Khánh Ly
Năm 1964, tại Đà Lạt, Khánh Ly gặp một người nhạc sỹ nghèo. Anh đến với cô bình thản như cơn mưa dầm Đà Lạt đêm đó. Qua vài câu chuyện hai người trở nên thân thiết tự bao giờ. Người nhạc sĩ ấy không ai khác, chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và cuộc gặp gỡ này không chỉ là mối duyên định mệnh của cuộc đời Khánh Ly mà nó còn là khoảnh khắc lịch sử của nền âm nhạc nước nhà.
Bắt đầu từ năm 1967, Khánh Ly chính thức đi hát nhạc Trịnh Công Sơn. Từ đấy Khánh Ly gắn với nhạc Trịnh, nhạc Trịnh gắn với Khánh Ly như một duyên phận định mệnh không thể tách rời. Với nhạc Trịnh Khánh Ly thăng hoa hết mình và với Khánh Ly nhạc Trịnh mới lột tả hết được cái hay cái tinh túy đến với người nghe.
Gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời, khi người Trịnh trở về nơi vĩnh hằng, miên viễn Khánh Ly bày tỏ nỗi đau thương, lòng biết ơn qua từng lời ca, giọng nói. Bao năm rồi, những bài hát ấy chất chứa nhiều kỷ niệm của chị và nhạc sĩ. Bất cứ nơi nào, buổi hát nào chị cũng hát bài nào đó của ông vậy mà sao lời ca quen thuộc lại đứt quãng nửa chừng, "cổ họng bằng vàng" không vượt qua nổi những cái nấc âm thầm, lặng lẽ....
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly
Cô Bống Hồng Nhung
“Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho”, câu hát ấy người Trịnh đã viết tặng Hồng Nhung, người tình nhỏ của vị nhạc sĩ lớn trong những ngày cuối đời. Và niềm say mê lớn nhất trong những tháng năm cuối cùng "ở trọ trần gian" ấy Trịnh Công Sơn dành hết cho Hồng Nhung. Theo ông, đây là "Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai!"... Còn với Hồng Nhung, tâm hồn Trịnh gần như trẻ lại, khiến bước chân ông trở nên bối rối, ngập ngừng với buổi hẹn ban đầu.
"Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá... già!", cô Bống kể lại tình cảm của cô dành cho Trịnh Công Sơn và của Trịnh dành cho cô trong lần đầu gặp mặt. "Bống bồng ơi", "Bống không là bống", "Thuở bống là người"... là những ca khúc mà người Trịnh đã viết tặng Hồng Nhung. Với riêng Bống, cô luôn khẳng định giữa mình và Trịnh chắc chắn là tình yêu và chính tình yêu ấy đã làm nên thành công cũng như danh tiếng của nữ diva trong làng nhạc Việt.
Giữa Hồng Nhung và Trịnh chắc chắn là tình yêu
Ngô Vũ Bích Diễm
"Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết lại như vậy về Diễm.
Cô nữ sinh trường Đồng Khánh ngày xưa
Và sau những mùa nắng mùa mưa đó, mối tình lớn dần lên từng ngày trong chàng nhạc sỹ đa tình để chuẩn bị cho sự ra đời của tình khúc "Diễm xưa" bất hủ. Trong mối tình với Diễm, Trịnh dường như chưa kịp nói lời yêu, mà chỉ thổ lộ tình cảm qua những ca khúc tặng Diễm, và Diễm cũng vì cách trở mà không giám đáp lại tình cảm của Trịnh. Có lẽ mối tình ấy đẹp như một nụ hoa mãi e ấp.
Diễm của hôm nay trong một lần trở về Việt Nam gần đây nhất
Dao Ánh
Khi mới ra trường, Trịnh Công Sơn đã chọn B'lao, một thị trấn chênh vênh giữa những tầng mây của Lâm Đồng để sống và giảng dạy. Trong những tháng ngày ở B'lao, Trịnh Công Sơn đã ấp ủ một mối tình với cô bé Dao Ánh - em ruột của "Diễm xưa" Ngô Vũ Bích Diễm. Mối tình này kéo dài 3 năm từ 1964 - 1967 với những cánh thư thấm đẫm tình yêu thương và nước mắt.
Dao Ánh thời trẻ
Dao Ánh và Trịnh Công Sơn sau 20 năm gặp lại
Sau này Dao Ánh lấy chồng và định cư ở nước ngoài nhưng hơn 20 năm sau khi Dao Ánh trở về Việt Nam, gặp lại Trịnh Công Sơn. “Xin trả nợ người” đã được người Trịnh viết liền một mạch vào đêm mùng 3 Tết năm ấy. Dưới bản nhạc ông viết tặng Dao Ánh là một tiếng thở dài đau nhói: "Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình...". Dao Ánh đã ly dị chồng ngay sau cuộc hội ngộ buồn bã này.
Trịnh Công Sơn và em gái út Trịnh Vĩnh Trinh
"Anh Sơn là một người con hiếu thảo, một người anh mẫu mực và một người rất chu đáo với bạn bè. Mỗi chuyến đi xa về anh thường mua rất nhiều quà cho mẹ, các em cùng bạn bè. Anh nhớ từng chi tiết nhỏ từ kích thước áo quần cũng như giày dép đến màu sắc cho mọi người. Ôi! Biết nói bao nhiêu để kể được hết lòng yêu thương và kính trọng của 7 anh em chúng tôi đối với anh mình!", ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - cô em gái út của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chia sẽ như vậy về anh mình.
Đương thời, Trịnh Vĩnh Trinh vẫn là cô em gái được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu thương và chiều chuộng hơn cả. Thường xuyên đưa em theo trong những chuyến du ca của mình và chính trong những chuyến đi ấy, mạch nguồn cảm xúc âm nhạc đã ngấm dần vào trong người chị để sau này cũng dấn thân theo nghề ca sĩ.
Hiện tại Trĩnh Vĩnh Trinh sống tại TP.HCM, thường xuyên tổ chức những đêm nhạc Trịnh hay những chương trình lớn trong năm nhân ngày kỷ niệm anh trai như ngày sinh, ngày mất... Và chị cũng chính là người em tâm huyết lưu giữ và đưa nhạc Trịnh đến gần hơn với công chúng.
Suốt 62 năm trong “cõi tạm”, cuộc đời Trịnh Công Sơn bao phủ bởi rất nhiều chuyện tình huyền hoặc, ban đầu là Diễm, là Quỳnh Hương, là Nguyệt, Bích Khê, về sau có Hoàng Lan, Michiko, có V.A, Dao Ánh, Hồng Nhung... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt ông phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu.
Tình yêu của Trịnh Công Sơn dành cho nhiều phụ nữ trẻ, đẹp và nổi tiếng, họ yêu ông say đắm, khi ông mất có người còn xin gia đình cho được để tang ông, nhưng ông không sống khăng khít với một phụ nữ nào. Tài năng của ông luôn liên tục thăng hoa, ngoài âm nhạc ông còn đóng phim, hội họa. Nhưng ông nhìn nhận cuộc đời và giành tình cảm cho đời một cách rất giản đơn với không hề tham vọng, ông nói một cách thản nhiên về cuộc đời: Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống.
"Hiện tôi vẫn để ảnh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn trong phòng ngủ, nhưng chồng tôi không bao giờ thắc mắc, mà luôn tôn trọng thế giới riêng của tôi", Hoàng Anh, một người được cho là "Diễm cuối" của Trịnh Công Sơn nói về tình yêu đối với ông như vậy.
Chỉ điều này thôi cũng đủ để thấy rằng, trong 62 năm "ở trọ trần gian" ấy người Trịnh đã để lại quá nhiều sầu thương nhung nhớ cho đời, cho người. Dẫu ông đã rời xa nhân thế 11 năm nhưng vẫn còn nhiều người khóc mỗi khi đắm mình vào các tình khúc bất hủ của ông!
Hoàng Lê (Nguồn Giadinhvietnam.com)