Quà sinh nhật cho Điện Kremlin
Ngày 7/10/2006 là một ngày buồn của Nước Nga. Hôm ấy, người ta phát hiện ra bà Anna Politkovskaya chết trong thang máy ở tòa nhà có căn hộ của bà tại Moscow với 3 lỗ thủng trên người được tạo bởi những “viên kẹo đồng” Makarov. Bà là nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng với những phóng sự điều tra về tình hình ở Chechnya, ở Nga và đặc biệt là cuốn sách được xuất bản năm 2004 mang tên Putin's Russia (Nước Nga của Putin).
Vì "Nước Nga của Putin” cũng như hàng loạt bài phóng sự trước đó trên báo Novaya Gazeta có chỉ trích những chính sách của Tổng thống Nga thời đó là ông Vladimir Putin, nên cái chết của Politkovskaya gây bất lợi cho Điện Kremlin trong con mắt của dư luận phương Tây, khiến Tổng thống Putin cũng phải lên tiếng “làm cho ra nhẽ”.
Cái chết của Politkovskaya là “quà sinh nhật” Berezovsky “tặng” cho ông
V.Putin
Những kẻ liên quan đến cái chết của bà Politkovskaya sau đó lần lượt sa lưới. Đó là sát thủ Rustam Makhmudov và Trung tá cảnh sát Dmitry Pavlyuchenkov - kẻ chỉ huy âm mưu giết Politkovskaya ở Moscow. Nhưng đằng sau Pavlyuchenkov là ai? Năm 2007, Công tố viên Yury Chaika đã nghi ngờ bố già Berezovsky.
Quả nhiên, trung tuần tháng 9 vừa qua, viên cựu Trung tá Pavlyuchenkov đã xác nhận: Bố già Berezovsky sai Lom-Ali Gaytukaev - một phần tử Chechnya cộm cán bậc nhất trong “Vòng tròn London” (The London Circle) đến Moscow “đặt hàng” vụ Anna Politkovskaya để làm… quà tặng sinh nhật lần thứ 54 của ông Vladimir Putin.
Làm loạn ở Downing
Món quà của bố già Berezovsky tặng ông Vladimir Putin mặn chát, vì nó lại tạo ra một đám ma lớn nhất nước Nga, khiến ông Putin và “Moskva không tin vào những giọt nước mắt” một lần nữa phải rơi lệ, hệt như cái đám ma mà bố già đã tạo ra cho ngôi sao truyền hình nổi tiếng Vladislav Listyev trong vụ ORT ngày 1/3/1995.
Ngày 1/11/2006, tức chưa đầy 1 tháng sau vụ Anna Politkovskaya, thì Alexander Litvinenko, cựu Trung tá KGB, một kẻ chống đối Nhà nước Nga của ông Putin, cùng theo Berezovsky chạy sang Anh tị nạn năm 2001 và dĩ nhiên có tên trong danh sách “Vòng tròn London” của bố già, dính độc trong một nhà hàng kiểu Nhật tại London rồi… lăn đùng ra chết trong bệnh viện ngày 23/11 năm đó.
Một vụ đầu độc hèn hạ, một vụ trả thù từ Moscow. Bố già Berezovsky đã phát đi thông điệp ấy ở London, khiến ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin phải lên tiếng: Kremlin không liên quan gì đến cái chết của cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko.
Ngày 13/4/2007, trên The Guardian, bố già tuyên bố “chuẩn bị một cuộc cách mạng Nga bằng bạo lực”, qua đó, chính thức tuyên chiến với Điện Kremlin. Tuy nhiên, tháng 9 năm đó, bố già lại tổ chức một cuộc họp báo tại London. Một điểm họp báo khôn ngoan, vì nó chỉ cách số 10 Downing của Thủ tướng Anh chính xác là 182,88m. Cuộc họp báo ấy được bố già cho tới 200 tên đàn em bảo vệ.
Nội dung của cuộc họp ấy, Berezovsky tố cáo ông Vladimir Putin đã cho người giết mình vào tháng trước nhưng không thành để bịt đầu mối trong vụ Alexander Litvinenko bị đầu độc. Akhmed Zakayev - cựu Ngoại trưởng phiến quân Chechnya, phó tướng của bố già trong “Vòng tròn London” còn kêu gọi “số 10 Downing” phải có trách nhiệm bảo vệ những “người Nga ở London” khỏi sự truy sát của “người Nga ở Nga”.
Kẻ cắp la làng
Moscow hiểu rằng, bố già Berezovsky kiện Roman Abramovich trong vụ “đe dọa và ép giá” Sibneft không đơn giản vì món tiền khổng lồ 3,2 tỉ bảng. Thế mới nói, “Người đàn ông mạnh nhất nước Nga”, “Kiến trúc sư” của nền kinh tế Nga, Alexander Voloshin nếu đến London để làm chứng cho Roman Abramovich, thì hành động ấy được xem là “nhất cử lưỡng tiện”: giúp ông chủ Chelsea thắng kiện bạc tỉ và giúp cho những ông chủ Điện Kremlin giáng thêm một đòn nặng nữa vào “Vòng tròn London” của bố già…
Berezovsky đến tòa cùng người tình Yelena Gorbunova và luật sư
Vì ngoài bị đơn Roman Abramovich, Alexander Voloshin quá hiểu bố già Berezovsky đã lợi dụng chính sách “Tư hữu hóa tài sản Nhà nước” để biến Sibneft - công ty dầu mỏ lớn thứ 6 tại Nga thành tài sản riêng ra sao. Bằng thủ đoạn và quyền lực chính trị của mình ở Kremlin dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, bố già đã chiếm Sibneft bằng cái giá “rẻ như bèo” rồi bán dần cổ phần đút túi cho đến năm 2001 mới kết thúc. Abramovich có được cổ phần Sibneft của bố già cũng theo con đường đó.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 1998, ông chủ Chelsea đã “bơm” cho bố già 300 triệu USD (180 triệu bảng), số tiền này được bố già mua du thuyền, 2 biệt thự tại Cap D’Antibes (Pháp), trong đó có biệt thự Clocher de la Garoupe cùng đồ trang sức cho bạn gái Elena Gorbunova. Thế nên, ngay trong phiên xử kiện ngày 6/10 vừa qua trên tòa London, luật sư Jonathan Sumption của ông chủ Chelsea mới khẳng định: Berezovsky không đóng góp bất cứ đồng xu cổ phần nào vào Sibneft, vậy là ăn cướp?
Nếu Alexander Voloshin xuất hiện ở tòa London và chứng minh được cáo buộc của phe Abramovich là đúng, thì nghiễm nhiên, Boris Berezovsky trở thành một kẻ “ăn trộm” đi kiện ông chủ Chelsea “ăn cướp” tài sản do bố già “trộm” được. Khi ấy quả thật, bồi thẩm đoàn tòa thương mại London hẳn sẽ đau đầu, vì họ chưa từng xử một phiên nào kỳ quái đến như vậy…
Cái tên Alexander Voloshin được xướng lên từ Moscow khiến bố già hoang mang. Nhưng bố già đã có cách. Trong phiên xử ngày 11/10 vừa qua, Berezovsky bất ngờ tố cáo ông chủ Chelsea là “gangster”, là “mafia”. Bố già cũng bóng gió đề cập đến khả năng, nếu thua Abramovich trên tòa thương mại, thì sẽ lôi tiếp ông chủ Chelsea lên tòa hình sự vì “hoạt động mafia”.
Hành động này của bố già được hiểu là một thông điệp gửi tới Moscow: dù Alexander Voloshin có làm trời sập, thì vẫn có một lỗ thoát cho bố già?
Thể thao 24H