độc.
Bố già Berezovsky đến tòa cùng luật sư và cô bạn gái Yelena Gorbunova
“Củ cà rốt ảo”
Triết lý “cây gậy thật” của Berezovsky rất đơn giản: kẻ nào rắn mặt chống đối sẽ nhận được một viên đạn vào đầu. Nhưng “cây gậy” tạo ra những đám ma khiến “Moskva không tin vào những giọt nước mắt” cũng phải rơi lệ kiểu như Vladislav Listyev chỉ là hạ sách, bị dồn vào bước đường cùng bố già mới dùng. Thường thì Berezovsky đưa cho đối thủ những “củ cà rốt”, mà thực chất là chẳng có “củ cà rốt” nào cả. Nói thẳng ra là dùng quyền lực Kremlin để lừa đảo và ăn cướp.
Điển hình như năm 1993, Berezovsky lập dự án thành lập công ty Automobile Alliance (AVVA). Lấy tư cách pháp nhân là AVVA, Berezovsky đã “vay” cổ phiếu của các nhà tài phiệt tầm như Abramovich thời kỳ đó rồi bán được 50 triệu USD. Berezovsky nói sẽ dùng số tiền 50 triệu USD ấy để đầu tư nâng cấp công ty xe hơi AvtoVAZ (nổi tiếng thế giới với thương hiệu Lada), rồi trả lại cho các nhà tài phiệt bằng những chiếc xe hơi đời mới bán chạy như tôm tươi. Nhưng trên thực tế, AvtoVAZ chẳng nhận được xu đầu tư nào, vì số tiền trên được bố già đổ cả vào bất động sản ở Moscow để thu lãi 300 triệu USD.
Sau khi làm những quả đậm nhờ truyền hình và bất động sản, Berezovsky nhảy vào lĩnh vực dầu mỏ. Berezovsky từng sở hữu tới 80% cổ phần công ty dầu mỏ Sibneft. Nhưng trong phiên xử ngày thứ 3 tại tòa London ngày 6/10 vừa qua, Abramovich cho rằng, cũng giống như dự án AvtoVAZ, thực chất Berezovsky không đầu tư một xu nào vào Sibneft. Vậy 80% cổ phần kia cũng là những “củ cà rốt ảo”?
Theo lý giải của nhà báo quá cố Paul Klebnikov, các nhà tài phiệt không phải những kẻ ngu đần. Nhưng họ không còn cách lựa chọn nào khác khi “củ cà rốt ảo” được Berezovsky gí tận vào mồm. Nếu kẻ tài phiệt nào không “ăn”, lập tức cảnh sát - cánh tay phải đắc lực của “Bố già ở Điện Kremlin” sẽ ập tới và lập tức những kẻ ấy bị tịch biên tài sản, rũ tù vì các tội hoặc tham gia hoạt động băng đảng, hoặc rửa tiền, hoặc giả mạo giấy tờ, hoặc buôn lậu. Nham hiểm hơn, bố già trên chiếc ghế Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia có thể khép kẻ chống đối là cộng sản, đang thực hiện âm mưu lật đổ Nhà nước Liên bang Nga. Khi ấy thì… vào nhà tù mà cãi.
Và “củ cà rốt” trị giá 1,3 tỉ USD
Như đã đề cập ở 2 kỳ trước, năm 2000, khi ông Vladimir Putin vào Điện Kremlin thay thế cho ông Boris Yeltsin và thực hiện chính sách “Quốc hữu hóa tài sản nhà nước” để khôi phục nền kinh tế khủng hoảng, hỗn loạn của Nga trong 8 năm cầm quyền của người tiền nhiệm. Chính sách ấy đánh thẳng vào lợi ích của Berezovsky, nên bố già tuyên bố đang cùng với “6 chiến hữu đức cao vọng trọng” khác sở hữu tới nửa nền kinh tế Nga, đủ sức chống lại ông Putin. Lúc ấy, bố già cần sự ủng hộ của những “đàn em” có gan lớn trong thiên hạ như Roman Abramovich hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ông chủ Chelsea ngày ấy lại bất ngờ ủng hộ Tổng thống vừa đắc cử Vladimir Putin.
Roman Abramovich 'trả bài' cho thầy
Berezovsky lại tuyên bố Abramovich là kẻ phản bạn, phản bội. Nhưng lời kết tội ấy của Berezovsky không còn sức nặng đè chết người như trước kia nữa, bởi vào thời điểm đó, “bố già” ở Điện Kremlin đã là doanh nhân trẻ Roman Abramovich. Và đến Abramovich còn “phản” Berezovsky, thì còn kẻ tài phiệt nào máu mặt hơn dám theo bố già hết thời này? Lập tức, những lời kết tội Berezovsky về các tội danh “lừa đảo, rửa tiền, giết người, liên hệ với mafia Chechnya, ủng hộ phiến quân Chechnya” trong cuốn sách của Paul Klebnikov mới được mang ra xét.
Trong cơn bĩ cực của Berezovsky, “đàn em” Abramovich bỗng xuất hiện như một kẻ bề trên. Ông chủ Chelsea yêu cầu “bố già” phải bán toàn bộ cổ phần Sibneft. Trên bàn đàm phán, Abramovich đã nhắc khéo tới ông Putin, hệt như cái cách bố già nhắc đến ông Yeltsin khi đàm phán với các “đối tác” năm xưa. Bài học về “củ cà rốt ảo”.
Nhưng nhớ cái ơn đỡ đầu trên chính trường trong quá khứ, ông chủ Chelsea không nỡ cho bố già ăn “củ cà rốt ảo”, mà “củ cà rốt” của Abramovich có trị giá 1,3 tỉ USD. Đấy! Cầm lấy, rồi bước khỏi Sibneft, biến khỏi nước Nga sống cuộc đời tị nạn, nếu không, bằng quyền lực của mình, ông chủ Chelsea sẽ “trả bài cây gậy thật” và khi đó nước Nga sẽ lại có một đám ma lớn, nhưng không có những giọt nước mắt của Điện Kremlin, như Vladislav Listyev năm nào…
Thể thao 24h