Trước đây, Trịnh Ca nằm ở 359 Nguyễn Khang, sau đó mới chuyển sang ngõ 233 Tô Hiệu, Cầu Giấy. Cứ đến mỗi tối, những Trịnh khách quen dù ở nhiều nơi trong Hà Nội vẫn cứ tìm đến để cùng đắm chìm và phiêu trong không gian café âm nhạc đặc biệt với thứ 5: Đêm nhạc trữ tình, thứ 7: Đêm nhạc ngẫu hứng và chủ nhật: Đêm nhạc Trịnh.
Điểm cuốn hút các Trịnh khách lớn nhất chính là phong cách của một quán cafe bình dân, phù hợp với rất nhiều đối tượng, nhưng lại là một không gian âm nhạc được đánh giá cao về chất lượng nhạc công, ca sỹ và sự góp vui nhiệt tình, ngẫu hứng của rất nhiều các Trịnh khách.
Không ồn ã, không hiện đại, không vội vàng và đầy chất Trịnh. Mộc mạc đơn sơ với các bàn ghế gỗ, mây, tre, cói. Phong thủy hài hòa với gian nhà cổ kính hướng ra khoảng không gian rộng rãi của 2 con đường rộng chạy dọc bờ sông. Một giếng trời thông khí và gió thẳng lên cây hồng xiêm già tán rộng bao phủ.
Những bức họa nổi tiếng về nhạc sỹ Trịnh cùng với các bức thư pháp lớn về những tuyệt phẩm của ông, đã tạo ra một không gian văn hóa đặc sắc mà chỉ có ở nơi này. Quán luôn có gió mát, có âm nhạc du dương, có hoa sen tỏa hương và có vị cà phê đắng để cảm tâm hồn, hướng con người vào cõi thiền, cõi Trịnh.
Cafe Trịnh (đường Hoàng Văn Thái)
Chủ quán cafe Trịnh thường là những người có tình yêu đặc biệt và đam mê sâu sắc với nhạc Trịnh. Dường như họ không đặt nặng vấn đề kinh doanh lên đầu tiên, đơn giản, chỉ cần họ được thỏa mãn đam mê và tình yêu với nhạc Trịnh.
Với những quán café Trịnh, thường không có nhiều khách mới, không có sự quay tròn khách để kiếm lời. Khách đến uống café, nghe nhạc Trịnh, không bao giờ có sự đến và đi nhanh chóng. Đã ngồi là ngồi liền đến khi quán đóng cửa thì thôi. Đó chính là một điều đặc biệt của những quán café Trịnh.
Một quán khác cũng để lại dấu ấn trong lòng người yêu Trịnh là café Nhạc Trịnh, 101 Trung Kính, phường Quan Nhân, quận Thanh Xuân, với không gian rộng, những bức tường gạch mộc mạc và nội thất toàn bằng tre. Ánh đèn ấm áp tỏa ra từ những lồng đèn giấy, phản chiếu lên những bức thư pháp trên nền giấy lụa hay mành trúc cũng góp phần tạo nên không khí dễ chịu và hoài cổ cho quán. Thứ bảy hàng tuần tại quán có biểu diễn nhạc sống và guitar, tạo được sức thu hút khá lớn.
Ít ai ngờ vào sâu trong ngõ 68, ngách 78, đường Cầu Giấy, lại có một quán cafe mang tên Cuối Ngõ. Là một quán cafe khá yên tĩnh và lãng mạn.
Không giống các quán cafe thời thượng với phong cách hiện đại trong những khuôn viên hình hộp, kín bưng và sang trọng. Cuối Ngõ là mang đến một phong cách dân dã, bình dị và thư thái với cách trang trí đơn giản nhưng thu hút.
Một không gian Hoa (chủ yếu là hoa Hồng và Cúc) trong gian nhà cũ, những chiếc bàn mây nhỏ, những bức tranh sơn dầu khổ lớn... và giọng hát Khánh Ly huyền ảo với những tình khúc Trịnh Công Sơn.
(Theo G)