Bóng tối lúc bình minh
Roman Abramovich khẳng định ông không có quan hệ đồng chí hay bạn bè thân thiết gì với một kẻ lưu vong như Boris Berezovsky. Về vấn đề này thì ông chủ Chelsea đúng. Bởi ngay cả khi ông Vladimir Putin bước vào Điện Kremlin thay quyền Boris Yeltsin năm 2000, Boris Berezovsky - nhân vật từng vỗ ngực hô lớn “sở hữu nửa nền kinh tế Nga” còn chẳng coi ông Putin ra gì, thì Roman Abramovich “tuổi gì mà làm bạn thân” với Berezovsky!
Berezovsky tên đầy đủ là Boris Abramovich Berezovsky, sinh năm 1946. Ông là nhân vật đáng ngờ nhất trong số hàng trăm nhân vật đáng ngờ nổi lên tại nước Nga vào những năm 1990, sau khi Nhà nước Liên bang Xô-Viết sụp đổ, thời kỳ mà trong tác phẩm “The Rise of the Russian Criminal State” nổi tiếng năm 2003, David Satter - nhà báo Mỹ chuyên trách mảng nước Nga đã gọi là “Darkness at dawn” (Bóng tối lúc bình minh).
Roman Abramovich
Trong cái thời kỳ “Darkness at dawn” ấy, Berezovsky là một doanh nhân có tiếng trong các lĩnh vực xe hơi, dầu mỏ, truyền hình… nhưng quan trọng hơn tất thảy, ông là người bạn thân thiết của cựu Tổng thống Nga, Boris Yeltsin và Đệ nhất phu nhân Naina Iosifovna Girin, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, thành viên BLĐ Cộng đồng các quốc gia độc lập. Tóm lại, thời Boris Yeltsin, Berezovsky dưới một người nhưng đứng trên tất cả ở cái quốc gia rộng lớn nhất trên thế giới.
Bố già ở Điện Kremlin
Biện hộ cho Roman Abramovich ngày hôm qua, Jonathan Sumption đã đưa nữ thẩm phán Gloster cùng bồi thẩm đoàn tòa tối cao London trở lại với thời kỳ “Bóng tối lúc bình minh” ở Nga. Ông Sumption không ngần ngại nói rằng thân chủ Abramovich từng “hối lộ” và ông lý giải: “Không ai có thể làm ăn yên ổn nếu không có sức mạnh chính trị đỡ đầu. Xin thưa, khi luật pháp là giả tạo, cảnh sát chỉ khác tội phạm ở chiếc áo. Người đỡ đầu về chính trị, đó là các bố già (godfather), đó là ngài Berezovsky, ông đã “ăn” 2,3 tỉ bảng từ chính ông chủ Chelsea cùng bộ sậu dưới quyền”.
Thực ra trong thời kỳ “Bình minh nước Nga”, không phải kẻ nào cũng quy phục bố già trong Điện Kremlin. Nhưng có điều, tất cả những kẻ làm ăn riêng rẽ, coi thường Berezovsky đều phải nhận chung một kết cục: mất danh dự, tài sản và cao nhất là tính mạng, điển hình như vụ một ông chủ nhà băng và truyền hình bị sát hại năm 1995. Nhưng tất cả những vụ giết người theo kiểu xã hội đen nhằm vào các nhân vật cỡ bự đều… không thể điều tra. Chẳng phải vì thời ấy cảnh sát Nga không giỏi nghiệp vụ điều tra, mà vì họ có “lương tâm với nghề nghiệp” nên không dám “hỗn” với người thân Điện Kremlin.
Boris Berezovsky (giữa) đến tòa cùng luật sư
Và Roman Abramovich
Đầu những năm 1990, doanh nhân trẻ Roman Abramovich bắt đầu phất lên nhờ “Chương trình tư nhân hóa các công ty Nhà nước”. Nhưng ông chủ Chelsea là một người thức thời, mà cái thời của ông là thời của Boris Berezovsky.
Chính trị là sân sau của kinh tế và Roman Abramovich xem Boris Berezovsky là hình mẫu để ông vươn lên. Bằng những món trang sức, những bức tranh đắt giá, Abramovich nhanh chóng lấy lòng được bà Anna Gelman, vợ Boris Berezovsky. Thế là từ “bà chị Boris”, Abramovich - từ thân phận của một anh “khôn lỏi” trong “Chương trình tư nhân hóa các công ty Nhà nước”, nhanh chóng trở thành một chân tay thân tín, được ngài Boris Berezovsky đỡ đầu trong các mối làm ăn cũng như vị thế chính trị. Bù lại, trước và sau mỗi “quả đậm”, Boris Berezovsky đều nhận được những khoản tiền lớn của Abramovich và bộ sậu, mà theo tài liệu của luật sư Jonathan Sumption thì khoảng 2,3 tỉ bảng (chưa kể bất động sản tại Pháp). Còn tiền trang sức và quà cáp cho “bà chị Boris” thì không biết đâu mà kể.
Khoảng những năm 1995-1997, mối quan hệ của Boris Berezovsky và Roman Abramovich được nâng thêm một bậc, khi Berezovsky cho “đàn em” Abramovich tham gia sở hữu cổ phần tại Sibneft - công ty dầu mỏ lớn thứ 6 tại Nga. Cứ thế, càng gần Berezovsky, túi tiền và vị thế chính trị của Abramovich càng phình to.
Ngày nay thì ông chủ Chelsea đã trở thành “phú gia địch quốc” thứ 5 ở Nga và thứ 53 trên thế giới với khối tài sản hơn 11 tỉ bảng. Còn Boris Berezovsky - hình mẫu mà Abramovich muốn vươn tới lại trở thành kẻ tị nạn chính trị ở Anh. Vì trò cao thủ hơn thầy, và quan trọng hơn, ông chủ Chelsea đã tránh được sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của “đầu sỏ chính trị” Boris Berezovsky, đó là thờ thịnh, không thờ suy, đó là phải biết “phản bội” khi lòng “trung thành” đồng nghĩa với tự sát…
Theo Thể thao 24h