Phía sau những thương vụ khiến dư luận xã hội dậy sóng này đang đặt ra câu hỏi, phải chăng thủ đoạn của các “ông lớn”, doanh nghiệp quá tinh vi hay ngành thuế không đủ năng lực “bắt bài” chiêu trốn thuế mới?
“Ông lớn” Metro dùng chiêu chuyển giá để trốn thuế.
Xảo thuật chuyển giá, trốn thuế của “ông lớn”
Quyết định truy thu hơn 500 tỉ đồng tiền thuế đối với công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) được coi là mẻ lưới lớn nhất trong chống chuyển giá của ngành thuế. Trước đó, doanh nghiệp này từng gây choáng váng vì liên tục khai lỗ triền miên, dù thực tế hoàn toàn khác.
Vào Việt Nam từ tháng 3/2002, sau 12 năm, Metro hiện có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành với 3.600 nhân viên. Thế nhưng, tương phản với tốc độ mở rộng và doanh thu, một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro đứng đầu bảng trong top các doanh nghiệp FDI khai lỗ.
Metro chưa nộp đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào và trở thành một trong những doanh nghiệp bị cơ quan thuế đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá. Cuộc thanh tra lần này đã phần nào làm rõ “xảo thuật” đó. Qua thanh tra, Tổng cục Thuế yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỉ đồng.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Đẩu – Phó Chánh thanh tra Tổng cục Thuế cho biết: “Trong quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã phát hiện một số vấn đề của Metro, đáng kể là vấn đề nhượng quyền thương mại. Giai đoạn 2006-2009, Metro vẫn chưa có giấy phép về nhượng quyền nhưng họ vẫn thực hiện bồi hoàn, chi trả cho công ty liên kết tại Đức và chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Khi cơ quan thuế thanh tra, Metro không chứng minh được thủ tục đầy đủ”.
Khi được hỏi Metro đã thua lỗ trong thời gian dài, nhưng tại sao đến năm 2014, ngành Thuế mới thanh tra toàn diện Metro, ông Đẩu nêu quan điểm: “Cái khó là thanh tra các công ty này do đơn vị quản lý làm. Việc xác minh thông tin và mối liên hệ giữa Metro với công ty mẹ, công ty liên kết ở nước ngoài vô cùng phức tạp.
Hơn nữa, do luật ở Việt Nam vẫn cho phép việc nhượng quyền thương mại nên Metro vẫn lợi dụng kẽ hở đó để trục lợi và không có động thái “hối lỗi”. Với Metro, khi dư luận xôn xao việc chuyển nhượng của họ với một thương gia ở Thái Lan, cơ quan thuế mới quyết định vào xem xét toàn diện”.
Hàng loạt nghi án bị chìm xuồng!?
Sau “mẻ lưới” lớn nhất trong hoạt động chống chuyển giá của Tổng cục Thuế tại Metro, dư luận đặt câu hỏi, liệu sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp đang sử dụng “miếng võ” chuyển lãi thành lỗ để trốn thuế? Trên thực tế, hàng loạt các nghi án trốn thuế, chuyển giá rộ lên trong nhiều năm qua, nhưng rồi lại không được làm rõ. Điều này khiến dư luận lo ngại khi nguồn lực cho sự phát triển bị thất thoát. Tình trạng này còn kéo dài bao lâu và những nghi án này bao giờ mới có lời giải?
GS. Đặng Đình Đào- nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (đại học Kinh tế quốc dân):Cần thành lập ban chức năng giám sát doanh nghiệp Trước thực tế nhiều “ông lớn” áp dụng “bài tủ” chuyển giá để trốn thuế, nhiều ý kiến cho rằng nên trao quyền điều tra cho cơ quan thuế để phát hiện, khởi tố hành vi chuyển giá, gian lận thuế. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, hoạt động thanh tra, kiểm tra phải đúng luật. Không trao trách nhiệm chồng lấn của các cơ quan khác như công an, hải quan sang cơ quan thuế. Mỗi cơ quan đó có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Nếu như tất cả các bộ phận đều tiến hành điều tra thì sẽ gây rối, ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng nên thành lập một bộ phận, một nhóm, tổ, ban chức năng, giám sát những doanh nghiệp có hiện tượng sử dụng những thủ đoạn tinh vi để chuyển giá. Ban này nên có sự phối hợp với các cơ quan chức năng (công an, thanh tra, viện kiểm sát) để hoạt động có hiệu quả nhất. |
Trên thực tế, năm 2012, dư luận choáng váng trước nghi án "ông lớn" Coca-Cola khai lỗ hơn 3.700 tỉ đồng, 10 năm không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn liên tục mở rộng với kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tới năm 2015.
Doanh thu liên tục tăng cao, nhưng lỗ của thương hiệu nổi tiếng thế giới này cũng tăng dần. Cùng thời điểm trên, thương hiệu Adidas cũng bị rơi vào tầm ngắm. Tham gia thị trường dụng cụ thể thao từ năm 1993, song đến năm 2009, Adidas mới chính thức thành lập công ty Adidas Việt Nam. Đến đầu 2012, Adidas Việt Nam đã có trên 50 cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn. Doanh thu lên tới 22.000 tỉ đồng, sử dụng khoảng 80.000 lao động, thế nhưng họ lại thường xuyên báo lỗ.
Trước những nghi án chuyển giá, giới chuyên gia nhận định, có những “ông lớn” đang làm nghèo đất nước, thậm chí nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị hạ gục, trong nhiều lĩnh vực chúng ta đã bị “xóa sổ” cả một ngành. Để tiếp tục phát hiện và xử lý chiêu bài chuyển giá, trong cuộc trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Đẩu cũng khẳng định, với tất cả những tập đoàn lớn ngành thuế gần như đều đang thu thập tài liệu. Khi có dấu hiệu sẽ vào cuộc ngay.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ thanh tra các tập đoàn lớn. Tổng cục Thuế đang xác minh một số đơn vị, nếu có dấu hiệu sẽ thanh tra toàn diện”, ông Đẩu nhấn mạnh. Trên thực tế, dư luận đặt ra vấn đề, cần phải tích cực có những động thái cụ thể để “xóa sổ” các thủ đoạn chuyển giá.
Hiểu đúng về chuyển giá Hiểu theo lý thuyết về kinh tế, chuyển giá là hành vi của chủ thể kinh doanh, tác động đến giá cả nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên trong tập đoàn hay nhóm liên kết. Hiện tượng này đang diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên, để thu thập được chứng cứ, bóc tách được các chiêu né thuế của doanh nghiệp lại là vấn đề không đơn giản. TS. Mai Thanh Hải – Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Phản ánh “bức tranh chuyển giá” Hiện nay, cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều tận dụng khai thác triệt để những điểm yếu, những sơ hở trong pháp luật, để trốn tránh việc nộp thuế cho Nhà nước. Nên nhớ rằng việc Metro bị truy thu thuế không phải là hiện tượng cá biệt mà thể hiện sự phổ biến của thủ đoạn chuyển giá trốn thuế ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và khi đã lỗ thì doanh nghiệp không phải chịu thuế thu nhập nữa. Luật sư Nguyễn Minh Diễn (đoàn Luật sư Hà Nội):Việc trốn thuế gây tổn hại tới tài chính quốc gia có thể xử lý hình sự Theo tôi, về phía Metro, trốn thuế chừng nào thì phải nộp lại chừng đó. Nếu doanh nghiệp không nộp đầy đủ thì hãng thu mua doanh nghiệp phải nộp. Về mặt pháp lý, trách nhiệm của hãng mua lại là phải hoàn tất mọi nghĩa vụ với cơ quan quản lý, đặc biệt với thuế và tài chính của Việt Nam. Thông thường, gian lận về thương mại được xếp vào vụ án kinh tế, nếu như có các tình tiết tăng nặng khác thì sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, án kinh tế có được hình sự hóa hay không còn cần đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, những người làm luật (bộ Tài chính, Hải quan...). Cần phải xem xét việc trốn thuế này có gây tổn hại tới tài chính quốc gia hay ăn sâu, phá hoại nền kinh tế không; có sự kéo dài, chỉ đạo, có sự thông đồng với cơ quan quản lý của Việt Nam hay không để đưa ra kết luận đúng đắn nhất. Bao nhiêu doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá? Theo báo cáo của bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.990 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt và truy hoàn là 1.559,8 tỉ đồng, giảm lỗ 4.720 tỉ đồng; giảm khấu trừ 99,9 tỉ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng, tình trạng trốn thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vẫn diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm. |
Theo Nguoiduatin.vn