Nam tiến ư? Quên đi, bạn vẫn có thể phát triển sự nghiệp theo một cách khác mà chẳng cần phải khăn gói vào TP.HCM tìm kiếm nhạc sĩ – ông bầu nào đó nâng đỡ bạn. “Bài học thành công cách nay hai thập kỷ của lớp ca sĩ thành danh như Hồng Nhung, Thu Phương, Trần Thu Hà, Bằng Kiều…giờ lỗi thời lắm rồi”, một nhạc sĩ kiêm ông bầu đề nghị giấu tên nói thẳng thừng.
Vietnam Idol mùa thứ tư thành công ngoạn mục khi tạo được cặp “sao”
Uyên Linh – Văn Mai Hương chỉ trong vòng vài tuần lễ).
Thời những “ông trùm”
Thời mà ông có thể dùng sức mạnh tiền bạc và con mắt tinh tường thị hiếu âm nhạc để tạo ra ngôi sao nay đã hết, nhường chỗ cho những hệ thống hùng mạnh hơn rất nhiều. Những người khôn ngoan biết cách tìm đến gõ cửa các nhà sản xuất chương trình âm nhạc cho các kênh truyền hình lớn. Những nhà sản xuất như Cát Tiên Sa, B.H.D, Đông Tây…có mối liên hệ chặt chẽ với các kênh truyền hình lớn để trở thành những hệ thống đầy ảnh hưởng trong ngành kinh doanh giải trí âm nhạc.
Trong năm qua, nhiều chương trình gameshow giải trí do các hệ thống kể trên tổ chức theo công nghệ nhập khẩu từ truyền hình nước ngoài về, đã thực sự ảnh hưởng mạnh lên đời sống nhạc Việt. Mức độ ảnh hưởng ở đây có thể đo đếm được bằng những bài “hit” mới mà chúng tạo ra cho thị trường, Kèm theo đó là những giọng ca mới và cả…xì căng đan giải trí mang lại cho công chúng nhiều cung bậc cảm xúc, từ yêu thương, độ lượng cho đến giận dữ, ghét bỏ, tẩy chay.
Nếu như những thế hệ ca sĩ đi trước phải mất nhiều năm để gầy dựng tên tuổi, thì nay, đời sống nhạc Việt đón nhận cả những con người vô danh nổi tiếng chỉ trong vòng vài tuần lễ nhờ công nghệ mới này. Khi nhìn vào hai hiện tượng nổi bật nhất là Uyên Linh và Văn Mai Hương được tạo ra từ cuộc thi Vietnam Idol, người ta thấy có cả những đánh giá tung hô quá mức kiểu “diva thế hệ mới” cho đến động viên dè dặt, hoặc khắt khe theo quan điểm “đường dài mới biết ngựa hay”.
Điểm nổi bật là những chương trình này tỏ ra vừa vặn cho cả những người vô danh (Vietnam Idol, Vietnam Got Talents), lẫn những ca sĩ đã thành danh lẫn chưa thành danh (Giải thưởng MTV nhạc Việt, Sao Mai – Điểm hẹn). Thậm chí, người nổi tiếng ở những lĩnh vực không liên quan cũng sẵn sàng tham gia “diễn trò” trong các cuộc vui như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo. Đổi lại, tên tuổi của họ được ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội trong nhiều tuần lễ.
Nhưng tín hiệu đáng mừng nhất trong năm qua là hệ thống truyền hình đã không đào thải những người nổi tiếng do chính họ tạo ra, một cách bẽ bàng và chóng vánh sau cuộc thi. Mà đã tiếp sức, nâng đỡ bằng cách giúp họ có mặt trong nhiều chương trình khác của truyền hình, trước khi thị trường âm nhạc thực sự đón nhận họ vào các hoạt động âm nhạc trên sân khấu biểu diễn.
Tung “thảm họa” âm nhạc dù mang lại tai tiếng, nhưng trong mắt nhiều người,
chung quy lại thì vẫn là…nổi tiếng)
“Nếu không thể nổi tiếng, bạn hãy tìm tai tiếng”
Bài học trên từng xuất hiện trong câu đùa rất hài hước về thế giới giải trí ở Hollywood trong phim từng đoạt giải Oscar “Chicago”, xem ra cũng đang là bài học hiệu quả cho những toan tính thành người nổi tiếng.
Những trường hợp “bỗng dưng thành thần tượng” nhờ gameshow truyền hình dường như là gợi ý rất mãnh liệt cho các bạn trẻ muốn tìm sự nghiệp ở thế giới giải trí. Không khó để chứng thực điều này khi nhìn vào đám đông lên tới hàng ngàn người xếp hàng chờ được thử giọng bởi cuộc thi Việt Nam Idol, mà theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, phần lớn số họ có cái đầu “đặc sệt danh vọng”.
Ánh hào quang từ thế giới giải trí chưa bao giờ thôi hấp dẫn trong mắt những người trẻ đang bước vào đời. Nếu những nền công nghiệp âm nhạc phát triển luôn có các rào cản chọn lọc những con người đủ tài năng để gia nhập thị trường, thì với nhạc Việt, điều nguy hiểm hiện nay là ai cũng có thể trở thành ca sĩ nếu đủ tiền và…đủ liều để làm những trò lố gây chú ý.
Điểm đáng nói là thế giới mạng internet rộng lớn và không rào cản đã “tiếp sức” rất nhiều cho tên tuổi của chủ nhân các trò lố lan tỏa đi một cách nhanh chóng, góp phần làm nhiễu loạn nhạc Việt trong năm qua. Đây chính xác là điều đã xảy ra với hiện tượng bùng phát nhạc nhảm vào giữa năm, kéo theo sự vào cuộc phê phán của giới truyền thông bằng cách dán cho nó cái nhãn “thảm họa Vpop”. Và đỉnh điểm là vào cuối năm, ban tổ chức các giải thưởng âm nhạc do khán giả bình chọn đã thẳng tay loại chúng ra khỏi mục xét giải.
Ai sẽ là người khuấy động được thị trường sân khấu biểu diễn TP.HCM
trong năm mới 2012?
Câu “thần chú” gõ cửa thị trường
Năm 2011 còn đánh dấu nhiều chuyển động khác của thị trường biểu diễn âm nhạc. Trước sự tung hoành của nạn sao chép đĩa lậu và chia sẻ nhạc số trái phép, việc phát hành đĩa nhạc không còn lợi nhuận, mà chỉ được sử dụng như công cụ giới thiệu tên tuổi của giọng ca mới.
Rất nhiều những giọng ca vô danh vẫn sử dụng cách thức truyền thống này để gia nhập làng âm nhạc. Nếu tiềm lực tài chính mạnh, họ có thể ầm ĩ phô trương những chiêu PR kiểu “bìa đĩa đính kèm đá quý”, “CD đầu tư 2 tỷ”…để đánh bóng tên tuổi. Khiêm tốn hơn là âm thầm phát hành album trên mạng, cho phép sao chép miễn phí và…chờ đợi sự đón nhận của người nghe.
Riêng đĩa nhạc của những giọng ca thành danh được tung ra và lọt thỏm trong sự lộn xộn của kệ đĩa, đưa sản phẩm của họ về công năng…có ca khúc mới để hát trên sân khấu biểu diễn, nơi mang lại thu nhập thực sự.
Nhưng những nhà đầu tư khôn ngoan thực sự biết “vừng” đang mở ra ở đâu. Thị trường âm nhạc đang được đánh thức trở lại, bất cứ ai đang kiếm được tiền nhờ nó đều hiểu điều này. Hà Nội, giọng ca hải ngoại, nhạc xưa, live show mini…là những từ khóa thành công mà người ta kháo nhau nhiều nhất trong năm qua.
Trong đó, Hà Nội với các phòng trà Ngụy Như Kon Tum, Không gian âm nhạc…nổi lên như một địa điểm thành công của những live show mini có chất lượng nghệ thuật cao. Hàng loạt giọng ca hải ngoại như Tuấn Ngọc, Chế Linh, Quang Lê, Tuấn Vũ…về biểu diễn ở Thủ đô thu hút được hàng ngàn khán giả mỗi đêm, dù giá vé không hề rẻ. Trong khi đó, thị trường sân khấu biểu diễn TP.HCM vẫn đang mòn mỏi chờ một sức bật mới, mà nhiều người hi vọng sẽ xảy ra ngay trong năm mới 2012.
Vietnamnet