Xa quá xa một thời vàng son...
Năm 2004, Sao Mai điểm hẹn (SMĐH) vừa xuất hiện đã làm dư luận xôn xao, náo nức bởi sự phá cách và độc đáo trong nội dung chương trình. Đây cũng gần như là chương trình khai phá cho thói quen ngồi nhà chờ đợi một gameshow được tường thuật trực tiếp trên TV vào tối chủ nhật hàng tuần của hàng triệu khán giả. Và thế là hai mùa đầu tiên của chương trình này nhanh chóng làm mưa tạo bão trong lòng người yêu nhạc.
Khi đó, Internet, truyền thông chưa nở rộ như bây giờ nên chỉ cần bỏ lỡ một đêm thôi, bạn rất khó tìm lại những thông tin để biết thần tượng đã làm gì, hát ra sao... Còn những người làm báo thì nâng niu, chăm chút cho từng câu chữ, khung hình khi viết về SMĐH bởi cuộc thi đang là đứa con cưng, khiến cả đất nước sôi sục trong những buổi tối cuối tuần. Không ngoa khi nói chương trình là chuẩn mực cho sự hot, hấp dẫn đối với khán giả yêu nhạc vào thời điểm những năm 2004 - 2006.
Với cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc này, gần như lần đầu tiên người hâm mộ Việt Nam được thấy các ca sĩ luyện tập, rèn giũa cùng chuyên gia quốc tế đến từ nước láng giềng Thái Lan. Và cũng chính từ cuộc thi này mà showbiz Việt mới xuất hiện những nhân tố ấn tượng như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Cao Thái Sơn, Lưu Hương Giang...
Góp mặt trong mùa thi đầu tiên, Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Cao Thái Sơn, Lưu Hương Giang, Ngọc Khuê, Thái Thùy Linh... đã để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng khó phai. Trung thành với sự ma mị, quái lạ, Tùng Dương luôn biết cách làm mới những ca khúc tưởng như rất cũ. Với nhiều người, chính anh và chuồn chuồn ớt Ngọc Khuê là những người trẻ tiên phong, mở ra một khung trời mới cho những ca khúc mang đậm âm hưởng dân gian đương đại.
Trong khi đó, hoàn toàn trái ngược với chúng bạn, Lưu Hương Giang lại khiến người ta ngỡ ngàng bởi một cô gái nhỏ nhắn, đáng yêu nhường kia mà lại có thừa sự mạnh mẽ, cá tính của một rocker thực thụ. Còn Kasim Hoàng Vũ - người chiến thắng giải Khán giả bình chọn - đã thổi một làn gió mới cho sân khấu truyền hình với phong cách trình diễn trẻ trung, nam tính cùng chất nhạc hiphop, pop rock... bắt kịp xu hướng.
Cũng ngay từ thời điểm đó, Cao Thái Sơn đã quyến rũ khán giả trẻ bởi vẻ ngoài điển trai. Giọng hát của anh chàng chỉ thuộc loại "thường thường bậc trung", không quá mới mẻ hay đặc sắc nhưng cộng với ngoại hình và cách chọn ca khúc thông minh, Cao Thái Sơn nhanh chóng làm loạn nhịp vô số trái tim của những cô gái trẻ.
Tuy nhiên, anh chàng này đã bất ngờ rút lui khi vừa được xướng tên đi tiếp chặng thi thứ hai khiến khán giả ngỡ ngàng, choáng váng. Lý do Cao Thái Sơn đưa ra là muốn về đầu quân cho một công ty giải trí nhưng sau này, theo nhiều người, đây đơn giản chỉ là một chiêu PR, đánh bóng tên tuổi thông minh của anh chàng.
Ở mùa thứ hai - một trong hai mùa thi đỉnh cao của chương trình, khán giả lại được một phen điên đảo bởi sự xuất hiện của trai tài Hà Anh Tuấn, Phạm Anh Khoa, Hoàng Hải cùng các gái sắc Phương Linh, Ngọc Anh và cả những cô gái cá tính như Mai Trang, Minh Thư...
Hoàn toàn không phải chuyện quá bất ngờ khi những nhân tố từng được đào tạo bài bản như Hoàng Hải, Ngọc Anh hay Anh Khoa dễ dàng chinh phục khán giả. Nhưng kẻ tay ngang như Hà Anh Tuấn cũng nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt là khi anh và Phương Linh úp úp mở mở chuyện tình cảm. Nhận được giải Triển vọng, chàng du học sinh ở Đức liên tiếp công phá showbiz bằng những sản phẩm âm nhạc mang đậm nét cá nhân, tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng cộng đồng yêu nhạc.
Có thể khẳng định, chỉ với hai mùa thi SMĐH đầu tiên, chương trình đã tìm kiếm và mang đến cho showbiz Việt một lượng ngôi sao ca nhạc, tài năng âm nhạc "đủ dùng" trong cả gần 10 năm sau đó. Và những cá nhân này cũng có rất nhiều đóng góp cho showbiz Việt ở nhiều vai trò từ ca sĩ đến vị trí giám khảo của các cuộc tìm kiếm tài năng mới.
... Nhàm chán với ba mùa không đổi thay...
Tuy nhiên, bắt đầu từ mùa thứ ba - năm 2008, dù có những thay đổi nho nhỏ trong format chương trình nhưng SMĐH đã có dấu hiệu giảm nhiệt bởi sự thiếu muối và cũ kỹ trong từng chi tiết. Lý do đầu tiên nằm ở chỗ người chơi không hấp dẫn, nổi bật như hai mùa trước. Xét về khả năng chuyên môn, Hà Linh, Hoàng Nghiệp, Mạnh Quân hay Thu Phượng ở mùa 2008 chẳng thua kém bất cứ ai. Tuy nhiên, người yêu nhạc vẫn chờ đợi một chút bùng nổ, cá tính từ phía những người chơi. Nhưng càng chờ... càng thất vọng.
Một phần lý do khiến SMĐH 2008 không như ý là việc chuyển sân chơi từ TP.HCM vốn tấp nập, đông vui ra Hà Nội - thành phố có phần trầm lắng hơn hẳn, khiến cả khán giả lẫn thí sinh đều không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Bên cạnh đó, việc tổ chức tại một sân khấu ngoài trời khiến cho hệ thống âm thanh không đảm bảo chất lượng, không hâm nóng được sự cuồng nhiệt của khán giả.
Hơn nữa, sự xuất hiện của Vietnam Idol - một cuộc thi tài năng ca nhạc khác - cũng khiến khán giả không tiếp tục mặn mà với SMĐH. Sự sôi động, mới lạ của chương trình được mua format từ tận nước Mỹ xa xôi chắc chắn phải hấp dẫn hơn cuộc thi "made in Vietnam".
Khi SMĐH đi qua, gần như chẳng còn nhiều ấn tượng sâu đậm lắng đọng trong suy nghĩ của khán giả. Họa may câu chuyện của Hà Linh - gương mặt được vào thẳng vòng chung kết SMĐH bất ngờ bị loại sớm vì những lùm xùm không đáng có trong chuyện ăn mặc - mới được nhắc tới nhiều.
Ngay cả trong mùa 2010 tổ chức tại Phú Yên, Minh Chuyên, Pha Lê, Đinh Mạnh Ninh, Lan Trinh, Lương Viết Quang... cũng không làm hài lòng khán giả như những thí sinh góp mặt trong hai mùa đầu tiên. Một phần lý do nằm ở sự tham lam chọn tới 16 thí sinh của BTC khiến khán giả phải xem quá nhiều nên không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, nặng nề. Bên cạnh đó, chuyện Hà Hoài Thu không lọt vào top 4 nhưng lại giành giải Triển vọng khiến không ít khán giả thất vọng và dần quay lưng với SMĐH.
Tới mùa giải năm nay, Lê Việt Anh, Thanh Tâm, Hà Anh, Thúy Trang... cũng vấp phải khó khăn tương tự. Không ai phủ nhận được tài năng của lớp nghệ sĩ này nhưng họ chưa tìm ra con đường để vượt lên cái bóng của chính mình chứ đừng nói tới chuyện bứt phá hay "qua mặt" lớp đàn anh, đàn chị đi trước.
Những lý do khiến SMĐH bị các đối thủ bỏ xa
Format chương trình "nguyễn y vân" suốt 4-5 mùa giải là một trong những nguyên nhân khiến khán giả không thể không cảm thấy ngán ngẩm, chán chường. Vẫn sự xuất hiện của 3 thành viên trong hội đồng nghệ thuật, vòng thi đầu loại bớt 6 thí sinh rồi từ vòng hai, mỗi đêm loại một người... Chương trình chưa khởi động mà khán giả thậm chí đã biết rõ từng đường đi nước bước ra sao thì còn mấy ai hứng thú muốn xem?
Một yếu tố khiến không ít người trăn trở là sự hiện diện của ê-kíp chuyên gia hướng dẫn tới từ Thái Lan. Thầy Joe, thầy Bo đã có nhiều năm gắn bó với SMĐH nên họ phối hợp rất ăn ý với đạo diễn cũng như ê-kíp sản xuất ViệtNam. Nhưng ở thời điểm hiện tại, âm nhạc thế giới liên tục chuyển mình với những xu hướng mới mẻ, độc đáo, việc ta cứ mãi làm việc với một đội ngũ có tư duy cũ kỹ có phải là điều nên làm?
Địa điểm tổ chức cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành bại của chương trình. The Voice hay Vietnam Idol chạy khắp đất nước để tuyển thí sinh nhưng tới vòng chung kết, họ luôn "đóng đô" ở TP.HCM. Còn Bước nhảy hoàn vũ thì linh hoạt hơn, năm Sài Gòn, nay lại Bắc tiến ra Thủ đô. Trong khi đó, sau hai, ba mùa giải đầu khuấy động TP.HCM và Hà Nội, SMĐH bất ngờ "di dân" tới Phú Yên và gần đây nhất là Huế.
Khán giả ở những địa phương này rất "sung", thậm chí có khi còn cuồng nhiệt hơn cả người Hà Nội, Sài Gòn... nhưng sự xa xôi, cách trở về mặt địa lý lại khiến giới truyền thông không thể bám sát chương trình. Đó là một trong những điểm khiến SMĐH khó tiếp cận khán giả hơn các chương trình cạnh tranh.
Cùng với đó là việc chương trình bị mất sóng VTV3 và phải "dạt về" VTV2, VTV4 hay VTV6 - những kênh truyền hình vốn không có thế mạnh về mặt giải trí, SMĐH 2012 không tạo nên bất cứ cơn sốt nào và phải đối mặt với những ý kiến "dẹp đi là vừa" cũng chẳng phải chuyện quá khó hiểu.
Ngoài ra có thể thấy rõ, sức cạnh tranh với các đối thủ của SMĐH ngày càng yếu ớt. Ngay từ đêm chào sân tới tận bây giờ, hầu hết các thí sinh và cả HĐNT đều hướng tới yếu tố nghệ thuật và xa lánh chiêu trò. Bộ ba đạo diễn Phan Huyền Thư, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, ca sĩ Tùng Dương cũng bị chê bai nọ kia vì cách nói trống không, những câu đùa vô vị nhưng lại là những người rất kỹ tính và "chắc tay" trong chuyện thẩm định giọng hát, cách chọn bài, lối biểu diễn... của từng thí sinh.
Và không biết có phải để chiều lòng HĐNT hay không mà các thí sinh đều chăm chú hướng tới yếu tố nghệ thuật. Họ quên mất rằng nếu cần một gương mặt hoàn hảo về tài năng, người xem sẽ nhắm tới Sao Mai chứ chẳng mất công tìm kiếm ở sân chơi trẻ trung như SMĐH.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng chính hệ thống giải thưởng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần của thí sinh. Ba giải thưởng gần như ngang bằng nhau, chẳng ai hơn và không ai kém bởi giải Bình chọn là của khán giả, giải HĐNT thì đã quá rõ ràng, Triển vọng là dành cho những tài năng mới... Đâu là quán quân, đâu người thất bại trong tiếc nuối? Thiếu đi yếu tố này, cuộc thi nào cũng ỉu xìu hẳn đi chứ chẳng riêng SMĐH!
Tạm kết
Không phải đến tận thời điểm này khi quá nhiều người lên tiếng đòi hỏi ở Sao Mai điểm hẹn một sự thay đổi thì bản thân chương trình cũng đã chủ động thay đổi dần từ vài năm về trước, dù cuộc cách mạng nho nhỏ mà họ làm vẫn chưa tạo ra được một hiệu ứng truyền thông đủ mạnh hay một bước đột phá nào đáng kể.
Trong thời buổi, các cuộc thi, sân chơi truyền hình thực tế ồ ạt lên sóng truyền hình, SMĐH không chỉ đứng trước cuộc cạnh tranh khắc nghiệt với các đối thủ đáng gờm được Việt hóa từ những phiên bản đình đám của nước ngoài mà còn đứng trước nguy cơ bị khán giả quay lưng, truyền thông thờ ơ...
Bước tiếp và bước như thế nào hay dừng lại để bảo toàn những hào quang đã có? Tất cả điều này đều đòi hỏi ban tổ chức, những người trong cuộc cần suy nghĩ và có sự quyết định đúng đắn, phù hợp nhất.
Infonet